Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ở Mỹ và nhiều nước, việc ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chuẩn bị đưa ra dự luật chia tách hoạt động tín dụng truyền thống với hoạt động đầu tư tài chính trong hệ thống ngân hàng là một điều đáng khích lệ
Hệ thống ngân hàng có hai chức năng chính: là tổ chức trung gian điều phối dòng vốn trong xã hội và là kênh phục vụ phần lớn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Trong một thị trường tài chính hiện đại, chức năng thứ nhất của hệ thống ngân hàng lại có thể được chia thành hai thành phần: hoạt động tín dụng truyền thống và hoạt động đầu tư tài chính.
Đối với hoạt động tín dụng truyền thống, song song với lợi ích to lớn – có thể tài trợ cho các hoạt động kinh tế lớn hơn nhiều lần vốn của nó, các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng thanh khoản do người gửi tiết kiệm rút tiền đồng loạt, nhất là khi nó lan truyền ra toàn bộ hệ thống. Đó chính là lý do tại sao hệ thống ngân hàng thương mại các nước phải chịu sự quản lý chặt chẽ (quy định về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ vốn tối thiểu trên tổng tài sản, bảo hiểm tiền gửi bắt buộc) và phải được các ngân hàng trung ương cam kết trợ giúp thanh khoản những lúc khó khăn.
Trong hoạt động đầu tư tài chính, ngân hàng vừa có thể là nhà đầu tư trực tiếp vừa là người môi giới cho các nhà đầu tư đơn lẻ bỏ đồng vốn của mình vào các sản phẩm tài chính. Hoạt động đầu tư tài chính đã dần dần qua mặt hoạt động tín dụng truyền thống về khối lượng giao dịch cũng như tỷ lệ cấp vốn cho các hoạt động kinh tế. Sự bành trướng đã tạo ra một lĩnh vực “ngân hàng trong bóng tối”, nghĩa là một tập hợp các định chế tài chính nằm ngoài sự giám sát Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại thông thường.
Nguyên tắc căn bản của luật giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng là giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng liên quan: người gửi tiền tiết kiệm, nhà đầu tư, doanh nghiệp, bản thân các ngân hàng, và cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó luật này phải tối ưu sự can thiệp của Nhà nước để hạn chế ảnh hưởng lên quá trình cạnh tranh giữa các định chế tài chính trên hai kênh: đưa ra các sản phẩm tài chính mới cũng như hình thành các tổ chức tài chính mới trong hệ thống. Khi gia tăng quản lý và giám sát để ngăn ngừa rủi ro, Nhà nước có xu hướng làm giảm mức độ cạnh tranh giữa các định chế tài chính, do đó sẽ làm giảm tác dụng tích cực của hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế trong dài hạn. Một giải pháp quan trọng cho vấn đề khó xử này là chia nhỏ các định chế tài chính theo các hình thức kinh doanh đặc thù và áp dụng các hình thức quản lý khác nhau cho các loại hình kinh doanh khác nhau.
Giải pháp này được áp dụng rất triệt để ở Mỹ năm 1933 với việc luật Glass – Steagall bắt buộc các hoạt động đầu tư tài chính tách khỏi các hoạt động tín dụng truyền thống. Một định chế tài chính nếu hoạt động trong cả hai lĩnh vực buộc phải lập một công ty mẹ và chia các loại hình kinh doanh khác nhau thành nhiều công ty con. Các hoạt động liên quan đến tín dụng truyền thống sẽ thuộc quyền giám sát của Fed, trong khi SEC (Securities and Exchange Commission) quản lý các tổ chức tài chính liên quan đến các hoạt động đầu tư. Việc chia tách này đã kéo dài đến tận năm 1999 và nhiều người cho rằng chính việc bãi bỏ luật này từ năm 1999 là một tiền đề cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Do vậy đã có nhiều ý kiến đề nghị khôi phục lại luật này.
Tại Việt Nam, việc chia tách này có thể không hoàn hảo vì nhiều hoạt động tài chính nằm ở ranh giới của tín dụng và đầu tư, nhưng nó sẽ phân chia khá căn bản các loại rủi ro chính yếu. Sau khi đã chia tách, vấn đề quan trọng tiếp theo là các quy định về quản lý và giám sát cho từng loại hình kinh doanh cần phải được cân nhắc và đưa vào luật. Đối với các ngân hàng thương mại, có lẽ các quy định quản lý hiện hành khá đầy đủ và tiên tiến. Có thể cần áp dụng thêm các chi tiết kỹ thuật của Basel II, nhưng NHNN cần đợi một thời gian để các cuộc tranh luận gần đây về cách thức xác định VaR (value-at-risk) hay ý tưởng về tỷ lệ vốn tự có tối thiểu cần được thay đổi theo chu kỳ kinh tế ngã ngũ. Một tài liệu tham khảo quan trọng là báo cáo của Markus Brunnermeier (http://www.voxeu.org/index.php?q=node/2796).
Chưa rõ NHNN sẽ quy định việc quản lý các hoạt động đầu tư tài chính của giới ngân hàng như thế nào, có lẽ cần có phối hợp với Uỷ ban chứng khoán. Việc quản lý chặt các hợp đồng phái sinh là một việc cần làm nhưng chưa đủ. Các tranh luận gần đây về việc quản lý CDS (một sản phẩm phái sinh rất phổ biến) đều thống nhất rằng sản phẩm này tốt nhất nên được chuẩn hoá và giao dịch trên một thị trường chứng khoán tập trung. Với những sản phẩm OTC, ít nhất các hoạt động thanh lý nên được giao cho một trung tâm dịch vụ thực hiện để giảm bớt rủi ro đối tác cũng như gia tăng minh bạch thông tin. Việc chuẩn hoá các sản phẩm tài chính và thành lập các trung tâm dịch vụ tập trung nên để các hiệp hội ngân hàng và các tổ chức liên quan đến đầu tư thực hiện vì họ là những người hiểu rõ nhất về những loại sản phẩm này. Ngoài ra những quy định liên quan đến việc tách biệt các hoạt động đầu tư tự doanh với các hoạt động môi giới cũng nên được nhấn mạnh để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Riêng việc nghiêm cấm các ngân hàng thương mại không được cho vay đầu tư chứng khoán có lẽ không cần thiết nếu các biện pháp quản lý khác được thực thi một cách có hiệu quả. NHNN có thể điều chỉnh tỷ lệ cho phép đối với các khoản vay này thông qua hiệu chỉnh trọng số rủi ro khi tính tổng tài sản của các ngân hàng. Giới hạn 3% trên tổng vốn tự có như hiện tại là khá an toàn, nếu vẫn cần giảm tiếp rủi ro, NHNN có thể quy định thêm chỉ cho phép các đối tượng vay là các nhà đầu tư lớn, vừa giảm rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vừa khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư tương hỗ, và vừa giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh hơn. Cũng tương tự như vậy, thay vì cấm các ngân hàng không được đầu tư vào các loại trái phiếu doanh nghiệp, NHNN có thể quy định chỉ cho phép các ngân hàng mua trái phiếu để đầu tư dài hạn và dùng trọng số rủi ro để điều chỉnh tỷ lệ tài sản tối đa được đầu tư vào các loại trái phiếu này.
( Theo TS Lê Hồng Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com