Một số nhà phân tích dự báo đồng euro sẽ còn tụt dốc hơn nữa, khi Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể sẽ nối gót Hy Lạp, Ireland rơi vào cảnh không thể thanh toán nợ nần.
Rút kinh nghiệm từ khủng hoảng Hy Lạp, châu Âu lần này đã nhanh chóng trợ giúp Ireland gói cứu trợ 85 tỷ euro, bao gồm 10 tỷ euro dành để tái huy động vốn khẩn cấp, 25 tỷ euro để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong trường hợp khẩn cấp và 50 tỷ euro dành cho kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, ngay sau khi gói giải cứu Ireland được chính thức thông qua ngày 28/11, lo ngại của thị trường về tình hình sức khỏe của các nền kinh tế Eurozone vẫn không dịu bớt. Đồng euro đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 29/11. Tại thị trường Tokyo, đồng euro đã có lúc trượt xuống còn 1,3181 USD, mức thấp nhất trong hai tháng trở lại đây so với đồng bạc xanh. Đồng euro đã chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 đến nay do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình nợ công tại Eurozone. Thị trường còn lo ngại về những thông tin nói rằng các nhà cho vay ở các nước Eurozone có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng không trả được nợ của Ireland sau năm 2013 và có khả năng sẽ phải tái cơ cấu các trái phiếu của họ và bị buộc phải chịu lỗ. Giới chuyên gia dự báo, đồng euro có thể giảm tiếp xuống mức 1,310 USD trong ngắn hạn. Tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Ireland đã khiến cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu (chủ nợ của các ngân hàng Ireland) mất giá mạnh. Đặc biệt, chi phí vay tại các quốc gia như Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều đang ngấp nghé các mức cao kỷ lục.
Cuộc khủng hoảng nợ của Ireland - cơn bão thứ hai ở Khu vực đồng euro trong vòng nửa năm - đang thử thách “sức bền” của EU. Kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank cho rằng cuộc khủng hoảng Ireland giống với cuộc khủng hoảng Hy Lạp, nếu xét về mức độ rủi ro. Quy mô xin trợ giúp của hai nước này cũng tương tự nhau và hai nước cùng phải đối phó với vấn đề thâm hụt khổng lồ.
Năm 2009, tổng số nợ công của Hy Lạp lên tới 300 tỷ euro, chiếm 124% GDP; trong khi thâm hụt ngân sách là gần 14% GDP. Hiện hệ thống ngân hàng của Hy Lạp vẫn phụ thuộc nặng nề vào các khoản vay lãi suất "cực thấp" từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Còn ở Ireland, kể từ đầu tháng 11, lãi suất mà chính quyền Dublin phải trả khi đi vay mượn đã tăng lên tới mức chóng mặt là 9%/năm. Thâm hụt ngân sách của Ailen trong tài khóa năm nay lên tới 32% GDP, trong khi ngành ngân hàng đối mặt với nguy cơ phá sản bất chấp 50 tỷ euro mà Dublin đã bơm vào cách đây không lâu.
Trong dự báo kinh tế 2010-2011 vừa được công bố ngày 29/11, Uỷ ban châu Âu (EC) tỏ ra hoài nghi các kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Theo EC, mức thâm hụt của Bồ Đào Nha sẽ giảm từ 7,3% GDP năm 2010 xuống 4,9% năm 2011, nhưng sẽ tăng trở lại 5,1% năm 2012. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đặt mục tiêu đưa mức thâm hụt xuống 4,6% vào năm tới. Còn mức thâm hụt của Tây Ban Nha cũng sẽ giảm từ 9,3% năm 2010 xuống 6,4% năm 2011, trước khi đứng ở mức 5,5% năm 2012.
Mặc dù chính phủ Bồ Đào Nha đã tìm mọi cách trấn an thị trường tài chính quốc tế, nhưng ngày 23/11, lãi suất trái phiếu Bồ Đào Nha đã lên tới 6,56% thay vì chỉ có 6,50% trong ngày 19/11. Còn Tây Ban Nha đã phải hạn chế bán trái phiếu bởi các nhà giao dịch đòi lãi suất quá cao.
Chuyên gia Tullia Bucco thuộc Ngân hàng Unicrédit nhận định, nếu áp lực lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục gia tăng, Bồ Đào Nha tất sẽ phải xin trợ giúp khẩn cấp. Theo một số nhà kinh tế, Bồ Đào Nha cảm sẽ thấy phi lý khi phải trả lãi suất trái phiếu chính phủ gần 7% và do vậy sẽ quay sang nhờ sự giúp đỡ của bên ngoài. Với mức nợ công lên tới 161 tỷ euro, chiếm 82% GDP, nhu cầu huy động vốn của Bồ Đào Nha còn cao hơn cả Ireland. Tuy vào thời điểm này chưa cần đến hỗ trợ của châu Âu, nhưng sang năm tới, Bồ Đào Nha sẽ đối mặt với khoản nợ đáo hạn 25,6 tỷ euro - trong đó có 19,7 tỷ euro phải thanh toán 6 tháng đầu năm.
Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha dự báo năm nay, GDP của Bồ Đào Nha sẽ chỉ tăng 0,9% và nhiều nhà kinh tế dự đoán năm 2011 nước này sẽ rơi vào suy thoái do tác động của chương trình “thắt lưng buộc bụng” để giảm bớt nợ nần. Bồ Đào Nha đang ở vào tình thế nguy hiểm bởi tăng trưởng kinh tế thấp và nợ nần nhiều. Năm ngoái thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã lên tới 9,3% GDP, vượt xa mức trần 3% mà EU đặt ra và là mức cao thứ tư trong Eurozone - sau Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha.
Mặc dù các ngân hàng lớn của Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng tốt hơn các ngân hàng Ireland và Bồ Đào Nha, nhưng chi phí đi vay của Tây Ban Nha tăng mạnh là tín hiệu đáng lo ngại. Nó chứng tỏ giới đầu tư không tin tưởng vào khả năng thanh toán của Tây Ban Nha. Các chuyên gia đã nêu ra những điểm yếu của nền kinh tế Tây Ban Nha như tăng trưởng xấp xỉ bằng không, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20%, các biện pháp cải cách về thị trường lao động, quy mô tiết kiệm chưa đủ để có thể giảm thâm hụt ngân sách.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Angel Fernandez Ordonez thừa nhận những tác động của cuộc khủng hoảng nợ Ireland đã lan nhanh sang một số nước trong Eurozone và đang đè nặng lên khoản nợ của Tây Ban Nha. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế còn yếu của Tây Ban Nha đã dừng lại trong quý III/2010, gây trở ngại cho những nỗ lực của chính phủ trong việc hạ tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức rất cao. Dự đoán kinh tế Tây Ban Nha sẽ giảm 0,3% trong năm nay, sau khi giảm 3,7% năm ngoái.
Marco Annunziata, nhà kinh tế hàng đầu của ngân hàng Unicredit, đặt hỏi: Điều gì sẽ xảy ra sau hai năm nữa, khi các chương trình cứu trợ của EU mãn hạn?
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com