Đến nay, các tỉnh, thành gần như xem chỉ số PCI là một công cụ thúc đẩy cải cách trong điều hành kinh tế. PCI không phải là con số cứng, đó chỉ là điểm khởi đầu cho các địa phương cải cách, hoàn thiện mình.
Hằng năm, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều tiến hành khảo sát và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ý nghĩa, mục đích của chỉ số này không chỉ dừng lại ở bảng xếp hạng như đã công bố mà vấn đề quan trọng hơn là ai sử dụng chỉ số này và sử dụng như thế nào? Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhận định: “Có thể coi chỉ số PCI là giấy chứng nhận công tác điều hành kinh tế của chính quyền địa phương”.
Thúc đẩy cải cách
Ông Trần Hữu Huỳnh, Tổng Thư ký VCCI, cho biết ban đầu các tỉnh, thành tỏ ra bàng quan, rồi nghi ngờ, phản đối chỉ số PCI. Nhưng đến nay, các tỉnh, thành gần như xem chỉ số PCI là một công cụ có giá trị thúc đẩy cải cách trong điều hành kinh tế.
Theo thống kê của VCCI, kết quả chỉ số PCI đã được lãnh đạo chính quyền địa phương trên 40 tỉnh, thành trực tiếp sử dụng để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong môi trường kinh doanh của tỉnh mình. Có ít nhất 20 tỉnh, thành ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị để đưa ra các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó có một số tỉnh như Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa, Gia Lai…
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “PCI giúp địa phương có được phương pháp để “vượt qua chính mình”, cung cấp năng lực nội sinh để địa phương cải cách, không chờ vào thúc ép cải cách từ trên xuống. Không có năng lực nội sinh này, mọi hỗ trợ, thúc ép trở thành vô nghĩa. Với PCI, địa phương khó giấu được khiếm khuyết trong điều hành kinh tế cấp tỉnh. Những gì địa phương tiến hành cải cách đều được doanh nghiệp ghi nhận qua chỉ số. Với vấn đề khó, địa phương lảng tránh thì cũng thể hiện rõ”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng PCI giúp khoanh vùng các khoảng trống để các địa phương tiếp tục cải cách. “Ví dụ, nhìn vào các thông số PCI, hạ tầng cơ sở và công nghệ thông tin, các tỉnh sẽ tự lý giải được tại sao một số nơi PCI không cao nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, sức hút mạnh với đầu tư trong và ngoài nước như Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, các tỉnh cũng thấy được thực tế, dù tỉnh mình có hạn chế về địa lý, về điều kiện tự nhiên để phát triển cơ sở hạ tầng thì vẫn còn khoảng trống rất lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh” - bà Phạm Chi Lan nói.
Ông Trần Hữu Huỳnh cũng gửi một thông điệp mang một ý nghĩa khác ngoài các thứ hạng trên bảng công bố: “PCI không phải là con số cứng, đó chỉ là điểm khởi đầu cho các địa phương cải cách, hoàn thiện mình. Để cải thiện môi trường cạnh tranh, trước hết các tỉnh, thành phải vượt lên chính mình, cải thiện những thách thức chỉ ra qua kết quả điều tra PCI chứ không phải mục đích vượt lên bao nhiêu bậc”.
Công cụ xúc tiến đầu tư
Ông Trần Hữu Huỳnh cho hay khi tiếp cận một số đoàn ngoại giao hay các nhà đầu tư nước ngoài, các tỉnh, thành thường sử dụng thông tin, kết quả PCI để quảng bá hình ảnh địa phương mình cho các hoạt động xúc tiến đầu tư. Ngược lại, các tỉnh có thứ hạng PCI thấp cũng bị các nhà đầu tư “chất vấn” khá nhiều về những thách thức đặt ra. Nhiều công ty tư vấn đầu tư, tổ chức xúc tiến đầu tư đã liên hệ VCCI để có được thông tin và dữ liệu điều tra chi tiết. Một số nhà tài trợ, tổ chức nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu CPI làm chỉ số tin cậy để thiết kế hoạt động và đánh giá hiệu quả chương trình hỗ trợ của mình.
“PCI là công cụ phản ánh mong muốn của doanh nghiệp, đồng thời là kênh đối thoại giúp doanh nghiệp bày tỏ quan điểm về các vấn đề trăn trở trong hoạt động kinh doanh. Việc nhận thức đầy đủ thông tin và thông điệp do chỉ số PCI cung cấp giúp chính quyền địa phương điều chỉnh công tác quản lý và các hệ thống pháp lý liên quan. Từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của địa phương và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp” - Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận xét.
Theo ông Nguyễn Văn TứPhó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội:Hà Nội sẽ có đánh giá lại các con số cụ thể
Bảng xếp hạng PCI năm 2010 cho thấy Hà Nội đã tụt hạng nhiều so với năm 2009. Lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc trực tiếp với VCCI và chuẩn bị các báo cáo đánh giá con số cụ thể. Trong đó, tiêu chí về tiếp cận đất đai được tập trung làm rõ sâu hơn.
Để đánh giá đúng thực chất vấn đề cần phải có cái nhìn tổng quan và chính xác về con số công bố. Con số này phản ánh một phần việc điều hành kinh tế để các địa phương tham khảo. Nếu nhìn tổng thể tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội so với 2009 thì năm 2010 tình hình phát triển khả quan hơn.
Ông HANK TOMLINSON,Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam:Nhà đầu tư nước ngoài dùng PCI để cân nhắc khi vào Việt Nam
Chỉ số PCI cung cấp thông tin quan trọng về chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, tính minh bạch, tham nhũng và các yếu tố quan trọng khác đối với nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Dòng vốn FDI chất lượng luôn chảy vào những điểm có môi trường đầu tư thuận lợi nhất.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com