![]() |
Vay mới những năm gần đây của Việt Nam đang kiểm soát ở mức dưới 50% GDP, chủ yếu từ nguồn ODA và dài hạn |
Mức nợ chính phủ và nợ quốc gia của Việt Nam hiện nay có đáng lo hay không? Dưới đây là ý kiến của những người trong cuộc để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội
Điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009, do thông qua điều chỉnh tăng bội chi ngân sách lên trên 5% GDP (năm 2009 là 6,9% GDP và năm 2010 là 6,2% GDP), cùng với việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ (trong 2 năm 2009 và 2010 là 120.000 tỷ đồng) đã đẩy dư nợ chính phủ tăng cao, chiếm 44,6%GDP vào cuối năm 2010.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng
Sau khi xử lý xong nợ của thời kỳ bao cấp, Việt Nam trở lại là một nước sòng phẳng về nợ nần. Vay mới những năm gần đây đang kiểm soát ở mức dưới 50% GDP, chủ yếu từ nguồn ODA và dài hạn. Vay ODA có thời hạn rất lâu, 30 - 40 năm, để khi mình phát triển rồi thì có khả năng trả nợ. Cơ cấu nợ cũng được tính toán kỹ, ngoài khoản nợ quốc gia, phần cho doanh nghiệp phải chọn lọc, chỉ dành cho những nơi đầu tư hiệu quả và có khả năng trả nợ. Từ lâu chúng ta cũng đã đưa ra hệ số an toàn cho việc vay nợ. Tỷ lệ này thường được đưa ra phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng nước. Có nước có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100%, dưới 100%. Còn nước ta khoảng 50% GDP.
Bộ Tài chính (báo cáo tổng kết 2009)
Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2009 khoảng 44,7%, vẫn trong phạm vi giới hạn nợ được Chính phủ phê duyệt. Cơ cấu nợ công đã hợp lý hơn, khá ổn định và tương đối bền vững. Tính đến cuối năm 2009, nợ chính phủ chiếm 79,3%; nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,6% và nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 3,1%. Trong nợ chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 60%, trong đó 85% là ODA; nợ trong nước chiếm 40%. Xét về thời hạn, nợ trung và dài hạn chiếm 97%, nợ ngắn hạn (tín phiếu kho bạc) chiếm 3% trong tổng số dư nợ chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh
Cơ cấu nợ hiện nay của chúng ta là nợ nước ngoài trung hạn và dài hạn là chủ yếu, chiếm 86,5%. Vay Ngân hàng Thế giới có thời hạn 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn với lãi suất 0,75%/năm, vay ADB là 30 năm trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm v.v… Các dự án vay ODA này chủ yếu dành cho các trục đường quan trọng và các công trình có tầm cỡ quốc gia như đường cao tốc Long Thành - Giầu Dây, cải tạo Quốc lộ 1, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, cảng Cái Nước, Thị Vải, các công trình điện và thủy điện, thủy lợi v.v… Chủ yếu vốn dành cho các công trình đó nên đã phát huy tác dụng tốt. Chính vì thế nên cơ cấu nợ của chúng ta cũng khá bền vững và được các nước đánh giá nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ nần. Vay ngắn hạn lãi suất thương mại khoảng 13,5%, trong đó nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp, cho các dự án đầu tư có hoàn vốn trên 11% tổng số dư nợ. Điều quan trọng là chúng ta hiện nay đã trả đầy đủ các khoản nợ, không có khoản nợ xấu, không có khoản nào đến hạn mà không trả được. Nếu dư nợ thấp mà không trả được cũng là nguy cơ rất lớn, dư nợ ở mức độ vừa phải, vẫn đảm bảo phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, theo chúng tôi là tích cực. Nói nôm na giống như trong gia đình có tiền để làm nhà thì không nói, nhưng thiếu cũng phải đi vay về, rồi làm ăn trả nợ.
Ông Dương Đức Ưng - chuyên gia cao cấp ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nợ công của Chính phủ đã lên tới gần 45% GDP là chưa cao vì vẫn dưới trần cho phép. Tỷ lệ này ít nhất là bằng GDP mới đáng lo ngại, theo tập quán quốc tế. Chúng ta tiếp tục phải vay để phát triển vì nguồn lực của chúng ta hạn chế. Nhiều nước giàu có vẫn phải vay, chẳng hạn Mỹ là con nợ lớn của Trung Quốc và Nhật Bản. Vay nợ là điều đương nhiên. Nhưng điều quan trọng là chúng ta luôn luôn phải cảnh báo và nghe cảnh báo về con số đó để làm sao có kế hoạch vay và trả nợ an toàn. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an toàn là phải có hiệu quả đầu tư. Nếu chúng ta sử dụng vốn vay không hiệu quả thì gánh nặng nợ nần là cực lớn. Năm 2009 chúng ta giải ngân được 4 tỷ USD, là rất lớn so với khoảng 2 tỷ USD các năm trước. Năm nay có đặc thù là có khoảng 1,8 tỷ là các khoản giải ngân nhanh hỗ trợ ngân sách của Nhật Bản, ADB, nhằm chống suy giảm kinh tế được rót ngay vào ngân sách. Nhà tài trợ thì đã giải ngân xong, nhưng về phía chúng ta có tiêu được hay không trên thực tế thì còn là câu chuyện.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Martin Rama
Về tổng thể, cần tính toán hệ số an toàn nợ quốc gia. Quốc hội không muốn hệ số nợ an toàn chiếm tới 50% GDP và đó là con đường họ đã chọn để đi. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nợ quốc gia của Việt Nam sẽ bền vững ở mức ngoài 50% GDP một chút, và chỉ 1 - 2 năm nữa (là tới con số này). Tuy vậy điều này cần được chứng minh thêm. Hiện tại, tình trạng nợ quốc gia của Việt Nam đang rất tốt. Rất nhiều các khoản nợ là dài hạn của những tổ chức tài chính như WB, ADB, … vì thế giá trị trả nợ trước mắt là không cao.
(Theo Tư Giang // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com