Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường chứng khoán 2010: Lạc quan trong dè rặt

Thị trường chứng khoán đang rất cần có những thông tin hỗ trợ để bật dậy
Thị trường chứng khoán đang rất cần có những thông tin hỗ trợ để bật dậy

Mặc dù còn một số quan ngại nhưng đa số các chuyên gia tham dự hội thảo “Nhìn lại thị trường chứng khoán 2009 và triển vọng ngành 2010” vừa qua đều cho rằng, trong năm tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại và hứa hẹn là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Thị trường cổ phiếu: Hy vọng vào cổ phiếu ngân hàng

Ông Vũ Đình Độ - Giám đốc phân tích Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect, cho rằng, để đánh giá một cách chuẩn xác nhất thị trường chứng khoán sẽ như thế nào vào năm 2010 thì cần phải chờ thêm những tín hiệu mới từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về những chính sách vĩ mô, quan trọng nhất là chính sách tín dụng.

Tuy nhiên, ông Độ tỏ ra lạc quan về sự phát triển của thị trường chứng khoán năm 2010 khi hầu hết các doanh nghiệp đang có một nền tảng vững chắc về lợi nhuận, do vậy tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn là rất lớn. “Khoảng đến quý I, quý II năm 2010, nền kinh tế sẽ phục hồi và thị trường chứng khoán cũng sẽ tăng trưởng trở lại trong thời điểm này”, ông Độ dự báo.

Theo ông Độ, khi tín dụng được nới lỏng trở lại, lãi suất tăng lên thì có thể kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động tín dụng và các hoạt động khác của ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ có những cải thiện đáng kể so với quý IV năm nay.

Khoảng đến quý I, quý II năm 2010, nền kinh tế sẽ phục hồi và thị trường chứng khoán cũng sẽ tăng trưởng trở lại

Đại diện này của Vndirect phân tích: thực tế cho thấy các ngân hàng Việt Nam vẫn đang hoạt động khá tốt ngay cả khi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn nhất. Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2008 của toàn hệ thống ở mức gần 12%, dự báo chỉ số này trong năm 2009 sẽ vào khoảng 19%. Tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm tại các NHTM Nhà nước là 2,84%, khối NHTMCP là 1,77% và khối ngân hàng nước ngoài là 1,38%, trong khi con số này cuối 2008 lần lượt là 2,52%, 1,92% và 1,09%. Điều này cho thấy đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý rủi ro và giám sát tín dụng của toàn hệ thống. “Lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010 khi những dấu hiệu lạm phát xuất hiện trở lại. Với độ trễ giữa cung tiền và lạm phát vào khoảng 6 tháng, nhiều khả năng NHNN sẽ phải đưa ra những chính sách mới về lãi suất và dự trữ bắt buộc vào cuối quý I/2010”, ông Độ dự báo.

Mặc dù được nhận định là có triển vọng, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra quan ngại về nhóm cổ phiếu ngân hàng khi mà những biến động về tỷ giá hay lãi suất vẫn đang là điểm nóng trên thị trường hiện nay. Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Liệu lãi suất tiền đồng sẽ ra sao khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại? Và vấn đề về tỉ giá sẽ ra sao trong năm 2010?”.

Ông Phan Đào Vũ - TGĐ Ngân hàng TMCP Bảo Việt, nhận định: thị trường ngoại hối sẽ ổn định vào thời gian tới và hoạt động ngân hàng năm sau sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Vũ cho biết, hiện các doanh nghiệp lớn đã có một lượng ngoại tệ 10 tỉ đô la tại tài khoản của các ngân hàng. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp cam kết bán đô la cho ngân hàng và hoạt động giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng và giữa ngân hàng với khách hàng đang diễn ra mạnh mẽ trong biên độ tỷ giá cho phép. Ông Vũ dự báo năm 2010 sẽ không còn cơ chế lãi suất trần.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhắn nhủ các nhà đầu tư “yên tâm, đừng thấy lãi suất tăng mà sợ, lãi suất giảm mà mừng”. Theo ông Nghĩa, kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi, kéo theo đó, lãi suất nhất định sẽ phải tăng lên.

