Không nên quá lo về lạm phát
Năm 2011, lạm phát của Việt Nam vượt mức 18%, cao thứ hai thế giới. Mức lạm phát cao đã làm lu mờ các tín hiệu trong tương lai của nền kinh tế, cũng như khiến nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ ý định mở rộng sản xuất.
Trong nỗ lực chung đó, mục tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP tiếp tục giảm từ khoảng 34,6% xuống còn 33,5%; mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ 33,3% xuống còn 13%, nếu tiêu thụ trong nước tiếp tục “co lại” với tốc độ thấp hơn, thì không chỉ khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà đời sống cũng khó được cải thiện.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 9 tháng năm 2011 đã có gần 50.000 DN trong nước phải đóng cửa, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Song, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội DN nhỏ và vừa, số DN rơi vào tình cảnh khó khăn trên lớn hơn nhiều.
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 11 tháng của năm 2011, cả nước có trên 318.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2010. Thất nghiệp tăng, việc làm không ổn định cộng với lạm phát, giá cả hàng hóa tăng khiến sức mua của người dân giảm mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế xã hội đất nước năm qua và vẫn còn đe dọa sang năm 2012.
Nhiều chuyên gia, giới truyền thông cũng phân tích và cho rằng cản lớn nhất cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội là lạm phát. Lạm phát khiến cả Chính phủ lo lắng và DN, người dân dè chừng trong nhiều hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, tuy đây là một vấn đề cần phải tính đến nhưng không nên quá lo lắng. Ông Tuyển cho biết, hiện tại do tác động của nền kinh tế dẫn đến hiện tượng giảm cầu, do đó nhu cầu trong nước cũng bị thu hẹp lại. Vì vậy lạm phát trong năm 2012 sẽ khó có chuyện nhảy vọt như trong năm 2011.
Một vấn đề nhiều người đang lo ngại hiện nay là những căng thẳng ở Iran có thể đẩy giá dầu tăng lên, gây lạm phát chi phí trong nước và tạo ra hiệu ứng "lan tỏa sóng". Nhưng ông Tuyển cũng cho rằng, Chính phủ không nên quá lo lắng về việc lạm phát sẽ tăng cao kể cả khi phải thả nổi thị trường.
Ông Tuyển dẫn ra ví dụ: "Chúng ta hãy nhìn thử Campuchia. Giá xăng họ để thả nổi theo giá thị trường, nhiều lúc cao hơn giá xăng của Việt Nam rất nhiều, thậm chí xảy ra tình trạng buôn lậu xăng nhưng mức độ lạm phát của họ vẫn thua xa chúng ta. Lào cũng vậy."
Do đó, theo ông Tuyển, "mục tiêu trong năm 2012 không phải là tập trung giảm lạm phát xuống thật thấp, mà chỉ cần khống chế lạm phát ở mức một con số để giữ niềm tin cho người dân là đủ. Hiện tại chỉ cần kiềm chế lạm phát ở mức ổn định, tạo tiền đề đề đưa lạm phát xuống mức 6-7% vào các năm sau".
Về vấn đề tỉ giá, ông Tuyển tỏ ra không đồng tình với biện pháp hiện nay của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước khống chế tỉ giá ở mức 3% là không có cơ sở, duy ý chí và không phản ánh đúng thực tế của thị trường. Vì vậy, nó cũng không kích thích xuất khẩu.
"Cần phải nới lỏng biên độ tỉ giá để thị trường có thể tự điều chỉnh, đến lúc đó ta mới có thể đo được tỉ giá thực một cách khách quan", ông Tuyển nhận định.
Thanh khoản là nỗi lo số 1
Hiện tại, vấn đề thanh khoản của các Ngân hàng Thương mại ở Việt Nam khá trầm trọng. Các Ngân hàng thương mại vẫn nằm trong tình trạng "hoảng sợ" không dám cho vay. Nợ xấu trong hệ thống, gốc rễ là ở vấn đề thanh khoản. Điều này không dễ dàng giải quyết nhanh chóng, nhất là vào thời điểm các thị trường tài sản chưa tan băng như hiện nay.
Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Tuyển: "Ngân hàng Nhà nước phải bỏ tiền ra để mua lại những ngân hàng yếu kém. Việc mua lại này không làm ảnh hưởng tới tín dụng mà chủ yếu là ngăn chặn nợ xấu lan sang các ngân hàng lành mạnh khác. Sau giải quyết được vấn đề thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện bỏ lãi suất trần huy động để thị trường tự mình xác lập tính cân bằng cho nó".
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com