Chúng ta đang có cơ hội để cơ cấu lại hệ thống DN, hệ thống ngân hàng cũng như chớp lấy những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh khi giá hàng toàn cầu đang giảm mạnh.
TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đã phát biểu trong một cuộc hội thảo: “Các ngân hàng Việt Nam không thể sụp đổ do thị trường BĐS bởi nguyên tắc cho vay thế chấp BĐS tại Việt Nam là giá trị BĐS bao nhiêu thì trừ đi một nửa rồi ngân hàng cho vay 2/3 trên một nửa đó”. Điều đó có thể bảo đảm sự an toàn của ngân hàng nhưng nếu kiểu làm ăn “chắc như gạch” đó áp dụng cho tất cả mọi khoản vay thì các DNNVV - nơi tập trung phần lớn DN tư nhân sẽ tiếp cận nguồn vốn “khó như đường lên trời”.
Cơ hội đen
Thực tế hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay làm công việc của nơi cho vay nhiều hơn chức năng một hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, đảm bảo cung ứng tài chính cho sự phát triển. |
Điều này đã được chính các ngân hàng và lãnh đạo ngân hàng khẳng định cụ thể như ông Nguyễn Mạnh – Giám đốc ban nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BDIV) nói: “Không thể cứ cho vay bừa khi DN không chứng minh được khả năng trả nợ trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu và trong nước ngày càng suy giảm”. Ông Nguyễn Đại Lai - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng (NHNN) cũng khẳng định: “Ngân hàng cũng là một loại hình DN và quan hệ giữa ngân hàng và DN là quan hệ thỏa thuận thị trường, chẳng có ai muốn cho vay để rồi cùng dắt tay nhau xuống hố”.
Nhưng nếu ngân hàng cứ bo bo giữ chắc tiền hoặc chỉ cho vay trong sự chỉ định hoặc bảo lãnh của NHNN thì chắc chắn một tương lai vô cùng xấu sẽ xảy ra cho nền kinh tế và lúc đó các ngân hàng có chắc mình có thể ngồi vững không. Nhìn một cách khách quan và tích cực chúng ta đang có cơ hội để cơ cấu lại hệ thống DN, hệ thống ngân hàng cũng như chớp lấy những cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh khi giá hàng toàn cầu đang giảm mạnh. Trong cuộc “thay máu” này các ngân hàng phải đứng vai trò mũi nhọn vì ở thời điểm này nếu thiếu vai trò của nó nền kinh tế không có cách nào vươn lên.
Ba việc nên làm ngay
Các ngân hàng nên thực hiện ngay ba việc để có thể giúp sức nền kinh tế vượt qua giai đoạn này.
Thứ nhất, nên hệ thống lại các hồ sơ vay vốn và có cơ chế đặc biệt cho các DN sản xuất hàng hóa, đầu tư hạ tầng, đầu tư vào khu vực nông thôn, vì nếu các DN này bị phá sản, bị co hẹp sản xuất thì không chỉ ảnh hưởng tức thời như nhân công mất việc làm, đình trệ sản xuất, giảm sức mua của thị trường mà còn nguy hại tới tương lai của nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, nên tổ chức một Quỹ bảo lãnh tiền vay, quỹ này có thể được các ngân hàng cùng thành lập dưới sự chủ trì của NHNN hoặc dùng vốn của trái phiếu chính phủ hoạt động theo phương thức phi lợi nhuận nhằm đảm bảo nguồn vay cho các DN có phương án kinh doanh khả thi, có thị trường bán sản phẩm tốt, đầu tư chiều sâu để thay đổi công nghệ hoặc thay đổi phương thức sản xuất hoặc đem lại lợi ích xã hội lớn nhưng cần đầu tư dài hạn. Hoạt động của quỹ này có thể tồn tại lâu dài vì thực tế nếu sau khi nền kinh tế vượt qua đợt suy thoái thì các loại hình đầu tư đặc thù vẫn rất cần có sự bảo lãnh của một định chế tài chính độc lập.
Thứ ba, các ngân hàng nên thay đổi cách hành xử với DN, đặc biệt là dân doanh. Thực tế việc bảo trợ phi kinh tế và không hiệu quả các DNNN đã gây ra rất nhiều tốn kém, không tạo bền vững cho cả các DNNN lẫn hệ thống ngân hàng. Nó gây ra sự méo mó, lệch lạc trong hệ thống động lực của cả nền kinh tế quốc gia. Hơn nữa với trình độ quản lý DN nói chung, quản lý tài chính nói riêng của các DN dân doanh còn rất thô sơ cần rất nhiều sự hỗ trợ. Nhiều DN chưa thể tự lập nổi hồ sơ vay vốn, hồ sơ dự án hoàn chỉnh. Nếu các ngân hàng thực sự xác định DN dân doanh là động lực phát triển của kinh tế đất nước, là nguồn thu và là đối tác chiến lược thì chắc chắn quá trình gắn kết, hỗ trợ, tư vấn, giám sát tài chính của các ngân hàng sẽ làm cho DN sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.
Toàn bộ việc này đều có thể giao cho Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia là đơn vị tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ vì đây là một giai đoạn kinh tế hết sức khó khăn cần có những quyết định nhanh chóng và hiệu quả nhất.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com