Một ngày sau khi quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của NHNN chính thức có hiệu lực, mặt bằng lãi suất huy động dòng vốn này đồng loạt được đưa về mốc 3%/năm và thậm chí nhiều NHTM còn kéo xuống mức thấp 1,3-1,5%/năm.
Đường ngang lãi suất USD
Biểu lãi suất huy động vốn USD của hàng chục ngân hàng thương mại (NHTM) vừa được công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động có sự điều chỉnh đáng kể với trần lãi suất huy động tối đa đồng loạt được giữ ở mức quy định, 3%/năm. Các NHTM có tiềm lực lớn về dòng vốn ngoại tệ như Vietcombank, AgriBank, MaritimeBank, EximBank hay ACB nhanh chóng tung biểu lãi suất ngay từ ngày 13.4 với một đặc điểm dễ nhận thấy là sự chênh lệch khá thấp giữa các kỳ hạn.
Cụ thể, mức chênh lãi suất giữa các kỳ hạn 1-36 tháng ở các ngân hàng trên chỉ ở mức 0-0,05%/năm và phổ biến ở mức 2,95-3%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Trong khi đó, ở các NHTM có quy mô nhỏ hơn, dù có tạo nên sự khác biệt về lãi suất giữa các kỳ hạn, mức chênh lệch lớn nhất về lãi suất giữa các kỳ hạn 1-36 tháng cũng chỉ ở mức 0,2-0,5% với trần lãi suất cao nhất đồng loạt là 3%/năm.
Tựu trung lại, với sự chênh lệch không đáng kể về lãi suất giữa các kỳ hạn và thậm chí các mức chênh chỉ mang tính “biểu tượng”, mặt bằng lãi suất huy động USD đang lặp lại đúng kịch bản từng diễn ra với dòng vốn VND.
Với một loạt các lần kêu gọi ấn định trần lãi suất huy động VND trước đây, 12%/năm rồi đến 14%/năm và nhiều lần trước nữa, mặt bằng lãi suất huy động VND từng chứng kiến một biểu đồ lãi suất thẳng ngang từ kỳ hạn thấp tới kỳ hạn dài.
Sự phân biệt về giá trị thời gian gửi tiền giữa kỳ hạn ngắn với kỳ hạn dài bị đánh đồng. Diễn biến này được nhiều chuyên gia nhận định là sự bất bình thường, thiếu hợp lý của đường cong lãi suất tiền gửi.
Siết chặt quản lý ngoại tệ
Sự bất bình thường ở đường cong lãi suất USD xuất hiện chỉ đúng một ngày sau khi thông tư số 09 của NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực. Mà trong đó, NHNN quy định các TCTD phải ấn định lãi suất huy động tối đa bằng USD của tổ chức là người cư trú, tổ chức là người không cư trú (trừ tổ chức tín dụng) là 1%/năm; đối với lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của cá nhân là người cư trú, cá nhân là người không cư trú là 3%/năm.
Dù rằng quy định trần lãi suất huy động tối đa 1%/năm đối với các tổ chức thực tế đã được áp dụng từ đầu năm 2010 và được xem như một biện pháp khuyến khích DN bán lại ngoại tệ cho NH thay vì chỉ nhận được lãi suất tiền gửi thấp.
Động thái trên đây của NHNN được hiểu như một trong gói giải pháp của cơ quan này nhằm tăng cường quản lý ngoại hối, đặc biệt đối với sản phẩm huy động và cho vay USD của các ngân hàng. Bởi cùng với việc khống chế trần lãi suất huy động USD, NHNN cũng tiến hành điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD.
Mức tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ là 2%, lên 6% so với mức cũ là 4%. Chưa dùng ở đây, trong thông báo ngày 13.4, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối.
Trong đó trong tháng 4.2011, NHNN ban hành thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước và các DN thành viên là DN nhà nước. Đồng thời ban hành quy định về trạng thái ngoại tệ của các TCDT được phép hoạt động ngoại hối thay thế quy định hiện hành theo hướng giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương và tổng trạng thái ngoại tệ âm của TCTD. Một quy định nữa cũng sẽ được ban hành là người cư trú chỉ được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan tối đa 5.000USD.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com