Sau hai ngày thực thi quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc các ngân hàng (NH) chỉ được áp dụng lãi suất huy động USD đối với cá nhân không vượt quá 3%/năm, đối với doanh nghiệp là không quá 1%/năm (bắt đầu từ ngày 13-4), theo phản ảnh của nhiều ngân hàng, người dân đang rục rịch chuyển sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mới đang giúp cho tình trạng găm giữ USD trong dân dần xoá bỏ, tình trạng đô la hoá nền kinh tế sẽ giảm.
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất USD
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hai ngày sau khi chính sách mới về mức trần huy động lãi suất USD được ban hành, hầu hết các ngân hàng thương mại đã thực hiện nghiêm túc việc giảm lãi suất huy động từ mức 5,5% - 6% trước kia xuống còn 3%. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) mức lãi suất huy động USD 3%/năm được áp chung cho các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ở biểu thông thường phổ biến là 2,9%/năm; nhưng mức 3%/năm có ở tất cả các kỳ hạn của sản phẩm “Tiết kiệm chọn kỳ lãnh lãi” - kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) cũng đã giảm đồng loạt xuống còn 3% cho các kỳ hạn từ 1-24 tháng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) lãi suất huy động USD với kỳ hạn từ 1-6 tháng là 3%/năm; kỳ hạn từ 7-9 tháng là 2,8/năm; kỳ hạn từ 10-11 tháng là 2,75%/năm.
Đại diện ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho biết, việc áp dụng lãi suất trần huy động hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là một chính sách hợp lý khi ở thời điểm hiện nay, mức lãi suất huy động đồng USD đang ở mức quá cao. “Chúng ta đang bị trôi theo mặt bằng lãi suất 5-6% trong khi mặt bằng ở thế giới chỉ dưới 2%. Do đó nó khiến thị trường tiền tệ có nhiều biến động. Bản thân các ngân hàng cũng không có nhu cầu quá lớn về ngoại tệ để phải nâng mức lãi suất cao đến như vậy”.
Sẽ giảm tình trạng đôla hóa
Việc lãi suất USD giảm xuống cao nhất chỉ còn 3%/năm, trong khi lãi suất huy động VND vẫn giữ ở mức 14%/ năm, thậm chí qua thỏa thuận mức lãi suất lên tới 17% đã khiến người dân bắt đầu tính toán đến việc sẽ chuyển từ tiết kiệm USD sang gửi tiết kiệm tiền đồng. Chị Vũ Thu Hương, 62 Mã Mây cho biết, hàng tháng vẫn nhận lương bằng VND. Nếu như gửi trong ngắn hạn, rõ ràng, tiết kiệm bằng VND sẽ sinh lợi cao hơn.
Bà Nguyễn Phương Thu, ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết, bà có 5.000 USD đang gửi tại ngân hàng với mức lãi suất 6%/năm, nhưng bà đang có ý định chuyển hình thức gửi tiết kiệm USD sang gửi VND. Nếu gửi tiết kiệm bằng Việt Nam đồng, mỗi năm tôi sẽ có lãi khoảng 15 triệu đồng nhưng nếu gửi bằng USD, mỗi năm tôi chỉ có lãi khoảng 300 USD.
Như vậy, có thể thấy, người dân đang có xu hướng bán USD để chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một chủ trương có lợi cho các thành phần kinh tế bởi lẽ, với việc lãi suất huy động USD giảm hẳn gần ½ so với trước đó sẽ khiến cho người dân không còn mặn mà găm giữ USD để gửi ngân hàng mà thay vào đó, sẽ chuyển sang gửi tiền đồng Việt Nam. Xu hướng đó sẽ làm nguồn cung tiền đồng tăng lên, khi đó thanh khoản Việt Nam đồng sẽ được cải thiện; sẽ kéo được lãi suất xuống – một chuyên gia của Uỷ ban giám sát tài chính (Ngân hàng Nhà nước) nhận định.
Cùng với việc hạ mức trần lãi suất xuống thấp hơn hẳn ½ so với trước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng thêm 2% và hạn chế đối tượng được vay vốn ngân hàng bằng USD. Các chuyên gia cho rằng, với các biện pháp đồng bộ kể trên cộng với tỷ giá Việt Nam đồng và USD được giữ ổn định như hiện nay thì chắc chắn tình trạng đô la hoá nền kinh tế sẽ giảm mạnh. Và cuộc đua lãi suất huy động đồng USD tại các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt.
( Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com