Không chỉ kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá bán, mua, dân buôn vàng còn kiếm lời từ những chiêu trò gian dối tuổi vàng.
Cuộc chơi của những ông lớn
Cả nước hiện có hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng lớn nhỏ, nhưng nhìn vào giá trị giao dịch hằng ngày, thì thương hiệu vàng miếng SJC gần như chi phối thị trường, chiếm khoảng 90% giao dịch vàng miếng.
Ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng kinh doanh Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết: "Những lúc cao điểm, một ngày vàng miếng SJC giao dịch khoảng trên 20.000 lượng, còn trung bình từ 5.000-7.000 lượng vàng/ngày".
Lợi nhuận dễ nhìn thấy nhất của những ông chủ kinh doanh vàng là ăn chênh lệch giá giữa mua vào và bán ra. Như thương hiệu vàng SJC, mức chênh lệch thông thường từ 170.000 đồng - 250.000 đồng/lượng, thậm chí có thời điểm vàng lên cơn điên như cuối năm 2010, SJC đẩy khoảng cách giá mua vào bán ra chênh nhau tới 500.000 đồng/lượng.
Theo ông Tường, mức giá chênh lệch giữa mua vào, bán ra là do thị trường. Nói là vậy, nhưng thực tế, việc quyết định khoảng cách chênh lệch giá đều do doanh nghiệp tự quyết, khi nào doanh nghiệp cảm nhận rủi ro cao (khi giá vàng thế giới bấp bênh), thì giãn cách giá lớn, đẩy rủi ro cho khách hàng.
Nếu nhẩm tính trung bình một ngày, Cty SJC bán ra thị trường 5.000 lượng vàng, và mua vào với một lượng tương đương, thì riêng tiền chênh từ mua vào, bán ra cũng ngót nghét tỷ bạc.
Theo lãnh đạo một DN kinh doanh vàng có tiếng trên thị trường, về nguyên tắc bao giờ DN cũng mua vào ít hơn bán ra để doanh nghiệp không bị âm khi thị trường đang giữ mức giá ổn định. Còn khi vàng hạ, DN sẵn sàng mua vào đến 90% mà không bao giờ sợ lỗ.
Tại chuỗi cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, trung bình một ngày 2 đơn vị này bán ra 2.000 lượng, nếu tiền chênh 150.000 đồng/lượng thì DN thu về tiền chênh cũng vài trăm triệu đồng. Còn với những tiệm vàng nhỏ lẻ, việc niêm yết giá phải nhìn vào doanh nghiệp lớn.
Việc bán ra có thể sát mức giá các doanh nghiệp lớn niêm yết còn mua vào là do cửa hàng tự điều chỉnh. "Một cây vàng chúng tôi lãi 300.000 đồng, cộng thêm 150.000 đồng tiền chế tác. Thường chúng tôi tự chế tác lấy chứ không thuê thợ về", chủ một tiệm vàng trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự.
Bởi thế, cuộc chơi trên thị trường vàng, lâu nay do các DN kinh doanh vàng, có tên tuổi chi phối, như SJC, AAA, PNJ, Rồng vàng Thăng Long...
Lâu nay, ngoài việc bị DN áp đặt khoảng cách giá chênh lệch giữa mua vào-bán ra lớn, người tiêu dùng Việt Nam còn luôn bị thiệt thòi, khi sống trong một thế giới phẳng, nhưng lại luôn chịu cảnh mua vàng đắt hơn thế giới một vài triệu đồng/lượng.
Hồi cuối năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định cho một nhóm ngân hàng cùng SJC bán vàng bình ổn, nhằm kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống còn trên dưới 400 ngàn đồng/lượng. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa khi nào đạt được mục tiêu đó.
Hiện giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới gần 2 triệu đồng/lượng. Nhìn vào con số này với số lượng vàng bán ra hàng nghìn lượng mỗi ngày, thì riêng khoản tiền chênh với thế giới các DN trong nước cũng lãi hàng tỷ đồng.
Có những thời điểm giá khi vàng thế giới giảm mạnh nhưng vàng trong nước giảm nhỏ giọt, nhiều doanh nghiệp ngừng bán vàng chờ giá vàng thế giới lên rồi đồng loạt tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Tường, doanh thu thì có thể lớn nhưng lợi nhuận khó tính toán chuẩn xác bởi có thời điểm giao dịch lớn nhưng lượng khách đến bán chiếm đến 90% tổng giao dịch, nên doanh nghiệp mua vào cũng gánh những rủi ro nhất định.
Khai gian tuổi vàng
Có một thực tế ở Việt Nam, người dân mua vàng, muốn được giá phải bán lại cho chính hiệu vàng mình đã mua, hễ bán cho nơi khác là bị hạ giá. Từ đây có thể hiểu, chính các ông chủ kinh doanh vàng cũng không tin vào chất lượng vàng của nhau.
Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Cty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu chia sẻ: "Tôn chỉ của Bảo Tín Minh Châu là chỉ mua vàng từ cửa hàng bán ra chứ không mua vàng không có xuất xứ từ Bảo Tín Minh Châu. Bởi vàng trôi nổi trên thị trường không có thương hiệu thường độ tuổi vàng không cao, vàng pha bởi nhiều chất khác để ăn gian tuổi vàng".
Theo ông Châu, vàng pha trộn phổ biến nhất là trong các sản phẩm vàng nữ trang. Chẳng hạn như, sản phẩm đóng dấu 18k nhưng thật ra tuổi vàng chỉ đạt 68%, 65% hoặc có khi chỉ có 51%; còn vàng trắng, thường tương đương 14k, nhưng được đóng dấu 18k, tuổi vàng chỉ đạt 50%, có khi 30% hoặc vàng nữ trang kém chất lượng do có độn lót bên trong...
Theo các chủ tiệm vàng nhỏ lẻ ở Hà Nội, hầu hết tự nhập vàng từ các nguồn trôi nổi rồi chế tác thành các sản phẩm vàng của cửa hàng mình. Vì vậy khi mua vàng có xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau họ thường mua với giá thấp hơn nhiều so với giá niêm yết mua vào, rồi chế tác lại.
Quy trình chế tác vàng thành phẩm phải trải qua 6 giai đoạn. Ban đầu, từ vàng nguyên liệu, người thợ pha chế thêm từ vàng 24k (vàng 10 tuổi) thành vàng 18k hoặc vàng 14k. Độ chênh lệch tuổi vàng chỉ dao động trong khoảng sai số từ 1 đến 2% nhưng các tiệm vàng thường ăn bớt trong công đoạn này.
Ngay như ở Hà Nội, có hàng trăm tiệm vàng nhỏ lẻ tự sản xuất vàng mà chưa có một cơ quan chức năng nào kiểm định, đánh giá đúng chất lượng và tuổi vàng. Nên các chủ tiệm vàng vẫn vô tư hốt bạc từ khách hàng.
(Theo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com