Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng chật vật “hành trình 3.000 tỷ”

Trong “hành trình 3.000 tỷ đồng” này, một số ngân hàng khá thuận lợi khi có sự hỗ trợ cần thiết của các cổ đông lớn là các tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh.

Luật đã định, không đảm bảo có thể bị rút giấy phép, trong khi đó bối cảnh để các ngân hàng tăng vốn không còn nhiều thuận lợi như từng có trong hơn một năm trước…

Sau năm 2008, trong năm 2009 và năm 2010, Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22/11/2006 sẽ tiếp tục được đề cập đến nhiều trong các dòng thông tin về tình hình tăng vốn, cũng như sẽ xuất hiện nhiều trong các báo cáo trình đại hội cổ đông thường niên của các ngân hàng thương mại.

Theo quy định tại nghị định trên, mức vốn pháp định áp dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần đến năm 2008 tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đến năm 2010 là 3.000 tỷ đồng. Năm 2008, đến “phút chót” vẫn còn 5 trường hợp chưa thể “thở phào” với quy định này. Năm 2009, áp lực tăng vốn theo định hướng trên tiếp tục là một bài toán không dễ gỡ với nhiều thành viên.

Một thông tin đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước vừa trình Thủ tướng Chính phủ giao cho mình chỉ đạo các ngân hàng thương mại có mức vốn điều lệ dưới 2.000 tỷ đồng chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ để đạt mức tối thiểu 2.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2009; theo dõi, giám sát và làm cơ sở tăng đủ vốn lên mức 3.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2010; cho phép được áp dụng các biện pháp cần thiết đối với các ngân hàng thương mại không thực hiện đúng yêu cầu nói trên.

Như vậy, có thể sẽ có thêm một hạn định vào 31/12/2009 trên “hành trình 3.000 tỷ” này.

Nội lực là chính

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện còn 21 ngân hàng thương mại cổ phần và 5 ngân hàng liên doanh có mức vốn điều lệ dưới 2.000 tỷ đồng. Phần lớn trong nhóm 21 ngân hàng cổ phần nói trên đã tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2009 và thông qua phương án tăng vốn điều lệ.

Điểm nổi bật trong các phương án đưa ra là hầu hết không có kế hoạch phát hành ra bên ngoài, mà chủ yếu dựa vào nội lực là các cổ đông hiện hữu và lực lượng cán bộ công nhân viên. Đây là điểm khác biệt so với năm 2007, năm mà thị trường chứng khoán bùng nổ, nhiều nhà băng đã nắm cơ hội phát hành ra bên ngoài để tăng mạnh vốn với thặng dư lớn.

Còn năm nay, có thể một phần là sự thận trọng về khả năng thành công nếu phát hành ra bên ngoài khi thị trường chứng khoán vừa trải qua kỳ sụt giảm kéo dài. Và trong các mức giá đã dự kiến phát hành, có thể thấy nhiều trường hợp chỉ xác định bằng với mệnh giá chứ không phổ biến “nhiều chấm” như năm 2007.

Trong “hành trình 3.000 tỷ đồng” này, một số ngân hàng khá thuận lợi khi có sự hỗ trợ cần thiết của các cổ đông lớn là các tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh, như tại Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), tại Ngân hàng Gia Định (GiaDinhBank) là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), tại Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank) là sự cam kết hỗ trợ của một số tổ chức trong và ngoài ngành…

Sau mùa đại hội cổ đông tháng 3 và 4 vừa qua, Maritime Bank lên kế hoạch tiếp tục huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu với “gói” 760 tỷ đồng; Ngân hàng Việt Á (VietABank) cũng đặt kế hoạch tăng vốn từ 1359,8 tỷ đồng lên 1.632 tỷ đồng bằng nội lực của cổ đông hiện hữu; KienLongBank cũng đưa ra “gói” 1.000 tỷ đồng với nguồn tương tự…

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng nội lực cổ đông hiện hữu là có giới hạn hoặc có những trở ngại nhất định, đặc biệt là ở những cổ đông lớn.

