Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nói và Làm: Phố ngoại tệ đóng, cửa ngân hàng chưa mở

Cả tuần qua, người dân và DN quay cuồng tìm mua ngoại tệ vì thị trường tự do bất ngờ đóng cửa. Trong lúc chính sách còn chưa ra đồng bộ và các ngân hàng vẫn còn "dè dặt" bán mà "khóa" ngay một thị trường đã âm thầm tồn tại bấy lâu thì rõ ràng sẽ nảy sinh những vấn đề cần xử lý.

"Méo mó có hơn không" có lẽ là câu nói phù hợp nhất với tình cảnh của nhiều người dân và doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ lúc này. Trước kia dù có than vãn về chênh lệch tỷ giá thì ít nhất cũng còn có cửa để mà cắn răng mua USD giá cao. Bất ngờ từ đầu tuần qua, các phố ngoại tệ ở Hà Nội, và gần đây đã lan sang nhiều tỉnh, thành khác, đóng cửa im lìm khiến người dân quay như chong chóng đi tìm mua USD.

Dù các điểm thu đổi ngoại tệ đều từ chối trả lời về lý do ngừng giao dịch nhưng người dân vẫn ngầm hiểu rằng chiến dịch "bàn tay sắt" của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm dẹp bỏ thị trường USD chợ đen đã bắt đầu.

Ngày 12/3, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phát ngôn rằng theo quy định, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua. Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân.

Quan chức ngành ngân hàng khẳng định như đinh đóng cột như vậy, nhưng trên thực tế thì người dân và DN đang lâm vào "bước đường cùng" khi có đủ giấy tờ chứng minh nhu cầu hợp pháp, chính đáng mà vẫn bị ngân hàng từ chối bán ngoại tệ.

Có những người mang hộ chiếu, vé máy bay, thư cử đi công tác nước ngoài của cơ quan chạy long sòng sọc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác đều chỉ nhận được cùng một câu trả lời: Ngân hàng chưa có USD để bán.

Báo Dân Việt dẫn lời chị Lan Anh, kế toán viên của một DN truyền thông đang cần 18.000 USD để chuyển cho đối tác Hongkong. Từ đầu tháng 2/2011, chị đã mang hồ sơ tới "xếp hàng" ở Vietcombank nhưng hơn 1 tháng trôi qua, câu trả lời vẫn là "chưa có" bởi DN của chị không thuộc dạng "ưu tiên".

DN có nguy cơ bị phạt hợp đồng vì đối tác không chấp nhận lý do DN không mua được ngoại tệ. Chị Lan Anh liên hệ với một ngân hàng khác thì được chấp nhận nhưng tỷ giá thì "không phải giá thị trường tự do, cũng không phải tỷ giá liên ngân hàng". Và phần chênh giữa giá bán và tỷ giá liên ngân hàng thì DN phải "tự cân đối" dù không có hoá đơn chứng từ.

Không phải tỷ giá liên ngân hàng, không có hóa đơn chứng từ, giao dịch này có khác gì "chợ đen"? Vậy người dân và DN thực chất chỉ chạy từ chợ đen này sang chợ đen khác?
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy thì ngân hàng có thể còn "dè dặt" khi thực hiện bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân bởi "việc thực hiện giao dịch ngoại tệ tiền mặt cũng làm phát sinh nhiều chi phí cho các ngân hàng, như chi phí xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn..."

Người dân và DN đang bị dồn vào "bước đường cùng" bởi ngân hàng không có, thị trường tự do thì đóng cửa thì ông Huy cũng đưa ra "cao kiến" là sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi đi công tác, chữa bệnh ở nước ngoài. Nhưng ngay cả ở những nước hạn chế lưu thông tiền mặt trên thị trường thì thẻ thanh toán cũng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Cầm thẻ Visa đi trả tiền đồ nướng vỉa hè ở Hàn Quốc, có lẽ sẽ bị nhìn như người ngoài hành tinh!

Ông Huy cũng cho biết NHNN đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân mua ngoại tệ tiền mặt tại ngân hàng.

Nhưng TGĐ Ngân hàng Vietcombank Nguyễn Phước Thanh phát biểu trên báo chí rằng dù giá USD trên thị trường tự do vài ngày qua đã giảm về gần mức giá của các ngân hàng thương mại nhưng khả năng cải thiện nguồn vốn ngoại tệ của ngân hàng chưa thực sự khơi thông.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong lúc chính sách còn chưa ra đồng bộ mà "khóa" ngay một thị trường đã âm thầm tồn tại bấy lâu thì rõ ràng sẽ nảy sinh những vấn đề cần xử lý.

Còn nhớ năm 2009, đã từng có một chiến dịch tương tự nhằm dẹp thị trường ngoại tệ tự do nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là mọi việc lại trở về như cũ, thậm chí phố ngoại tệ ngày càng nhộn nhịp hơn. Cũng bởi vì nhu cầu của người dân và DN là có thực nên bằng mọi giá họ phải tìm được phương thức mua bán phù hợp.

Cánh cửa này đóng lại nhưng người dân phải chờ đến bao giờ thì cánh cửa khác mới mở ra, để họ có thể đường đường chính chính mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu chính đáng của mình?

(vef)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • “Giá hợp lý” ngoại tệ là bao nhiêu?
  • Thắt chặt chi tiêu công : Bài học từ EU
  • Lãi suất tăng cao, số dư tiền gửi bằng đồng Việt Nam vẫn giảm
  • Bão giá lương thực thật ra là khủng hoảng USD?
  • Lãi suất USD tăng, lợi ích nền kinh tế giảm
  • Doanh nghiệp chật vật với phụ phí hàng hải
  • Ngân sách bội thu ngoài dự liệu
  • Dự án bất động sản: Gói ghém để qua cơn khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!