Với việc thắt chặt quản lý USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNNVN) đang đặt nhiều kỳ vọng thời gian tới, lãi suất huy động bằng USD ở trong nước và ngoài nước sẽ có mối tương quan hợp lý so với thị trường bên ngoài, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế đang không khỏi lo lắng về hiệu ứng của sự “thắt chặt” này, bởi đằng sau nó sẽ là sự chao đảo của thị trường vàng, sự phập phồng của chứng khoán và sự bấp bênh của bất động sản. Sẽ có một số lượng không nhỏ nguồn vốn bằng USD chưa thể dự đoán được là sẽ chảy về kênh đầu tư nào.
Cũng không phải là sự vô căn cứ khi các nhà quản lý hi vọng rằng, tới đây tâm lý găm giữ USD trong dân sẽ thay đổi. Khi NHNN nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên, sẽ khiến chi phí vốn tăng lên, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay USD. Các quy định mới về cho vay sẽ khiến cho việc vay vốn bằng USD khó khăn hơn, điều đó sẽ khiến các DN phải tính toán kỹ hơn và xu hướng chung là sẽ hạn chế vay ngoại tệ vì chi phí đắt đỏ hơn. Cùng với đó, việc khống chế trần huy động lãi suất USD sẽ khiến cho lợi nhuận từ việc gửi tiết kiệm USD không còn hấp dẫn. Một trong những điều dễ thấy là người dân có thể sẽ bán USD lấy VND để gửi lấy lãi. Tuy nhiên, liệu điều đó có diễn ra như mong đợi hay không thì chưa thể khẳng định.
Thực tế cho thấy, không phải cho đến bây giờ lãi suất USD mới xuống thấp và lãi suất VND lên cao, mà tình huống này đã từng xảy ra. Nó không hẳn xuất phát từ những quy định hành chính nhưng cũng không khiến người dân từ bỏ nắm giữ USD. Họ vẫn có quyền giữ tài sản bằng USD và họ tin rằng đó là một phương án tốt vì tiện dụng và không bị mất giá. Nên dù đã có khi lãi suất thấp thì chưa mấy khi người ta nghĩ đến chuyện chuyển USD qua VND. Thậm chí, mỗi khi có biến động USD, dù giảm hay lên thì người dân còn tranh thủ mua thêm vào như một sự lựa chọn phổ biến. Vì thế, hy vọng người dân chuyển USD sang VND không thể chỉ trông chờ vào sự chênh lệch lãi suất mà điều quan trọng là làm sao để người dân có niềm tin hơn vào sự ổn định kinh tế và đồng nội tệ. Cụ thể hơn, đó chính là sự ổn định vĩ mô với mức lạm phát thấp, giá trị đồng nội tệ được ổn định và gia tăng.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, những điều chỉnh để quản lý USD sẽ dẫn tới 2 khả năng chắc chắn: một phần vốn ngoại tệ chuyển qua VND để hưởng lãi suất cao; một phần có thể sẽ tiếp tục gửi USD với tâm lý chắc ăn. Nhưng nguồn vốn còn lại (sẽ là không nhỏ), thì chưa biết người dân sẽ chọn kênh đầu tư vàng, chứng khoán hay bất động sản? Vàng thì đang trong giai đoạn chao đảo giá. Chứng khoán đang trong thời điểm sụt giảm. Trong khi đó, bất động sản (BĐS) lại có thể mong đợi những “niềm vui bất ngờ” vì giá vẫn tăng và đầu tư vẫn có lãi.
Trước khi có chủ trương “cân bằng” lãi suất USD trong và ngoài nước, NHNN cũng đã có động thái điều chỉnh tỷ giá. Vấn đề nằm ở chỗ, sự quản lý này vô hình chung sinh ra cái “nút thắt”, nó khiến cho thị trường chính thức không thể thu hút đủ USD để cung ứng cho người dân, vì tỷ giá chính thức bị kiềm chế thiếu linh hoạt so với tỷ giá tự do. Sau một thời gian tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, thị trường USD tự do tại Hà Nội và TP.TP.Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại. Xét ra, nguyên nhân của điều đã được “nhìn thấy trước” này có nhiều lẽ. Nhưng cơ bản là nằm ở chỗ nhu cầu mua USD vì những mục đích chính đáng của người dân và của doanh nghiệp vượt quá khả năng cung ứng của thị trường chính thức tại mức tỷ giá được công bố hiện tại. Chuyện như đùa, nhưng thật 100%. Nguyên là sau khi thị trường tự do ngừng hoạt động, các doanh nghiệp có nhu cầu USD phải mua USD thông qua việc nhờ ngân hàng giới thiệu đến người có ngoại tệ với tỷ giá cao hơn hẳn tỷ giá niêm yết. Những tình huống kể trên chỉ ra rằng sự tồn tại của những kênh thị trường phi chính thức (nếu không còn thị trường tự do thì cũng còn thị trường dạng “bắc cầu”) xuất phát từ thực tế là nguồn USD cung ứng từ thị trường chính thức tại mức tỷ giá niêm yết không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và của tất cả người dân trong xã hội. Khi có nhu cầu mua USD mà không thể mua ở ngân hàng thì tất yếu sẽ xuất hiện thị trường phi chính thức đáp ứng yêu cầu này.
Như vậy điều dễ nhận thấy là cho dù NHNN có nỗ lực dẹp bỏ thị trường USD tự do, nhưng nếu không đi kèm theo các chế tài xử lý tương ứng thì không có gì đảm bảo là nó sẽ không xuất hiện những hình thức biến tướng khác. Khi đó, nó sẽ chỉ làm cho giá USD “phi chính thức” càng bị đẩy cao hơn mức tỷ giá chính thức vì sự khan hiếm của nguồn cung ứng dịch vụ này. Ấy là chưa kể, việc niêm yết tỉ giá, lãi suất công khai của các ngân hàng hiện nay cũng giống như một cách làm đối phó, họ vẫn có muôn ngàn cách để “lách luật” . Về vấn đề này, nguyên Thống đốc NHNNVN Cao Sĩ Kiêm cũng đã nhận định: sự tồn tại của hai loại tỷ giá trong nền kinh tế, hai loại thị trường ngoại hối chính thức và phi chính thức là sản phẩm phụ của chính sách tỷ giá hiện tại. Để xoá bỏ triệt để mặt trái này, về gốc rễ, phải là điều chỉnh chính sách tỷ giá cho linh hoạt hơn.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com