Thời gian qua, để cạnh tranh huy động vốn, nhiều ngân hàng cố tình lách quy định trần lãi suất huy động vốn tối đa 14%/năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đẩy lãi suất huy động thực tế lên tới 15 - 17%/năm. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn, phải chăng mức trần lãi suất 14%/năm đã không còn phù hợp và NHNN nên bỏ mức trần lãi suất huy động, trả lãi suất về cho thị trường.
Thực ra, một giai đoạn dài trước đây, NHNN đã áp dụng cơ chế trần lãi suất với việc quy định khung lãi suất tối thiểu về tiền gửi và lãi suất tối đa về tiền vay. Tuy nhiên, tới tháng 6/2002, lãi suất được tự do hóa hoàn toàn với việc các ngân hàng được phép xác định lãi suất cho vay trên cơ sở tự thẩm định và thương lượng với khách hàng.
Ông Lê Đức Thúy - Thống đốc NHNN khi đó cho rằng, ưu điểm lớn nhất của tự do hóa lãi suất là tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng mạng lưới để huy động, cho vay vốn với mức lãi suất phù hợp; đáp ứng đầy đủ và nhanh hơn vốn cho người cần vay... Một tác động khác của cơ chế này là: tạo thuận lợi cho việc cải cách hệ thống ngân hàng theo định hướng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng hội nhập với thị trường tài chính tiền tệ quốc tế.
Tuy nhiên, ngày 16/5/2008, trước những bất ổn của thị trường tiền tệ, để ngăn chặn cuộc đua lãi suất, NHNN đã ban hành Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN yêu cầu các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh bằng VND không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản. Đến đầu năm 2010, NHNN lại gỡ bỏ trần lãi suất cho vay khi cho phép các TCTD được cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận, song không đả động gì đến trần lãi suất huy động. Và đến thời điểm hiện tại, NHNN lại quay trở về việc quy định trần lãi suất huy động không chỉ VND mà còn cả với USD.
Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng trong và ngoài nước nhận xét, việc khống chế trần lãi suất và các biện pháp điều chỉnh trần lãi suất không theo cơ chế thị trường khiến NHNN đến thời điểm hiện tại vẫn rất lúng túng trong việc điều chỉnh lãi suất nên như thế nào?
Theo TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, trong thời điểm nước sôi lửa bỏng, thị trường có quá nhiều biến động mà NHNN thì bắt buộc phải sử dụng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, không nên lặp lại quá nhiều và tần suất quá gần nhau. Bên cạnh đó, sự không nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ đưa đến 3 điểm: thứ nhất, tạo nên khó khăn trong dự báo, dự trù kinh phí kinh doanh của DN; thứ hai, niềm tin đối với chính sách tiền tệ sẽ mất dần; thứ ba, sự phối kết hợp giữa các ban ngành với nhau sẽ khó khăn hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, lạm dụng các biện pháp hành chính sẽ làm thị trường trở nên méo mó, gây trở ngại cho công việc giám sát cũng như tạo ra nhiều rủi ro đạo đức trong khu vực ngân hàng.
"Thực tế cho thấy, tự do hoá lãi suất đã được thực thi một thời gian dài. Khi đó, các NHTM có cơ hội cạnh tranh nhau để giảm lãi suất cho vay và kéo lãi suất huy động giảm xuống. Tự do hoá lãi suất là vấn đề cốt lõi của toàn bộ chính sách tiền tệ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến nền tảng tài chính của các NHTM mà ảnh hưởng đến ngay chính sách tiền tệ của NHNN", ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận xét, các biện pháp hành chính, phi thị trường khó đem lại kết quả như mong đợi, bởi các biện pháp lách luật ngày càng tinh vi hơn. Đồng thời, vừa qua kết quả chưa như mong đợi có thể do chính sách tiền tệ chưa được phối hợp với các chính sách vĩ mô khác như chính sách tài khoá, vấn đề nợ công, chi phí công…
"NHNN nên có sự nhất quán trong việc điều hành và thả nổi lãi suất theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, nếu quý II/2011, dòng vốn không được lưu thông, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thì nên cân nhắc thả nổi lãi suất trong quý III/2011", ông Hiếu nhấn mạnh.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com