|
Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm. Điểm chung của hầu hết các ngân hàng chính là họ đều dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2009. Liệu các ngân hàng có duy trì được “phong độ” này trong những tháng còn lại của năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết, lợi nhuận trước thuế đến ngày 31/7 của Maritime Bank đạt 685 tỷ đồng, sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 555 tỷ đồng, tương đương 222% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 100% kế hoạch năm 2009.
Những kết quả khá khả quan
Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cũng công bố lợi nhuận trước thuế đạt 38,4 tỷ đồng trong tháng 7/2009, tăng 38% so với tháng 6 năm 2009. Như vậy, tính đến 7 tháng đầu năm 2009, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt trên 211 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 19,612 tỷ đồng, tương đương 101% kế hoạch cả năm. Hiện dư nợ cho vay của ABBank đạt 9.139 tỷ đồng, tương đương 82% kế hoạch năm 2009.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, Techcombank đạt 1.221 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro, nhưng chưa hợp nhất từ các công ty con trực thuộc), trong đó riêng tháng 7/2009 đạt 190 tỷ đồng.
Lợi nhuận dự kiến cả năm nay của Techcombank là 2.200 tỷ đồng, tương đương 110% kế hoạch năm 2009. Tính đến cuối tháng 7/2009, tổng vốn huy động của Techcombank đạt 59.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 32.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, ngày 10/8/2009, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thông báo kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2009, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt hơn 450 tỷ đồng, tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2008. SCB cho biết, tính đến 31/7/2009, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 44.805 tỷ đồng, tăng 40,71% so với cùng kỳ năm 2008.
5 tháng cuối năm liệu có “dễ thở”?
Mặc dù kết quả kinh doanh của các ngân hàng 7 tháng đầu năm được coi là khá khả quan nếu so với kế hoạch lợi nhuận năm 2009 nhưng theo các chuyên gia tài chính, con số này không mang tính đột biến, kể cả đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Theo bà Dương Thu Hương, từ sự khó khăn của thị trường tiền tệ trong năm 2008, các ngân hàng đã khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2009 và kết quả là con số này được đánh giá là không quá cao.
Kế hoạch lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng chỉ bằng hoặc cao hơn lợi nhuận thực tế năm 2008 chút ít, cho nên việc đạt mức lợi nhuận sau 7 tháng như vậy là không đáng ngạc nhiên, nhất là khi tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động cũng như lợi nhuận đem lại từ dịch vụ và các mảng kinh doanh khác như doanh thu từ sàn vàng tăng khá mạnh so với năm 2008.
Bên cạnh đó, chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã được các ngân hàng thực hiện khá tốt, giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh được nguy cơ phá sản, khôi phục sản xuất, đồng thời, tăng được dư nợ cũng như doanh thu từ mảng dịch vụ cũng như tín dụng của ngân hàng. Điều này đã giúp cho doanh thu của ngân hàng có sự tăng trưởng ổn định.
Nhưng với những cơ sở hiện tại, liệu trong những tháng còn lại của năm 2009, liệu các ngân hàng có duy trì được lợi nhuận như 7 tháng đầu năm, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa phát tín hiệu kiểm soát chặt và nâng cao chất lượng tín dụng?
Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cho biết, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong quá trình triển khai các hoạt động cho vay khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương kiểm soát chặt tín dụng và “đầu ra” của ngân hàng nhiều khả năng sẽ khó tăng mạnh như giai đoạn trước.
Như ABBank cũng đã tăng cường kiểm soát đối với tín dụng tiêu dùng cũng như nguồn vốn vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán và bất động sản. “Các ngân hàng không thể mạo hiểm khi chủ trương đưa ra là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng”, ông Thái nhận định.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ khác, các ngân hàng không phải là không có thuận lợi trong thời gian tới. Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, có hai thuận lợi lớn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng những tháng cuối năm.
Thứ nhất, trong chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp, cuối năm thường là thời điểm hoàn thành các hợp đồng đã ký, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho các dịp Noel, Tết và thông thường, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của ngân hàng bao giờ cũng tốt hơn 6 tháng đầu năm.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt là những tín hiệu khả quan của nền kinh tế là những cơ sở đảm bảo cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng. “Như vậy, không có lý do gì mà lợi nhuận 6 tháng cuối năm của ngân hàng lại thấp hơn 6 tháng đầu năm”, ông này nhận định.
(Theo Tuấn Linh // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com