Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự bất thường đáng ngại đằng sau "bom" lãi suất

Thị trường tiền tệ ngày 8/12 chứng kiến một diễn biến bất thường, đó là khi lãi suất đột ngột tăng khủng khiếp, lên mức huy động 18%. Điều này dường như đang là một dấu hiệu không thuận lợi cho giai đoạn phát triển tới.

Giành giật vốn

Việc tăng lãi suất lên mức "khủng" diễn ra trong bối cảnh, cũng ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng cần đồng thuận lãi suất thông qua Hiệp hội. Song, với hoàn cảnh hiện nay, điều này dường như bất khả thi.

Còn nhớ cách đây hơn 1 tháng, sau khi Chính phủ chấp nhận tăng lãi suất để chống lạm phát, các ngân hàng đã đồng thuận lãi suất huy động 12%. Nhưng sau đó, đồng thuận đã nhanh chóng bị phá vỡ và chuyện đồng thuận đã không đáng để các ngân hàng lưu tâm mà thay vào đó là cuộc chạy đua lãi suất được đẩy lên mức khủng khiếp.

Lãi suất đã lần lượt qua các mốc 13-14% ngay trong tháng 11, đầu tháng 12 nó nhanh chóng lên mức 15 và 16%. Thị trường đã bắt đầu quen với việc này và tìn rằng nó sẽ sớm qua khi nhiệm vụ chống lạm phát 2010 kết thúc.

Tuy nhiên, ngày 8/12, Techcombank đã nổ một "quả bom" khi đưa lãi suất lên 17% và cộng cả lãi suất thưởng là 17,6%. Dù đây chỉ là một chương trình khuyến mãi ngắn ngày nhưng đây thực sự là một cú sốc trên một nền lãi suất đã quá cao.

Ngay sau đó, trên thị trường, rất nhiều ngân hàng đã chỉ đạo các nhân viên và các chi nhanh đi tìm hiều động thái các ngân hàng để có phản ứng kịp thời với thị trường. Gần như ngay lập tức, trong buổi sáng, rất nhiều phương án tăng lãi suất lên 17% đã được các ngân hàng hoàn thanh để có thể áp dụng ngay khi cơn sốc này gây ra sóng trên thị trường.

Thậm chí, có ngân hàng đã ngầm phản ứng bằng cách, nhắn tin, gửi mail và thậm chí là cử nhân viên gửi thông báo tới các khách hàng mức lãi suất mới từ 17% trở lên. Tuy nhiên, khi khi nhiều ngân hàng chưa kịp phản ứng chính thức với lãi suất 17% thì thị trường lại dựng ngược với lãi suất huy độ18% của Ngân hàng cổ phần Đông Nam Á (Seabank).

Thực tế, lãi suất công bố của các ngân hàng hiện nay chỉ khoảng dưới 15% nhưng thực chất rất nhiều ngân hàng đã thỏa thuận với nhiều khách hàng với lãi suất cao hơn. Vìệc hôm nay cũng chỉ là công khai hóa lãi suất mà các ngân hàng đã áp dụng.

Tuy nhiên, trước đây các ngân hàng làm một cách dè chừng và chỉ với một số khách hàng có tiền gửi lớn thì nay với tác động của "sự kiện Techcombank" các ngân hàng lập tức đồng loạt "chính thức hóa" và thị trường được một phen náo loạn.

Theo các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây thực sự là mức lãi suất bất hợp lý. Hiện nay, lãi suất chỉ nên ở mức 12-13% một năm là hợp lý, ngay cả khi tính toán lạm phát tăng với tốc độ hai con số. Ngân hàng nào tăng lãi suất lên cao quá chứng tỏ họ có vấn đề bất thường. Vậy sự bất thường ở đây là gì, vì sao tất cả các ngân hàng lại nhanh chóng hưởng ứng một mức lãi suất cao khủng khiếp thế?

Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, một trong những công việc mà các nhân viên ở các chi nhanh của ông phải làm là phải tìm cách cập nhật lãi suất mà các ngân hàng bạn đang ngầm thỏa thuận với khách hàng để có điều chỉnh kịp thời. Đây là cách tất cả cùng làm và cùng hiểu với nhau để khỏi vốn đi khỏi hệ thống của mình chứ không ai muốn công khai.

Theo vị tổng giám đốc này, đây là một thực tế đã diễn ra cuối năm 2008, khi có một số ngân hàng cổ phần mất thanh khoản đã tăng lãi suất lên cao và trong vòng chưa đầy 1 tuần, đã có hàng chục ngàn tỷ bị hút khỏi các ngân hàng quốc doanh đang duy trì một mức lãi suất thấp hơn.

