Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 10% trong năm 2011, nhưng giới phân tích vẫn có nhiều lý do để lo ngại, đặc biệt về việc “bong bóng bất động sản” đang ngày càng phình to và có nguy cơ bị nổ tung.
Báo cáo của Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) chỉ rõ ba nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc trong năm 2011. Đó là nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng, các điều kiện của kinh tế toàn cầu và sự hiệu quả của các giải pháp điều tiết vĩ mô.
Theo CASS, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy vai trò của nhu cầu nội địa, song nền kinh tế nước này đang trở nên ngày càng phụ thuộc vào các nguồn vốn đầu tư, vốn chủ yếu là kết quả của các chính sách kích thích kinh tế được chính phủ tung ra trong thời gian kinh tế toàn cầu suy thoái. Kinh tế Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn trên các thị trường quốc tế do sự phục hồi của kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp và bấp bênh hơn.
CASS cho rằng do đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm tới 20% trong tổng đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc và lĩnh vực này liên quan mật thiết với nhiều lĩnh vực khác, nên các biện pháp siết chặt thị trường nhà đất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) sẽ làm gia tăng sức ép lên tốc độ tăng trưởng trong năm tới. Việc chính phủ trung ương kiểm soát và điều khiển chặt chẽ hơn hoạt động tài chính của các chính quyền địa phương cũng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư.
CASS dự báo GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 9,9% trong năm 2010; ngoại thương Trung Quốc dự kiến cũng sẽ phục hồi lên các mức của trước cuộc khủng hoảng… CASS kêu gọi chính phủ siết chặt chính sách tiền tệ do kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tín dụng quá nóng và áp lực lạm phát gia tăng. CASS dự đoán giá nhà đất tại Trung Quốc sẽ tăng 15% trong năm nay, thấp hơn mức tăng 25% trong năm ngoái.
Theo các số liệu chính thức, GDP của Trung Quốc đã tăng lần lượt 11,9%; 10,3% và 9,6% trong các quý I, II và III/2010. Tính chung từ tháng 1-9/2010, nền kinh tế này tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Thế nhưng giới phân tích vẫn có cái nhìn trái ngược về kinh tế Trung Quốc, giữa lúc có lo ngại tình trạng bong bóng bất động sản và lạm phát gia tăng làm chậm tốc độ tăng trưởng.
Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Justin Yifu Lin của Ngân hàng Thế giới (WB) tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ông dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 10 hoặc 15 năm tới thậm chí sẽ còn ngoạn mục hơn so với một thập kỷ qua và cho rằng đến năm 2025, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, nhà kinh tế độc lập Xie Guozhong - cựu giám đốc điều hành Morgan Stanley – lại cho rằng tình trạng dư thừa công suất và bong bóng bất động sản đang gây ra những thách thức thực sự cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Ông nhận định: "Bong bóng bất động sản (ở Trung Quốc) sẽ tiếp tục phình to trong vòng 2 năm tới và sẽ vỡ tung".
Phó Khoa Kinh tế Su Jian thuộc Đại học Tổng hợp Bắc Kinh cho rằng thị trường bất động sản Trung Quốc "đang bị đe doạ bởi tình trạng bong bóng, nhưng nền kinh tế nước này không phải đang hướng tới sự đổ vỡ".
Sức mạnh dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc đang là chủ đề tranh luận của các nhà kinh tế và giới chuyên gia tài chính. Trong khi dư luận đa số dường như ngả theo hướng kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng bền vững, ít nhất là về trung hạn, một nhóm chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc không phải như vẻ bề ngoài của nó, đồng thời dự đoán nước này có thể hướng đến một cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng vài thập kỷ tới.
Nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng James S Chanos, từng kiếm bộn tiền do dự đoán được sự sụp đổ của tập đoàn Enron và nhiều công ty khác, đã cảnh báo kinh tế Trung Quốc đang hướng tới sự đổ vỡ, chứ không phải là phát triển bền vững. Ông cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang phóng đại sức mạnh kinh tế và giả mạo số liệu về tỷ lệ tăng trưởng. Ông cũng cảnh báo bong bóng bất động sản của Trung Quốc to "gấp 1.000 lần của Dubai”.
Kể từ cuối năm 2008, những người như ông Chanos đã cảnh báo tình trạng bong bóng tài sản có thể xuất hiện ở Trung Quốc. Họ lập luận rằng gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD của Trung Quốc, việc cho vay kỷ lục của các ngân hàng và dòng vốn đầu cơ ồ ạt của nước ngoài vào nước này đã được bơm vào các thị trường chứng khoán và bất động sản.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com