Ấn tượng mà Thông tư 14 về áp trần lãi suất cho vay tạo ra là quá mờ nhạt. Rất có thể, nhóm lợi ích ngân hàng đã tính toán sai nước cờ.
Có lẽ Ngân hàng nhà nước là nơi cảm thấy thất vọng nhất sau động thái mới về nới lỏng tín dụng. Hai ngày sau khi Thông tư số 14 do NHNN ban hành vào ngày 4/5/2012 về áp trần lãi suất cho vay ở mức 15%/năm được cơ quan này ban hành, không khí trong khu vực thị trường tín dụng 1 (dân cư và doanh nghiệp) vẫn im ắng.
Giới truyền thông - khu vực quan trọng về phản ánh thước đo tâm lý dư luận xã hội - cũng thờ ơ một cách đáng ngạc nhiên với "luồng gió mới" từ Thông tư 14.
Cần nhớ rằng, cơ chế áp trần lãi suất cho vay đã được gần hết nền kinh tế và xã hội trông chờ từ quý 3 năm 2011, nhưng phải đến gần 3 quý sau đó mới được NHNN chính thức cho áp dụng.
Cũng cần nhớ lại là sau Chỉ thị 02 của NHNN vào đầu tháng 9/2011 về tái thiết lập trần lãi suất huy động về mức 14%, báo chí đã rộn rã vui mừng, phản ánh tâm trạng đầy hy vọng của doanh nghiệp và người dân vào một triển vọng sáng sủa về điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của Chính phủ và cơ quan ngân hàng. Thế nhưng không khí thất vọng đã dần lan, khi cơ chế trần lãi suất huy động đã chỉ chủ yếu phục vụ cho công cuộc tái cấu trúc ngân hàng với một chu trình thâu tóm lẫn nhau giữa các ngân hàng, chứ ít mang ý nghĩa như một cái phao cứu sinh cho các DN đang gặp nguy khó.
Vào cuối năm 2011, trong bối cảnh tình hình kinh tế đã trở nên thật sự bĩ cực, khi con số doanh nghiệp phải phá sản và giải thể không còn ở vòng tuyệt mật, giới truyền thông cũng mất đi sự hồ hởi với một vài văn bản mang tính chiến thuật của NHNN.
Đồng thời, quan điểm ngày càng phổ biến là các chính sách đưa ra chủ yếu nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhóm lợi ích ngân hàng.
Đó cũng là nguyên do vì sao vào lần này, Thông tư 14, dù đã được kiến nghị và chờ đợi nhiều tháng qua, đã ít nhất không nhận được phản ứng ủng hộ ngay tức thì. Có những quan điểm thận trọng cho rằng thật ra mức lãi suất cho vay 15% và những gói hỗ trợ tín dụng kèm theo đã được một số ngân hàng tung ra từ trước khi Thông tư 14 ra đời, và tinh thần của Thông tư 14 chỉ đi sau thực tế!
Khám bệnh
Trong thời gian từ đầu tháng 4/2012 đến nay, một luồng thông tin "nhạy cảm" khác cũng xuất hiện: đã có những xác nhận rõ ràng về việc ngân hàng ứ vốn mà không cho vay được.
BIDV, vẫn như thường lệ, là một trong những ngân hàng đầu tiên lên tiếng về thực trạng này. Trong khi gần như toàn bộ khối doanh nghiệp đang rơi vào tình thế "ruộng khô lúa cháy" - như một cách ví von chua xót của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, thì các ngân hàng lớn lại đang tồn đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, và trong cả quý đầu của năm 2012, tỷ lệ tiêu thụ vốn tồn này là cực kỳ thấp - chỉ khoảng 3%.
Có nhiều lý do để ngân hàng không thể giải phóng vốn tồn một cách mau chóng đến các doanh nghiệp. Lý do chính là nhiều doanh nghiệp quá yếu về nội lực, không thể đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu ngân hàng chịu cho doanh nghiệp vay vào hai quý 3-4 năm ngoái thì tình hình có lẽ đã khác nhiều, vì khi đó cái chết thực thể chưa xảy ra một cách trực tiếp.
