Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2009 và 4 tháng đầu năm 2009.
Ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế cao nhất lên đến trên 500 tỷ đồng. Các ngân hàng tầm trung, thậm chí có ngân hàng mới đi vào hoạt động chưa lâu cũng đạt mức lãi trên 200 tỷ đông.
Theo các ngân hàng, những kết quả nêu trên là tương đối khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng vẫn còn khó khăn. Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đánh giá, tín dụng của các NHTM đang được kiểm soát phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nếu xem các ngân hàng với vai trò là huyết mạch (dòng vốn) của nền kinh tế và với kết quả kinh doanh khả quan như trên thì có vẻ như "mạch máu" đang được lưu thông rất tốt.
Thế nhưng, trong khi các ngân hàng đều đang hoạt động khá hiệu quả thì hiện nay rất nhiều khách hàng - các DN đều than phiền khó tiếp cận với nguồn vốn. Hai đối tượng "than" nhiều nhất phải kể đến đó là các DN xuất khẩu và các DN thuộc diện được hưởng vay ưu đãi 4% của gói kích cầu.
Còn nhớ, trong một buổi toạ đàm cách đây không lâu, khi đó có cả Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và đại diện của Ngân hàng nhà nước, rất nhiều DN tại các địa phương đều phản ánh thực trạng vô cùng khó khăn khi tiếp cận vay vốn, trong đó có cả nguồn vốn vay ưu đãi 4%.
Giám đốc một công ty chuyên mua bán nợ (chuyên mua các công ty sắp phá sản) cho rằng, sắp tới công ty ông sẽ có rất nhiều việc phải làm, sẽ có nhiều "món hàng" để lựa chọn. Vì vậy, khi nghe tin các ngân hàng lãi lớn ông rất ngạc nhiên. Bởi ông cho rằng, ở các nền kinh tế phát triển, lợi nhuận của các ngân hàng thường gắn liền và tỷ lệ thuận với sự phát triển chung của nền kinh tế nước đó. Nước Mỹ là một điển hình. Còn ở VN trong khi các ngành khác, DN phải gồng mình mới có thể trụ vững, duy trì sản xuất thì ngân hàng lại lãi "chót vót". Nếu như lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay do năng lực tài chính cũng như năng lực điều hành mang lại thì là điều đáng mừng cho nền kinh tế nhưng nó chủ yếu là do chính sách mang lại. Một trong những chính sách bất cập được các DN nhắc đến nhiều nhất đó chính là lãi suất quá cao.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, Chính phủ cũng đã phải đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức 5%, giảm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống 3%. Từ thực tế trên có lẽ Ngân hàng nhà nước không nên quá lạc quan vào kết quả kinh doanh của ngân hàng mà nên có sự điều hành, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cũng như mong muốn của cộng đồng DN, làm sao phải thấy "huyết mạch" thực sự của nền kinh tế.
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com