Đúng như những gì giới chuyên gia dự báo, cuộc đua lãi suất ngày một gay cấn khi Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nâng lãi suất huy động lên tới 17,6%.
Tiếp đó là một loạt các ngân hàng, không ngại ngần đẩy lãi suất huy động lên tới đỉnh điểm 19% (SeaBank) vào chiều ngày hôm qua, 9-12. Ngay lập tức, những ngân hàng này bị NHNN “thổi còi”. Liệu các ngân hàng này có thực sự thi hành “mệnh lệnh” hay chỉ là hình thức?
Lãi suất vẫn âm thầm “dậy sóng”
Sau khi Techcombank bị “tuýt còi”, các ngân hàng khác như SeAbank cũng “gỡ” biểu lãi suất cao xuống.
Song, theo ghi nhận của PV vào ngày hôm qua (9-12), các ngân hàng vẫn đang âm thầm “dậy sóng”. Một ngày sau khi lãi suất huy động thiết lập “đỉnh”, tình hình giao dịch tại các ngân hàng nhộn nhịp hơn hẳn. Bà Thanh (Từ Liêm – Hà Nội) cho biết, lãi suất ngân hàng vẫn tăng chưa có chiều hướng giảm, bên cạnh giữ mức lãi suất ở mức 17%, nhiều ngân hàng còn đưa ra các sản phẩm tiền gửi mới với các hình thức khuyến mãi hấp dẫn. Khách hàng như bà Thanh, dù có ít tiền cũng thấy “choáng”. “Chúng tôi luôn ở tình trạng nhấp nhỏm tính toán xem rút tiền từ ngân hàng này sẽ chuyển sang gửi ngân hàng nào, quay như chong chóng”.
Thời điểm này, theo thống kê chưa đầy đủ 2/3 trong tổng số các NHTM có mức lãi suất huy động cao xấp xỉ từ 15% - 16%/năm, vượt nhiều so với mức đồng thuận là 12%/năm của Hiệp hội Ngân hàng. Song có một nghịch lý là, dù lãi suất tăng cao nhưng lượng tiền huy động về hệ thống ngân hàng hầu như không có dấu hiệu được cải thiện. Điều này cho thấy, các ngân hàng, bằng nhiều hình thức sẽ không chịu “khuất phục” trước mệnh lệnh của NHNN hôm 8-12.
Một nhân viên tín dụng của ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, đã hết chuyện huy động 18%, nhưng đó chỉ bề nổi, còn vẫn đang tồn tại “tảng băng chìm” khi tại một số ngân hàng, lãi suất vẫn âm thầm leo thang. Hiện nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất cho vay tới 21%, và lãi suất huy động cũng xấp xỉ 17%.
Như vậy, mặc dù bề ngoài các ngân hàng “y lệnh” của NHNN nhưng bên trong vẫn âm thầm dậy sóng.
Chính sách điều hành nhiều bất cập
Dư luận lo lắng rằng, cho dù “hiện tượng” lãi suất vừa “nhen nhóm” đã được “xử lý” ngay bằng một biện pháp hành chính, nhưng thực tế, biện pháp đó sẽ chỉ là chiếc dao chém... giấy. Nếu nhìn lại những gì đã và đang diễn ra từ đầu tháng 11 đến nay, sau khi NHNN “thả nổi” lãi suất thì ngay lập tức xuất hiện tình trạng hai lãi suất: Một là có một mặt bằng lãi suất “đồng thuận” và thứ hai là mặt bằng lãi suất “thoả thuận”. Và việc NH Techcombank công bố mức lãi suất huy động ở con số khổng lồ vừa qua chỉ là một động thái công khai mức lãi suất thoả thuận lâu nay giữa khách hàng và các NHTM mà thôi. Động thái của Techcombank dù đã khiến thị trường lãi suất một phen hỗn loạn nhưng lại giúp cho dư luận được thấy rõ một thị trường lãi suất đích thực của nó. Nói như TS Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank), các ngân hàng thương mại, dù muốn hay không vẫn phải âm thầm tham gia cuộc đua lãi suất, chỉ có điều, họ có giám công khai hay không. Và thực tế, đúng như vậy, khi các NH vẫn đang phải “dò tìm” mức lãi suất thực của nhau để điều chỉnh chính sách lãi suất của mình, nhằm “giữ khách”. Thêm vào đó là áp lực tăng vốn lên 3000 tỷ đồng trước 31-12 cũng khiến nhu cầu vốn của các NH đang bước vào giai đoạn nước rút cộng với nhu cầu thanh khoản cuối năm lên cao. Có quá nhiều lý do để các NHTM phải gấp rút lao vào cuộc tìm vốn cho mình. Nhưng nếu không có một chính sách điều hành hợp lý, chắc chắn thị trường này sẽ còn nhiều phen sóng gió mà hiện tượng ngày 8-12 vừa qua chỉ là một trong những sự “khởi điểm”.
TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, để chống lạm phát tất yếu phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, thắt chặt cũng cần phải cân nhắc ở một mức độ sao cho hợp lý để tránh tác dụng ngược. Mức lãi suất hiện nay là quá cao và không hợp lý. Chuyên gia Bùi Kiến Thành khi trả lời báo giới cho rằng, từ trước tới nay, đã luôn tồn tại tình trạng các ngân hàng thiếu sự đồng thuận. Thực tế cho thấy, mỗi ngân hàng chỉ làm việc theo quyền lợi của ngân hàng mình. Ngoài ra, Chính phủ cũng không có chính sách nhất quán về lãi suất. Cách đây vài tháng, Chính phủ cũng như NHNN đã họp các ngân hàng lại, yêu cầu hạ lãi suất. Các ngân hàng cũng họp nhau lại và cũng đồng thuận hạ lãi suất. Tới tháng 11, ông Lê Đức Thúy, đại diện cho Chính phủ lại tuyên bố “thả nổi lãi suất”. Nghĩa là không khuyến khích hạ lãi suất nữa, để tự do, tức là nó sẽ tăng và thực tế là bây giờ lãi suất đã tăng.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com