Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhập nhèm chủ đầu tư nhà nước – tư nhân

Sau khi phóng viên có bài đề cập tới dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương được rao bán rùm beng, trong khi chủ đầu tư chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải tỏa, chưa khởi công xây dựng dự án, chúng tôi tiếp tục nhận được những thông tin cho thấy có nhiều điều nhập nhèm, chưa minh bạch tại dự án này.

Chủ đầu tư là Nhà nước hay tư nhân?

Trong lúc lãnh đạo Cty TNHH địa ốc Phúc Đức trưng ra một số văn bản pháp lý thể hiện dự án TTTM Lái Thiêu đã được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng huyện Thuận An và tỉnh Bình Dương công nhận Cty Phúc Đức là chủ đầu tư dự án. Đồng thời, tại “Thư cảm ơn” gửi Báo Lao Động ngày 24.12 vừa qua, lãnh đạo Cty Phúc Đức khẳng định: “Dự án TTTM Lái Thiêu là dự án được Cty Phúc Đức làm chủ đầu tư, với vốn tự có, không phải là dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư ngân sách của Nhà nước”. Lãnh đạo Cty Phúc Đức cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án là 900 tỉ đồng, với diện tích đất hơn 7,7ha.

Thật lạ lùng, trong phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... của dự án TTTM Lái Thiêu (do Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng - UBND huyện Thuận An ban hành và đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 29.9.2008), lại khẳng định rõ ràng chủ đầu tư dự án TTTM Lái Thiêu là UBND huyện Thuận An, nguồn vốn đầu tư: Ngân sách...(?!).

Và thật vậy, theo phản ánh của người dân bị giải tỏa: Chính quyền chưa bao giờ công bố với dân chủ đầu tư dự án là Cty tư nhân. Trên thực tế, từ năm 2008, khi mời dân lên làm thủ tục bồi thường, chính quyền chỉ lấy phương án tổng thể nêu trên ra áp giá bồi thường, trên danh nghĩa Nhà nước làm chủ đầu tư dự án, vốn chi phí cho dự án hoàn toàn là vốn ngân sách v.v...

Bởi vậy, hàng trăm hộ dân, tuy chưa hài lòng, vì giá bồi thường quá chênh lệch so với giá thị trường; nhưng vì lợi ích công trình công cộng, do Nhà nước làm chủ đầu tư, nên buộc phải chấp hành. Ai dè… mới đây, người dân mới té ngửa… khi thấy Cty Phúc Đức trương bảng công bố mình là chủ đầu tư; đồng thời, Cty này còn rao bán nhà phố (trên giấy) rùm beng, trong khi chưa… khởi công xây dựng dự án(?). Tại sao lúc thực hiện bồi thường, giải tỏa người dân, chính quyền lại công bố chủ đầu tư và vốn thực hiện là của Nhà nước; trong khi công bố xây dựng và… “bán non” dự án, lại xuất hiện Cty tư nhân? Điều đáng nói, từ ngày 12.11.2007, Cty Phúc Đức đã có văn bản số 24/PĐ-KHĐT gửi chính quyền huyện Thuận An và tỉnh Bình Dương xin chủ trương đầu tư vào khu thương mại và khu dân cư thị trấn Lái Thiêu.

... và những hệ lụy


Việc công khai minh bạch chủ đầu tư và nguồn vốn cho dự án thuộc Nhà nước hay tư nhân là rất quan trọng. Một khi dự án thuộc Nhà nước, việc bồi thường giải tỏa mặt bằng dễ dàng hơn, với giá đền bù thấp hơn. Song, khi dự án được giao cho Cty tư nhân, nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận đơn thuần, thì việc đền bù đất đai cho người dân phải trên cơ sở thỏa thuận… Mặt khác, theo quy định về quản lý xây dựng, với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Nhà nước phải quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Tại dự án TTTM Lái Thiêu, tới thời điểm này, chính quyền chưa thực hiện công khai minh bạch cho người dân biết chủ đầu tư dự án là ai? Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hay tư nhân? Mọi hành động chậm trễ nói trên là không đúng quy định luật pháp và khác nào gây thêm hoang mang, trì trệ việc thực hiện dự án? Vấn đề đặt ra ở đây, vì sao lại có sự thay đổi chủ đầu tư dự án?

Nếu dự án được Nhà nước chuyển nhượng cho tư nhân, bắt buộc phải hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và phải có các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng tiến độ thực hiện dự án… Nếu dự án được giao thẳng cho Cty tư nhân làm chủ đầu tư, thì lẽ ra, phải làm lại từ đầu phương án tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Thế nhưng ở đây, dường như người ta đã lấy phần đầu “Nhà nước” để dễ dàng bồi thường cho người dân, còn khúc sau “đầu ra”, thì… đặc biệt dành cho Cty tư nhân.

Vì những nhập nhèm, không minh bạch kể trên từ phía chính quyền đã dẫn tới phía Cty tư nhân Phúc Đức, dù chưa khởi công xây dựng dự án đã mạnh tay rao bán 30 căn nhà phố liên kế (trên giấy), trong đợt 1 “cho khách hàng thân thiết, đối tác chiến lược với giá ưu đãi (thời gian chỉ đến ngày 31.12.2010)” (?!). Việc làm này là vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15.10.2007 của Chính phủ.

(Báo Lao Động)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Trọng tâm năm 2011 là kiềm chế lạm phát
  • Doanh nghiệp tìm lợi nhuận từ rủi ro năm 2011
  • Những dự án tỉ USD “trùm mền”
  • Thu hút FDI nhờ lao động rẻ: Lợi thế hay hại thế?
  • 2011: USD vẫn sẽ tăng giá
  • 10 lĩnh vực đầu tư lãi nhất tại Trung Quốc
  • Qũy nhà ở giá thấp, cho thuê: Sẽ phát triển mạnh
  • Thị trường bất động sản Việt Nam: Vừa thừa, vừa thiếu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!