Và tình thế hiện nay cũng như thế. Một số ngân hàng nhỏ bất ổn đã kéo toàn bộ thị trường vào thế khó khăn.

Trong khi đó, từ phía Vietinbank cho biết, hồi đầu tháng 12, chính ngân hàng này đã tùng đưa ra mức lãi suất cao 15% bằng với đỉnh thị trường thời điểm đó. Nhưng ngay sau đó, ngân hàng này đã phải hạ xuống. Vietinbank định tăng lãi suất cao hàng nhất thị trường vì lo ngại vốn chảy khỏi ngân hàng chứ thực tình ngân hàng không thiếu vốn. Vì thế, ngân hàng này đã hạ lãi suất để không gây thêm căng thẳng cho thị trường.

Còn với diễn biến mới này, lãnh đạo Vietinbank cho biết, dù vốn của nhà băng hiện vẫn bình thường nhưng Vietinbank đang theo dõi sá ttình hình. Nếu như vốn có biểu hiện sụt giảm và chảy sang nơi khác thì sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để giữ chân khách hàng.

Hoảng hốt

Sau khi Chính phủ chủ trương "thả" lãi suất tăng lên để chống lạm phát thì lãi suất đã ngày càng tăng và đang tăng quá đà kiểm soát.

Đầu tháng 12, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất tăng cao trong thời gian qua là giải pháp "bất khả kháng", vì lợi ích của cả nền kinh tế là chống lạm phát. Nhưng đến một lúc nào đấy nền kinh tế ổn định rồi thì lãi suất cạnh tranh càng ngày phải càng giảm xuống.

Tuy nhiên, dự đoán là lãi suất sẽ tăng nhưng có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng không thể ngờ lãi suất bị đẩy lên mức khủng khiếp hiện nay vì thế khi sự cố không chỉ cơ quan quản lý mà nhiều ngân hàng đều hốt hoảng và tìm cách phản ứng.

Chính vì thế, dù Ngân hàng được cho là có động thái khá nhanh nhưng kết cục vẫn bị động. Trong ngày 8/12, khi lãi suất lên cao, cuộc họp giao ban thông thường với các ngân hàng ở Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang việc lộn xộn trên thị trường lãi suất.

Ngay lập tức, Phó Thống đốc thường trực Trần Minh Tuấn xuống làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP. Hà Nội và đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước một mặt đã phát đi thông điệp về sự ổn định về thanh khoản của hệ thống ngân hàng, một mặt cảnh báo sẽ xử lý nặng các ngân hàng tăng lãi suất quá cao.

Đến buổi chiều cùng ngày, Seabank đã hạ lãi suất từ 18% xuống 14%, còn Techcombank cũng cam kết có những động thái tích cực để ổn định thị trường theo chỉ thị mới của Ngân hàng Nhà nước.

Cơn "co giật" có thể đã tạm qua nhưng dịch sốt vẫn chưa hết. Có lẽ lo ngại điều đó, mà trong chỉ đạo mới nhất Ngân hàng Nhà nước đã nhắc đến khả năng, trong trường hợp thị trường tiền tệ diễn biến bất thường, cơ quan này có quyền quy định cơ chế điều hành, xác định lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.

Theo một số ngân hàng, với mức lãi suất đầu vào 17-18% thì cho vay ra thấp nhất cũng không dưới 20%. Đây là mức thị trường khó chấp nhận nên huy động với mức lãi suất từ 17% trở lên thì ngân hàng khó có thể kinh doanh có lãi hoặc phải chịu những rủi ro lớn.

Cả hệ thống ngân hàng đang đối mặt với rủi ro mà nguyên nhân có thể xuất phát từ những ngân hàng có khó khăn tạm thời trong thanh khoản và huy động vốn đã đẩy lãi suất lên quá cao và kéo tất cả cùng nhập cuộc. Điều khó là, biết nguy hiểm nhưng không ai có thể đủ can đảm đứng ngoài cuộc.

Vì thế, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang phân vân, Ngân hàng Nhà nước sẽ ứng xử cụ thể thế nào và các chính sách điều hành tiếp theo sẽ ra sao. Từ đây ngân hàng mới có căn cứ để xác định định hướng kinh doanh. Chỉ khi cơ quan quản lý có thái độ dứt khoát và ra tay bằng các công cụ của mình thì các ngân hàng mới dám ra quyết định an toàn cho mình và có lợi cho thị trường.

