Kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhiều "đại gia" sừng sỏ với thực lực tài chính hùng hậu cũng không tránh khỏi số phận bị sập tiệm bởi quy luật khắc nghiệt của thị trường.
Theo hãng tin Kyodo, Công ty tín dụng tiêu dùng lớn thứ 4 ở Nhật Bản là TakeFuji Corporation ngày 27/9/2010 đã đệ đơn lên Tòa án Tokyo xin phá sản và được bảo hộ để tiến hành tái cơ cấu theo “Luật phục hồi xí nghiệp”, đồng thời cả Chủ tịch HĐQT Kiyokawa lẫn Phó Chủ tịch Takei cũng xin từ chức.
TakeFuji Corporation từng là Tập đoàn tín dụng tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản trong năm 2002, với tổng số vốn clên tới 1.770 tỉ yên (21 tỉ USD). Do không kịp thời cải cách, đổi mới công tác quản lý để khắc phục hậu quả của khủng hoảng tín dụng thế giới, đến cuối tháng 3/2010, vốn của TakeFuji Corporation chỉ còn 589,4 tỉ yên (khoảng 7 tỉ USD) trong khi nợ không thể trang trải lên tới 430 tỉ yên (5,1 tỉ USD). Nếu cộng cả lãi suất, con số này còn cao hơn nhiều.
Năm 2006, Tòa án tối cao Nhật Bản ban hành “Luật sửa đổi tín dụng” nhằm hạn chế những hành vi bất chính của các công ty tài chính, ép buộc khách hàng vay vốn . Tháng 6/2010 khi luật này có hiệu lực, các công ty tài chính phải đăng ký lại với nhà chức trách, nhưng đã có tới 60% trong số 3.900 công ty tài chính không chịu đăng ký. Công ty kiểm toán Nomura cho biết 4 công ty tín dụng tiêu dùng - trong đó có TakeFuji Corporation, Aiful - phải hoàn trả cho khách hàng số tiền lãi mà họ chiếm dụng lên tới hàng trăm tỉ yên, làm cho các công ty tài chính này tổn thất tới 503 tỉ Yên (6 tỉ USD) trong năm nay.
Trong thời gian 5 năm tới, TakeFuji Corporation cùng 3 công ty tài chính khác phải hoàn trả số tiền tới 1.600 tỉyên (19 tỉ USD) cho khách hàng. Lợi nhuận tịnh quý 2/2010 của TakeFuji Corporation giảm tới 32%. Việc hãng Moody hạ chỉ số tín nhiệm của TakeFuji Corporation càng làm cho công ty này lao đao và lâm vào cảnh sập tiệm, xin phá sản. Ông Akino, giám đốc Công ty quản lý đầu tư Tokyo ,nói: "Nguyên nhân căn bản làm TakeFuji Corporation bị phá sản là do không kịp thời tiến hành cải cách, đổi mới chế độ quản lý, giám sát tài chính, nên không thể cạnh tranh nổi với các công ty khác".
Các chuyên gia tài chính ngân hàng Nhật Bản cho rằng TakeFuji Corporation là nạn nhân của công cuộc đổi mới công tác quản lý tài chính, đồng thời cũng là nạn nhân của khủng hoảng tiền tệ tín dụng do quản lý tài chính lỏng lẻo. Tình trạng quản lý, giám sát lỏng lẻo là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng tiền tệ tín dụng của các ngân hàng và công ty tài chính trên thế giới. Báo cáo của IMF cho biết khủng hoảng tín dụng thứ cấp ở Mỹ trong hai năm 2007 và 2008 chủ yếu là do công tác quản lý không nghiêm minh và khiến cho hệ thống ngân hàng tiền tệ thế giới bị thiệt hại tới 945 tỉ USD. Hơn 1.000 ngân hàng và cơ quan tài chính lớn các nước trên thế giới đều bị tổn thất nghiêm trọng ở mức độ khác nhau, trong đó có nhiều “đại gia sừng sỏ”.
