Vì sao cán cân thanh khoản ngoại tệ liên tục nhiều năm của VN luôn dương, nhưng ngoại tệ vẫn khan hiếm. Trả lời câu hỏi này, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN cho rằng, cán cân thanh toán hàng năm cũng có sai số và lượng ngoại tệ thừa ra này có thể chảy ra nước ngoài hoặc bị buôn lậu.
Từ năm 2009 đến nay, cán cân thanh toán của VN luôn dương, nhưng theo ông vì sao VN vẫn thiếu ngoại tệ?
Cán cân thanh toán gồm 3 lĩnh vực: xuất nhập khẩu, kiều hối và đầu tư. Ba cái đó sẽ quyết định nguồn ngoại tệ vào hay ra khỏi VN.
Xuất nhập khẩu thì nước ta chủ yếu là nhập siêu, năm nào cũng khoảng trên dưới 20%, riêng năm 2010 nhập siêu thấp nhất là 16,8%. Vì thế ngoại tệ thu được trong hoạt động xuất nhập khẩu là luôn âm. Hầu hết các năm đều âm khoảng 20 tỷ USD, năm 2010 là 12 tỷ USD.
Còn lượng kiều hồi, chủ yếu ngoại tệ được gửi về, nên cái này luôn dương, thường là dưới 10 tỷ USD. Năm 2010 là 8 tỷ USD. Cái này chi "vào" mà không "ra".
Thứ ba là đầu tư nước ngoài vào VN bao gồm cả nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), mỗi năm cũng được vài chục tỷ USD.
Như vậy, nếu tính riêng lượng ngoại tệ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ âm, nhưng tính chung 3 cái thì cán cân thanh toán theo thống kê lại luôn dương, tức là ngoại tệ chảy vào VN lớn hơn lượng chảy ra.
Tuy nhiên, điểm yếu ở chỗ, mấy năm nay đều công bố cán cân thanh toán có sai số, có năm sai 6 tỷ USD, có năm sai 10 tỷ, số lượng tiền này không biết đi đâu.
Theo một số nguồn tin thì, sai số này có thể chảy ra nước ngoài hoặc thông qua hình thức buôn lậu. Chính phủ đang xác định rõ ràng sai số này.
Còn câu chuyện khan hiếm ngoại tệ, theo ông vì sao?
Thứ nhất phải thừa nhận quản lý ngoại hối của chúng ta đang khá lỏng lẻo, như việc chấp nhận thanh toán bằng tiền đô la trên thị trường VN. Do đó, USD được lưu hành và nằm ở mọi chỗ, có thể trong tài khoản ở nước ngoài, nằm tại các ngân hàng trong nước và trong dân. Cơ quan quản lý không nắm được con số cụ thể và vì thế cũng không quản lý được.
Vì vậy, trên cân đối là như thế, nhưng số lượng mà các NHTM nắm được để đáp ứng nhu cầu thì lại thiếu. Cho nên có những năm thâm hụt cán thanh toán lên 2 tỷ USD, thậm chí 4 tỷ USD. Nhưng cộng chung lại thì không thâm hụt.
Theo tôi được biết thì số lượng USD nằm trong dân hiện khoảng 15 – 17 tỷ USD, nhưng cũng chỉ là dự đoán. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì con số này là 570 triệu USD.
Thứ hai, nguồn ngoại tệ sau khi vào VN lại được chuyển dịch trên tài khoản ra nước ngoài.
Để khắc phục những “lỗi” trên, chúng ta cần những giải pháp gì?
Cách triệt để nhất là không chấp nhận thanh toán bằng tiền đô la trên thị trường VN. Như vậy, sẽ không xảy ra tình trạng găm giữ đầu cơ USD.
Thứ hai, thu hẹp thị trường ngoại tệ bằng cách cho mua bán, không chấp nhận cho vay - trả vì như vậy lượng đô la “tuồn ra tuồn vào” là rất khó kiểm soát. Mua đô la chỉ giải quyết cho những đối tượng cần thiết, có địa chỉ như chưa bệnh, học tập, du lịch.
Đồng thời, không cho thanh toán bằng ngoại tệ ở thị trường tự do hoặc ở những điểm không được cấp phép của ngân hàng. Trước mắt, khi chưa xóa được ngay thì hạn chế điểm giao dịch, chỉ những nơi được cấp giấy phép mới được mua ngoại tệ, nhưng khi bán thì phải bán cho NHNN chứ không bán cho khách hàng.
Đối với các doanh nghiệp không tái tạo đô la thì phải mua hết, bán hết. Còn doanh nghiệp có tái tạo đô la sẽ để cho 1 tỷ lệ từ 20 – 30%, tùy theo mức độ cần thiết.
Tăng dự trữ bằng ngoại tệ. Khống chế mức lãi suất huy động, cho huy động bằng ngoại tệ ở mức quy định, vượt quá là vi phạm. Hiện lãi suất đồng đô la ở VN cao hơn đồng nội tệ và cao hơn thế giới rất nhiều.
Đối với các doanh nghiệp cần đô là để nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất, có thể áp dụng hình thức bán theo kỳ hạn để tránh rủi ro về tỷ giá. Tức là có thể đặt mua từ tháng 3 với mức tỷ giá tại tháng 3, nhưng đến tháng 10 mới lấy USD.
(bee)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com