Với nhà đầu tư ngoại, uy tín của Việt Nam bị giảm sút sau khi khoản vay của một số tập đoàn kinh tế Nhà nước không được sử dụng hiệu quả.
Thông tin trên được TS. Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Nợ Công - Kinh nghiệp quốc tế và những bài học cho Việt Nam” do Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và UNDP tổ chức sáng 15/9 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước và các nhà quản lý của Việt Nam đã thẳng thắn trao đổi thực trạng và nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nợ công của một số nước trên thế giới, liên hệ với thực tế tại Việt Nam.
Theo ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến 31/12/2009, nợ công so với GDP của Việt Nam là 52,6%, trong đó nợ Chính phủ/GDP là 41,9%, nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP là 9,8%.
Riêng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 38,8%, trong đó nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước là 15,8%, còn nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn so với xuất khẩu là 4,2%.
Theo ông Hải, hầu hết các thống kê trên vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do cơ cấu đồng tiền vay nợ của Việt Nam khá đa dạng nên cũng tiềm ẩn những rủi ro khi có biến động trên thị trường tài chính thế giới.
Bên cạnh đó, danh mục nợ của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những bất cập, chẳng hạn như công tác huy động vốn ODA vẫn còn thụ động, nhiều khoản vay ODA còn gắn với những ràng buộc làm tăng chi phí đầu vào, phân bổ vốn vay còn dàn trải, cơ chế cảnh báo sớm còn hạn chế....
Ngoài ra, theo ông Hải, hiện các chỉ tiêu nợ vẫn trong tầm kiểm soát nhưng một số rủi ro cần phải được tính toán đo lường chính xác hơn, trong khi đó rủi ro tín dụng chưa được phản ánh trong chi phí vay và chi phí bảo lãnh của Chính phủ.
Cùng với đó, quản lý nợ công của Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong thời gian tới do nhu cầu đầu tư phát triển và thâm hụt ngân sách đòi hỏi phải tiếp tục tăng huy động vốn vay trong và ngoài nước, vốn vay ODA giảm dần, biến động trên thị trường tài chính thế giới...
Tuy nhiên, theo ông Alex Warren Rodrigez, Kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam, qua quan sát của ông trong quá trình công tác tại Việt Nam, nhìn chung với những vấn đề gì đã khá rõ ràng thì Chính phủ và Quốc hội giải quyết rất nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, cảnh báo của ông tới Chính phủ Việt Nam rằng, không phải vấn đề gì cũng được rõ ràng, hiện rõ ra để có thể giải quyết, đặc biệt là trong vấn đề quản lý tài chính công. Chính vì vậy, với những số liệu không được minh bạch thì khả năng ứng phó trong những trường hợp này là rất thụ động và kém hiệu quả.
“Khủng hoảng kinh tế năm 1997 đã cho thấy, nhiều Chính phủ khi đó đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ của các tập đoàn, ngân hàng do không nhìn thấy những tảng băng chìm từ trước’, ông Rodrigez cảnh báo.
Trong khi đó, theo TS. Benedict Bingham, nếu Việt Nam chỉ nhìn vào một vài con số cụ thể hay chỉ nhìn vào ngưỡng nợ công/GDP thì chắc chắn sẽ không thể có được đánh giá chính xác về tình hình nợ công hiện nay.
Theo ông, điều quan trọng là phải xem xét chất lượng nợ, tương quan giữa các khoản ngắn hạn, dài hạn, các thông tin liên quan đến khoản nợ... thì mới có thể có được cái nhìn toàn diện về thực trạng nợ công.
Cũng theo đại diện IMF, việc Vinashin thất bại đã ảnh hưởng đến tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam trong thời gian gần đây. Những thông tin cập nhật tình hình Vinashin của Việt Nam đã được đăng tải phổ biến trên các mặt báo ở nước ngoài.
“Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam, qua đó làm giảm niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài khi họ quyết định đầu tư hay thông qua các khoản vay nợ”, ông Rodrigez cho biết.
Đáp lại những cảnh báo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển thừa nhận, trước đây Việt Nam đã từng có tình trạng lơ là các khoản nợ công. Tuy nhiên, cùng với việc ban hành Luật Quản lý nợ công, hiện Chính phủ và Quốc hội cũng đã tăng cường giám sát các khoản vay nợ trong và ngoài nước.
Ông Hiển cũng khẳng định, quan điểm của Quốc hội không phải là các khoản vay ít hay nhiều mà phải là tính đến khả năng trả nợ và sử dụng đồng vốn vay đó có hiệu quả hay không.
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com