Giờ đây, vốn chồng lãi cùng vô số bức bí về đầu ra sản phẩm khiến có thêm nhiều doanh nghiệp ngã quỵ.
Ngã quỵ trước khi được tiếp cứu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc van tín dụng đã được mở trễ so với thực tại cần phải thỏa mãn. Một con bệnh chỉ có thể hấp thu thuốc bổ khi sức đề kháng trong cơ thể còn giữ được phần nào; nhưng đến lúc mà kháng thể đã gần như mất hẳn, sẽ khó có một liều biệt dược nào làm cơ thể hồi phục.
Tất cả những mâu thuẫn mang màu sắc đối kháng như thế đang ứng nghiệm với hiện trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngân hàng đã siết mạnh và quá lâu, mà trong đó có phần nguyên do nhằm thâu tóm lẫn nhau, bỏ quên phần làm nên xương sống của nền kinh tế.
Tính sai nước cờ!
Trong bối cảnh khó khăn, gần đây chính một số doanh nghiệp bất động sản đã lên tiếng về một thực tế phũ phàng: ngân hàng cố tình trì hoãn không cho những doanh nghiệp này vay vốn, nhằm mục tiêu khiến DN không còn khả năng trả nợ và lãi, phải gán nợ cho ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng sẽ mua lại dự án bất động sản của doanh nghiệp với giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá thị trường.
Hơn nữa, quá trình gán nợ và siết nợ có thể khiến con nợ phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nợ, và đến một lúc nào đó chủ nợ sẽ thâu tóm không chỉ tài sản thế chấp của con nợ mà luôn cả phần xác lẫn phần hồn của doanh nghiệp.
Quá trình gom hàng này đã được các nhóm đầu cơ bất động sản tiến hành cả năm nay. Không phải ai khác, chính là những ngân hàng đã thực hiện hành vi "thiện nguyện" này. Cho đến nay đã xuất hiện những cái tên của "cá mập" như BIDV, ACB, Agribank, Sacombank... sở hữu rất nhiều dự án bất động sản.
Đó cũng là sự xác nhận đầu tiên về việc bản thân nhiều ngân hàng cũng đang rơi vào tình thế "kẹp hàng" một cách đầy nguy hiểm đối với chính nó.
Không phải vô cớ mà chính vài ba ngân hàng đã phải lên tiếng kêu than trong những ngày gần đây.
Vẫn là người đi tiên phong, lãnh đạo của Ngân hàng BIDV nói thẳng là doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng không thể tồn tại được. Hoặc những lãnh đạo của ngân hàng Liên Việt và ACB cũng đồng thanh tương ứng về tương lai u tối như thế.
Với các ngân hàng khác, có vẻ như tình hình đang diễn biến ngoài tầm kiểm soát của họ. Thông tin về nợ xấu tăng vọt, trong đó chủ yếu là nợ xấu bất động sản, tại Eximbank, BIDV, Vietcombank... đang làm chính các ngân hàng cảm thấy hai chân đã bén lửa.
Nhiều người lo ngại về nguy cơ hiệu ứng dây chuyền một khi các DN bất động sản không tồn tại được. Khi DN không mặn mà với mức lãi suất cho vay đã điều chỉnh trong khi tâm lí nghi ngờ về thái độ và động cơ của nhóm ngân hàng vẫn ngày càng dâng cao trong khối doanh nghiệp, thì chắc chắn lợi nhuận của khối ngân hàng sẽ bị giảm sút mạnh trong năm 2012 này.
Tất cả những gì thái quá đều không tốt. Rất có thể, nhóm lợi ích ngân hàng đã tính toán sai nước cờ. Giờ đây, mặt trái của lưỡi dao đang kề sát vào cổ giới chủ ngân hàng.
----------------------------------
Tác giả: Trường Sơn // Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com