Tuy nhiên, những biện pháp hiện nay mới chỉ là cảnh báo và ngăn chặn những hiện tượng cá biệt, còn những bất ổn chung của thị trường phải chờ đợi những chính sách cụ thể và phù hợp.

Nặng lòng đón năm mới

Một chính sách tiền tệ thường sẽ phát huy tác dụng lớn nhất sau 3-6 tháng. Nếu vậy, với diễn biến tăng lãi suất hiện nay, điều gì sẽ xảy ra và tác động đến kinh tế đầu năm 2011. Một khi các ngân hàng tăng đầu vào thì ắt sẽ phải dâng đầu ra để đảm bảo có lợi nhuận.

Điều đó có nghĩa, lãi suất cho vay không chỉ hiện nay mà trong những tháng đầu năm 2011, các DN sẽ phải tiếp tục gánh một mức lãi suất khủng khiếp.

Chính vì thế, đại diện Hiệp hội DN trẻ TP.HCM đã cho rằng, trong tình hình kinh doanh cực kỳ khó khăn như hiện nay mà lãi suất cho vay đang tăng lên từng giờ thì doanh nghiệp sao mà chịu nổi. Một cảm giác bất an, lo lắng đang phổ biến trong các DN.

Trong khi đó, chuyên gia từ Viện Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, lãi suất cho vay trên 20% thì sản xuất kinh doanh hay mở rộng đầu tư sẽ ngưng trệ không chỉ vì lãi suất quá cao làm ăn không có lãi mà chính các DN hoang mang về bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ có tâm lý co cụm và bảo toàn hơn là mở rộng và phát triển.

Với lãi suất cao như hiện nay thì đến bao giờ lãi suất mới có thể hạ? Chưa có câu trả lời nào nhưng nhìn lại tình huống đầu năm 2010, những tháng đầu năm lãi suất cao khoảng 12-13% huy động và cho vay 15-17% DN đã rất khó khăn. Chính phủ đã yêu cầu hạ lãi suất từ đầu tháng 5/2010 nhưng phải đến gần 4 tháng sau, lộ trình giảm lãi suất mới được bắt đầu.

Lý do là ngân hàng huy động vào cao thì cho vay cao, muốn giảm lãi suất thì cần có thời gian cân bằng được chi phí từ nguồn vốn rẻ hơn. Đấy là năm 2010, còn năm 2011 sẽ thế nào khi lãi suất đã lên đến trên 20%? Liệu có cần một lộ trình giảm lãi suất nữa để cứu doanh nghiệp và tăng trưởng của nền kinh tế và nếu có sẽ phải mất bao nhiều thời gian.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, giữa những cơn sóng lãi suất này, DN sẽ tiếp tục hứng chịu những khó khăn, nền kinh tế sẽ trở nên bất ổn và suy giảm niềm tin và động lực tăng trưởng.

Còn nhờ cuối 2008 đầu 2009, khi Việt Nam chưa ra khỏi khủng hoảng, nhưng để tính một nước cờ cho hồi phục trong năm 2009, Chính phủ đã quyết định ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất. Sau đó, chỉ cách Tết âm lịch mấy ngày, chính sách này đã được cụ thể hóa và các ngân hàng rầm rộ triển khai ngay sau Tết.

Tâm sự về quyết định và sự triển khai nhanh chóng này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hỗ trợ nguồn lực vật chất là một chuyện nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước làm sớm điều này trước Tết là để tạo niềm tin cho DN bước vào một giai đoạn mới. DN sẽ vững tâm và mạnh mẽ hơn khi nhận thấy quyết tâm của Chính phủ.

Bây giờ, trong tình huống hiện nay, lãi suất đang tăng quá cao và một viễn cảnh khó khăn, chưa có những giải pháp nào để tháo gỡ như trước đây. Tất cả dường như báo hiệu một năm mới sắp đến hoàn toàn không thuận lợi cho DN và nền kinh tế. Dù điều đó chỉ nhìn từ góc độ lãi suất.

 

Tác giả: LÊ KHẮC // Theo VEF

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • “Bong bóng bất động sản” Trung Quốc sẽ nổ tung?
  • Gửi vàng phải nộp thuế
  • Bỏ kiểm soát hành chính, ngân hàng làm loạn lãi suất
  • Lãi suất huy động tiền đồng: Vũ điệu khó lường
  • Hạ lãi suất chỉ là bề nổi?
  • USD sắp lên 23.000 đồng?
  • Một nguyên nhân nữa của lạm phát
  • Những hệ lụy khôn lường từ chủ trương "bơm tiền" vòng 2 của Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!