Tạp chí Forbes ngày 3/6/2009 cho biết “Cơn lũ quét” khủng hoảng tiền tệ tín dụng ở Mỹ đã khiến hàng trăm "đại gia" ngân hàng, tài chính và doanh nghiệp bị sập tiệm trong hai năm 2008 và 2009. Điển hình là một số "đại gia" sau đây:
1 -Lehman Brothers Holdings - công ty đầu tư lớn thứ 4 ở Mỹ với tài sản tới 691 tỉ USD cùng hơn 80 chi nhánh rải rác khắp thế giới - tuyên bố phá sản ngày 15/9/2008. Đây là công ty lớn nhất trong lịch sử xin phá sản ở Mỹ. Lehman Brothers Holdings từng có "một thời oanh liệt" ở Wall Street. Việc "đại gia" này tuyên bố phá sản là cú sốc lớn và cũng là một tai họa giáng vào nền kinh tế Mỹ.
2 -Washington Mutual là ngân hàng lớn thứ 6 ở Mỹ với tài sản 327,9 tỉ USD tuyên bố phá sản ngày 26/9/2008. Khi nghe tin ngân hàng lâm vào tình thế khó khăn, khách hàng đã rút tới 16 tỉ USD khỏi ngân hàng... chỉ trong vòng có 10 ngày
3 -WorldCom là tập đoàn viễn thông lớn thứ hai ở Mỹ đứng sau AT&T với tài sản 103,9 tỉ USD tuyên bố phá sản ngày 21/7/2002. Chủ tịch tập đoàn là Bernard Ebbers bị tố cáo gian lận, lừa gạt khách hàng với số tiền tới 11 tỉ USD và bị kết án 25 năm tù.
4 -General Motors - "niềm kiêu hãnh một thời" của công nghiệp sản xuất ô tô Mỹ với bề dày lịch sử hơn 100 năm , với tài sản 91 tỉ USD và từng đứng đầu trong số 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới - đã tuyên bố phá sản ngày 1/6/2009.
5 -Enron, tổ hợp công nghiệp khí đốt, điện lực,năng lượng lớn nhất nước Mỹ có quy mô tài sản 65,5 tỉ USD , đã tuyên bố phá sản ngày 2/12/2001.
6 -Conseco, công ty tài chínhvà bảo hiểm có tài sản 61 tỉ USD bị thua lỗ tới 8 tỉ USD, và đã tuyên bố phá sản ngày 12/12/2002.
7 -Chrysler, một trong 4 hãng ô tô nổi tiếng nước Mỹ với tài sản 39 tỉ USD , đã đệ đơn xin phá sản ngày 30/4/2009.
8 -Thornburg Mortgage là côngty ký quỹ cho vay nhà đất lớn ở Mỹ có tài sản 36,5tỉ USD, nhưng vẫn không đương đầu nổi với khủng hoảng tín dụng thứ cấp ở Mỹ và tuyên bố phá sản ngày 1/5/2009.
9 -Pacific Gas and Electric Corporations là một tập đoàn điện lực ở California cấp khí đốt cho hơn15 triệu khách hàng với quy mô tài sản 36 tỉ USD do không kham nổi giá dầu lửa lên cao, đã tuyên bố phá sản ngày 6/4/2001.
10 -Texaco, công ty dầu khí có tài sản 34,9 tỉ USD, đã tuyên bố phá sản ngày 12/4/1987 do chiến lược kinh doanh sai lầm trong chạy đua với Pennzoil.
Nguyên nhân khiến cho các “đại gia" này bị phá sản do không thức thời và công tác quản lý tài chính lơi lỏng, kém hiệu quả, không chống chọi được với khủng hoảng. Các “đại gia” sập tiệm đã giáng một đòn nặng nề vào hệ thống ngân hàng tài chính thế giới, làm cho kinh tế thế giới suy thoái từ năm 2008 tới nay chưa thể phục hồi . Dư chấn của khủng hoảng tín dụng vẫn tiếp tục tác động tới châu Âu, Nhật Bản và các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia mà các nhà tài chính gọi là “Nhóm các con lợn” (PIGS: viết tắt của bốn nước). TakeFuji Corporation là một nạn nhân mới nhất của "cơn lũ quét" này.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com