Đơn cử như tại Maritime Bank, để VNPT tiếp tục tham gia góp vốn trong kế hoạch tăng vốn vừa qua phải có sự xét duyệt của Thủ tướng Chính phủ; rộng hơn, nếu các cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng (cũng như tài chính, chứng khoán hoặc ngoài ngành) đều phải chịu sự giám sát chặt theo quy định hiện hành.

Hay theo đặc thù hoạt động, cổ đông lớn phải tuân theo các quy định về tỷ lệ an toàn bắt buộc; như với các cổ đông là ngân hàng thương mại phải đảm bảo tổng đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác (kể cả công ty con) không được quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ… Đây cũng là một lý do để Vietcombank đưa ra giải thích cho nhu cầu phải tăng vốn điều lệ hiện nay, do hạn mức đầu tư còn lại chỉ còn khoảng chưa đến 1.000 tỷ đồng.

Đặt niềm tin hướng ngoại?

Rải rác trong kế hoạch tăng vốn của nhóm ngân hàng nói trên là hướng tìm kiếm các đối tác nước ngoài để bán vốn.

Theo nghị quyết đại hội cổ đông của KienLongBank, một phương án tăng vốn điều lệ được đưa ra là thông qua kế hoạch bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Ngân hàng này sẽ tìm các đối tác nước ngoài là các ngân hàng, tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư để thương lượng bán cổ phần. Nếu phương án này thực hiện được, nếu có thặng dư cũng sẽ chuyển vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Tại đại hội cổ đông vừa qua, VietABank cũng đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Quản trị tìm các đối tác nước ngoài để thương thảo bán cổ phần với mức tỷ lệ tối đa được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Những phương án nói trên đã được xác định, cũng là con đường mà nhiều ngân hàng cổ phần lớn đã đi trước. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2008, sau thương vụ của Maybank tại ABBank hoàn tất, con đường này chưa có những bước chân mới.

Ngay cả thời hoàng kim 2007, một số ngân hàng có quy mô lớn và tên tuổi đã tự tin công bố kế hoạch tìm đối tác ngoại, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được mục đích. Và nay, niềm tin có hiện thực với những thành viên mới?

Có thể sẽ rất khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều tổ chức tài chính đang chật vật với yêu cầu củng cố cho chính bản thân trước khi tìm hướng đầu tư và hỗ trợ các đối tác bên ngoài. Mặt khác, thời hạn còn lại của “hành trình 3.000 tỷ”, hay trước mắt là đích 2.000 tỷ đồng vào 31/12/2009, sẽ khó thực hiện các cuộc “hôn nhân” vội vàng.

Nhưng, ngược lại, có thể đây là thời điểm mà nhà đầu tư ngoại ngắm đến các ngân hàng Việt Nam, khi chi phí đầu tư đã thấp hơn rất nhiều so với trước đó.

Bên cạnh cách hướng ngoại, một số ngân hàng thương mại cổ phần hiện cũng đã lên kế hoạch giảm tải áp lực tăng vốn trong năm quyết định 2010 bằng hình thức trái phiếu chuyển đổi. Đây cũng là hình thức đã có khá nhiều tiền lệ thành công ở những đàn anh đi trước trong năm 2007 và 2008.

(Theo MINH ĐỨC // vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Không lo ngại nợ xấu
  • Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa
  • Bốn đặc điểm của FDI trong bốn tháng đầu năm
  • Giải pháp thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2009 - 2010
  • Dư nợ tín dụng tăng mạnh: Nên mừng hay lo?
  • Đăng ký giao dịch bảo đảm: Cầm chuôi vẫn bị đứt tay?
  • “Cơ hội lớn để minh bạch hóa thông tin tài chính”
  • Bây giờ là lúc giữ thị trường
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!