Mặc dù lạc quan về sự tăng trưởng trở lại của thị trường chứng khoán trong năm 2010, nhưng theo ông Nghĩa nhiều khả năng vào quý 1/2010 kinh tế Việt Nam sẽ lại một lần nữa chạm đáy tăng trưởng. Để duy trì được đà tăng trưởng kinh tế trong năm tới là không hề đơn giản, nếu không làm mạnh tay thì rất có thể đến năm 2011 Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng tiềm năng 7%. Hiện rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam vẫn là yếu tố ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ cao trong các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, ông Nghĩa tin tưởng rằng, chỉ số VN-Index sẽ tăng lên mức 550 - 560 điểm vào quý II/2010 và sau đó tăng vững chắc”.

Thị trường trái phiếu: Khó có đột phá

Do chưa kiểm soát được lạm phát và tỷ giá VND/USD được điều chỉnh liên tục theo hướng ngày càng tăng nên đã có những đợt trái phiếu chính phủ chỉ phát hành được 40% khối lượng dự kiến. Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, người dân Mỹ sẵn sàng mua trái phiếu của chính phủ có thời hạn lên tới gần 30 năm, mặc dù chính phủ nước này vẫn còn nợ rất nhiều. Còn nợ nần của Việt Nam không đáng kể, chưa phải là lớn, nhưng người dân không chịu mua trái phiếu từ 5 năm trở lên. Điều này cho thấy nhà đầu tư và công chúng thiếu sự tin tưởng vào đồng nội tệ của Việt Nam.

Mặc dù Chính phủ có kế hoạch phát hành trái phiếu cho Vinashin và một số dự án lớn khác, nhưng ông Nghĩa cho rằng sẽ “rất khó khăn”. Nếu tăng lãi suất trái phiếu lên để huy động được vốn thì sẽ ảnh hưởng tới lãi suất tiền gửi tiết kiệm và các lãi suất khác trên thị trường tài chính, qua đó ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng nếu không tăng lãi suất lên thì sẽ không huy động được trái phiếu.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu thì cho rằng, do đặc thù của thị trường trái phiếu Việt Nam là chỉ thu hút được các công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính; đầu tư vào trái phiếu nhiều khi mang tính mệnh lệnh, bắt buộc; do đó, phần lớn những trái phiếu này được các nhà đầu tư mua và nắm giữ đến khi đáo hạn chứ chưa có hình thức mua đi bán lại như ở các nước. Điều này làm hạn chế tính thanh khoản của trái phiếu.

Năm ngoái, do những bất ổn của kinh tế vĩ mô, trong cơn hoảng loạn, nhà đầu tư nước ngoài đã tìm cách bán trái phiếu ra bằng mọi giá khiến cho lãi suất trái phiếu Chính phủ có thời hạn 5 năm nhảy từ 8,5% lên 25% trong vòng hơn 1 tháng. Từ đó đến nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e dè, mất niềm tin, chưa quay trở lại thị trường. 

“Nếu muốn thay đổi được điều này thì chúng ta cần phải có nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là phải lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, và mở rộng được các đối tượng là những nhà đầu tư trong nước. Trên hết, giá của trái phiếu phải phản ánh được cung cầu của thị trường vì hiện nay trái phiếu chính phủ vẫn đang ép trần lãi suất, tức là lãi suất đấu giá vẫn bị giữ trần, điều này không phản ánh được giá của thị trường”, ông Quỳnh đề xuất. Thế nhưng, xét bối cảnh kinh tế hiện tại, khó có thể trông chờ gì vào sự đột phá trên thị trường trái phiếu trong năm tới.

(Theo Ngọc Diệp // Báo Doanh nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Hạ tầng tại các Khu đô thị mới: Nỗi khổ ai hay
  • Nhà đất Hà Nội cuối năm sẽ không có đột biến
  • 2009 - Năm ảm đạm của đồng USD
  • Bộ tứ BRIC “trưởng thành” từ khủng hoảng
  • Thế giới biến đổi do khủng hoảng?
  • Thị trường tiền tệ cuối năm: Chờ nguồn tiền mới
  • Forbes: Vàng - "bong bóng tài chính" lớn nhất toàn cầu
  • Quản lý sàn vàng: Hai phương án đều phạm luật
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!