Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 22-3, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn theo cơ chế thỏa thuận của nhóm ngân hàng quốc doanh khoảng từ 14 đến 15%/năm, còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) từ 15 đến 17%, cá biệt có một số trường hợp lãi suất vay vốn đến 18-25%.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào đồng loạt tăng như vừa qua (điện, xăng, tỷ giá, nhân công...) nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cho biết lợi nhuận thu được chưa đủ trả lãi vay. Mặc dù vậy các cơ sở sản xuất vẫn phải tìm mọi cách gõ cửa ngân hàng, thậm chí huy động ở cả thị trường cho vay nặng lãi để duy trì hoạt động. Ðã có hiện tượng một số cơ sở tạm ngưng sản xuất, gom tiền gửi ngân hàng hoặc thiếu vốn mà chẳng dám vay do lãi suất cho vay quá cao.
Ðại diện các hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tỏ ra bức xúc, sợ rằng sẽ tái diễn tình hình như năm 2008: DN "trùm máy" chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác và chẳng dám đi vay từ 22 đến 26%/năm. Lo lắng về lãi suất cho vay là chuyện tất nhiên, bởi 90% DN trong cả nước phải tự huy động và vay vốn các nguồn để sản xuất, kinh doanh, trong đó 70% là vay của ngân hàng.
Lãi suất vay vốn quá cao khiến DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoặc tạm ngưng hoạt động làm cho nguồn cung hàng hóa sản phẩm cho thị trường sụt giảm. Hơn nữa do việc quản lý giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu còn lỏng lẻo và yếu kém, tiểu thương thi nhau "té nước theo mưa", nâng giá hàng hóa, làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Mặt khác, lãi suất tăng cũng làm chi phí đầu vào của DN tăng, buộc DN tìm cách tăng giá bán ra và như vậy hàng hóa sẽ có nguy cơ kéo nhau lên giá, đẩy lạm phát tăng cao.
Ðể lãi suất cân bằng ở mức hợp lý, NHNN nên xem xét mở rộng đối tượng được áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất gồm cả huy động và cho vay. Ðồng thời, cần "minh bạch" về lãi suất thỏa thuận, bởi trên thực tế các DN muốn vay được vốn vẫn phải "thỏa thuận" với ngân hàng, không chỉ về lãi suất mà cả một số "điều kiện" khác, dẫn đến cả ngân hàng lẫn DN đều phát sinh tiêu cực. Theo các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nên chăng NHNN định mức vay để sản xuất, lãi suất 14%/năm còn vay cho mục đích thương mại kinh doanh lãi suất 18%/năm.
Mới đây các ngân hàng thương mại cũng thông qua Hiệp hội ngân hàng đã đề nghị NHNN bỏ trần lãi suất huy động, đồng thời đề xuất nâng trần lãi suất huy động từ 10,5 lên 12%/năm. Thực tế hiện nay lãi suất huy động đang áp dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 10,499%/năm, chưa tính các khoản thưởng, khuyến mãi. Hiện các ngân hàng đều phải áp dụng trần lãi suất huy động, vì vậy đa số khách hàng gửi tiền cho rằng, nếu không có trần, lãi suất sẽ còn tăng, nên chỉ gửi ngắn hạn để chờ lãi suất tăng.
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, nếu lạm phát 7-8% thì lãi suất huy động 9-10%, chênh lệch 2% (lãi suất thực dương) là phù hợp. Trên thực tế lãi suất huy động đã cao hơn con số này. Năm 2009 tăng trưởng kinh tế chỉ có 5% mà dư nợ tín dụng tăng 37% là bất hợp lý. Năm 2010, tăng trưởng tín dụng 25% là cao nếu tăng trưởng kinh tế chỉ từ 5 đến 7%. Chính vì vậy mức huy động cho vay trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và không nên tăng thêm.
(Theo BĂNG CHÂU // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com