Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Sốt” lãi suất đầu vào

Nhiều ngân hàng liên tục tăng lãi suất, hướng người rút tiền chuyển sang gửi kỳ hạn tuần hoặc một tháng, để cân đối lượng tiền ra vào

Sau 3 tuần áp dụng lãi suất cơ bản 8%/năm, lãi suất đầu vào của các ngân hàng (NH) liên tục nóng lên. Trong khi đó, các NH lại hạn chế cho vay, chứng tỏ các NH có trục trặc trong việc cân đối nguồn vốn vào thời điểm cuối năm 2009 và đầu năm 2010.

Khách hàng giao dịch tại Eximbank Ảnh: H.Thúy

Kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 11,2%/năm

Ngày 21-12, chị Lê Thị Diệp (phường 10, quận Gò Vấp - TPHCM) đến NH Đông Á (DongABank) gửi tiết kiệm. Nhân viên DongABank cho biết: Gửi tiết kiệm siêu lãi suất kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng là 10,49%/năm. Với số tiền gửi từ 50 triệu đồng đến 5 tỉ đồng, khách hàng được tặng lãi suất từ 0,3% - 1,02%/năm, ngoài ra, các sổ tiết kiệm có kỳ hạn 3 tháng trở lên nếu tái tục gửi được tặng thêm lãi suất từ 0,2% - 0,3%/năm.

Theo chị Diệp, nếu gửi 100 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng chị được tặng thêm 0,81% lãi suất, tính ra lãi suất thực tế là 11,2%/năm. Tại NH Việt Á, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn tiếp tục tăng lên 0,02% - 0,2%/năm, đặc biệt lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng đều được ấn định 10,49%/năm, lãi kỳ hạn 3 tuần lên tới 10,45%/năm cách biệt không đáng kể so với lãi suất kỳ hạn 36 tháng. Còn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 12 tháng và kỳ hạn tuần của NH Nhà Hà Nội tương tự NH Việt Á...

Tại NH Á Châu lãi suất tiết kiệm thả nổi kỳ hạn 1 - 3 tháng và kỳ hạn 6 tháng đều chốt ở mức 10,499%/năm (áp dụng với số tiền gửi từ 5 triệu đồng trở lên). Trong khi lãi suất các kỳ hạn ngắn ở NH Ngoại thương, NH Đầu tư Phát triển (BIDV),... từ 10,45%/năm trở xuống.

Cho ngân hàng bạn vay: “Chặt đẹp!”

Tuy lãi suất đầu vào tăng nhanh nhưng hầu hết các NH cho biết huy động vốn tăng không đáng kể, nguyên nhân là khách hàng thường rút tiền vào thời điểm cuối năm. Một số NH gặp khó khăn về nguồn vốn, không để khách hàng ra đi buộc phải tăng lãi suất bằng mọi giá, hướng người cần rút tiền chuyển sang gửi các kỳ hạn tuần hoặc một tháng để bảo đảm lượng tiền ra vào. Từ đó, các NH mạnh vốn cũng nâng lãi suất để ngăn chặn hiện tượng chuyển dịch tiền đến NH khác.


Một chuyên gia đang làm cố vấn của một NH tại TPHCM cho biết hiện không ít NH đang khó khăn về vốn. Doanh nghiệp cần tiền để mua hàng hóa không vay được vốn vì NH nào cũng vướng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp có hàng tồn kho không bán được hàng, chậm trả nợ vay.
 
Mặt khác, khi khách hàng mạnh tay rút tiền, đồng thời huy động vốn từ dân cư tăng không kịp bù đắp thiếu hụt, một số NH phải vay nóng từ các NH khác. Đây chính là thời cơ cho các NH thừa vốn “chặt đẹp” NH bạn, thu lợi nhuận.

Giám đốc một NH có quy mô thường thường bậc trung cho biết dù lãi suất vay vốn NH bạn luôn cao hơn lãi suất huy động tiết kiệm, có thời điểm lên tới 16%/năm, kỳ hạn vay chỉ 1-2 tuần nhưng các NH thiếu vốn cũng chấp nhận để giải quyết tình thế cấp thời. Khi NH Nhà nước phát đi tín hiệu tái cấp vốn cho NH đang gặp khó khăn về nguồn vốn,lập tức lãi suất vay vốn NH bạn xuống còn 12%/năm.

Nên bơm thêm tiền cho nền kinh tế


Trao đổi với báo giới, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng khi khách hàng ồ ạt rút vốn, tất yếu NH phải huy động vốn nơi khác để bù đắp vì trước đó đã lỡ cho vay. Tuy nhiên, lãi suất vay vốn NH bạn cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm là điều vô lý, không đúng với thông lệ thị trường.


Theo PGS – TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, dư nợ cho vay tăng trưởng 35% nhưng cung tiền chỉ tăng 25%. Điều này cho thấy nền kinh tế hiện đang thiếu tiền. NH Nhà nước cần tiếp tục mạnh tay bơm tiền cho NH thương mại, đặc biệt là các NH đang căng thẳng về nguồn vốn, thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn với lãi suất 8%/năm, để hạ nhiệt lãi suất đầu vào, kéo lãi suất vay vốn NH bạn về đúng quy luật.

(Theo Thy Thơ // Nguoilaodong Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thị trường chứng khoán 2010: Lạc quan trong dè rặt
  • Hạ tầng tại các Khu đô thị mới: Nỗi khổ ai hay
  • Nhà đất Hà Nội cuối năm sẽ không có đột biến
  • 2009 - Năm ảm đạm của đồng USD
  • Bộ tứ BRIC “trưởng thành” từ khủng hoảng
  • Thế giới biến đổi do khủng hoảng?
  • Thị trường tiền tệ cuối năm: Chờ nguồn tiền mới
  • Forbes: Vàng - "bong bóng tài chính" lớn nhất toàn cầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!