Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, NHNN sẽ tiếp tục quyết liệt trong việc xóa bỏ tình trạng đô-la hóa, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ông Giàu thừa nhận, để làm được việc này không phải dễ, như khi buộc các quầy thu đổi ngoại tệ niêm yết đúng theo giá trong ngân hàng, thì không ít trường hợp đã thu gọn về nhà để giao dịch, với giá cao hơn giá niêm yết, nhằm thu ngoại tệ kiếm chênh lệch...
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ có những biện pháp đồng bộ để bình ổn thị trường ngoại tệ.
Để tránh diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, đặc biệt là hoạt động thu đổi ngoại tệ trái phép, quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ.
Gần 2 tuần sau khi Chính phủ đưa ra chỉ đạo trên, tại một số trung tâm thương mại và khách sạn lớn trên địa bàn TP.HCM, tình trạng niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ đã chấm dứt hoặc giảm bớt.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc niêm yết giá bán bằng USD đã trở thành thói quen của nhiều chủ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, đặc biệt trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn lớn. Điển hình tại khu vực quận 1, TP.HCM - nơi tập trung nhiều khách du lịch và là đầu mối giao thương lớn của Việt Nam, thì việc niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ đã trở thành thói quen trong mua bán lâu nay.
Theo lý giải của các chủ cửa hàng tại khu phố Đề Thám (TP.HCM) - được mệnh danh là “phố Tây” trong khu vực Thành phố, nếu không niêm yết giá bán bằng ngoại tệ sẽ rất khó khăn trong việc mua bán.
Trả lời báo chí trước câu hỏi liệu có thay đổi được thói quen này, Thống đốc NHNN cho rằng, là người Việt Nam thì mọi giao dịch trên thị trường đều phải niêm yết giá bán bằng VND; người dân không nên sử dụng các đồng tiền khác để thay thế trong mua bán hàng hóa ở thị trường nội địa. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ pháp luật. Điều 22, Pháp lệnh Ngoại hối không cho phép niêm yết giá bằng ngoại tệ trên thị trường Việt Nam.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, tình trạng niêm yết giá bán hàng hóa bằng USD hiện đã có giảm so với trước. Tuy chưa giảm nhiều, nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ đô-la hóa hiện chỉ khoảng 20%, trong khi tại Campuchia, tỷ lệ này lên đến 90%.
Không chỉ NHNN chi nhánh ở các thành phố, mà một số lực lượng chức năng khác cũng đã vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận, do lực lượng của NHNN quá mỏng so với thị trường rộng lớn, nên để sớm xóa bỏ được thực trạng trên, đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ từ doanh nghiệp, cần có ý thức chấp hành nghiêm các quy định, chứ không phải đợi đến lúc phát hiện và bị xử lý mới bắt đầu thực thi.
Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế, nếu chỉ dựa vào giải pháp xử lý về mặt quy định hành chính thì hiệu quả sẽ không cao, mà quan trọng hơn là cần điều hành kinh tế vĩ mô làm sao để VND mạnh lên, nhằm thay đổi tâm lý tiêu dùng. NHNN cho biết, sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, dựa trên tín hiệu của thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng không có chủ trương phá giá đồng nội tệ.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com