Chúng ta đang trù tính việc tái cấu trúc nền kinh tế cho các giai đoạn tới. Để có thể làm tốt việc này, có lẽ chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình xây dựng mô hình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua.
Trước hết phải nói ngay rằng, trong thời gian qua tư duy và chính sách đã giữ vai trò quyết định, mang nặng yếu tố chủ quan của mong muốn và quyết tâm hơn là xuất phát từ thế mạnh, lợi thế so sánh của bản thân nền kinh tế. Trong khi đó, mọi chủ trương, chính sách, giải pháp của chúng ta lại định hướng theo mục tiêu chạy theo tăng trưởng gần như bằng mọi giá, bỏ qua các vấn đề quan trọng khác. Việc xây dựng mô hình phát triển và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm chạp, không như mong muốn của chúng ta đã cho chúng ta một số bài học cay đắng nhưng rất bổ ích. Bài học lớn nhất và phải nói đến trước hết là sự quyết tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nhưng chỉ đặt kỳ vọng lớn lao vào đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên, nông sản nguyên liệu, sản phẩm sơ chế, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng khoa học- công nghệ thấp, mang nặng tính gia công; còn thu hút đầu tư nước ngoài nhưng lại không cân nhắc kỹ hiệu quả và bảo vệ môi trường nên chưa thực sự đem lại cho chúng ta công nghệ mới, hiện đại và kinh nghiệm quản lý như một số nước trong khu vực có được.
Trong 63 nền kinh tế địa phương, trừ một số đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, địa phương nào cũng muốn có bước “đột phá”, nên đều có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, phải tăng bằng được tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP, giảm tỷ trọng nông nghiệp, trong khi nông nghiệp đang là thế mạnh, cái hiện hữu của địa phương, còn công nghiệp thì hầu như chưa có gì. Đây có thể là bài học kinh nghiệm lớn nhất về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của chúng ta trong thời gian qua.
Một bài học khác là, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành phải xuất phát từ tích lũy trong nội bộ ngành và chịu sự tác động mạnh của quy luật phân phối lợi nhuận hay bình quân hóa lợi nhuận của K.Mac. Tuy nhiên, quá trình này đã diễn ra hết sức chậm chạp.
Vấn đề cốt lõi đã chỉ ra rằng, nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng của các vấn đề kinh tế-xã hội. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng vậy. Cái phải có trước tiên là vốn đầu tư từ mọi nguồn: ngân sách, xã hội, trong và ngoài nước. Muốn có chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng, muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, đưa kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại vào nông nghiệp thì phải có vốn. Muốn có một nền công nghiệp phát triển, hiện đại, có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ cũng phải có vốn và các thứ khác. Tương tự, muốn chuyển dịch cơ cấu trong các ngành nghề khác cũng cần phải có vốn, dù nguồn nào.
Tuy nhiên thời gian qua, trong khi chúng ta theo đuổi tăng trưởng, đã tập trung quá mức mọi nguồn vốn có được cho mục tiêu tăng trưởng, còn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là cái chỉ để tham khảo, tổng kết sau. Như vậy, chạy theo tăng trưởng thì đi một đàng, còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế lại đi một nẻo, hình như không ăn nhập gì với nhau cả.
Nếu tính từ khi chính thức bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay chúng ta đã mất 23 năm nhưng thành quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa rõ nét, trong khi Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để trở thành một nước công nghiệp phát triển. Có thể nói, bài học kinh nghiệm cốt lõi của Hàn Quốc là tư duy và chính sách, chiến lược công nghiệp hóa. Do đó, để thành công trong việc tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới, việc cần thiết trước hết là “tái cấu trúc” tư duy và chính sách.
(Theo TS PHẠM MINH TRÍ // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com