Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, có khả năng lãi suất tiền đồng sẽ giảm dần kể từ giữa quý III/2011 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần dần hạ nhiệt.
Thống đốc NHNN có Công văn số 4605/NHNN-CSTT gửi các ngân hàng thương mại yêu cầu thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động, cho vay bằng VND. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động tối đa bằng VND là 14%/năm, đồng thời tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Thống đốc NHNN cũng đề nghị Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thành viên chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành kỷ cương của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Kế toán – Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Mở bán công TP.HCM) cũng nhận định, khả năng lãi suất tiền đồng sẽ sớm hạ nhiệt khi mà lạm phát được dự báo sẽ giảm dần kể từ tháng 7 tới. Mặt khác, tỷ giá VND/USD đang ổn định là điều kiện tốt để các ngân hàng củng cố thanh khoản tiền đồng. Từ đó, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ dần hạ.
Theo báo cáo sơ bộ của NHNN về tình hình hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay, tính đến ngày 10/6/2011, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chỉ mới là 7,05%. Như vậy, với chỉ tiêu kiểm soát tăng trưởng cho vay dưới mức 20% cho cả năm nay, thì dư địa cho vay vẫn còn khá lớn.
Tín dụng khó tăng trưởng trong 6 tháng qua một phần là do áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng tăng, đồng thời các ngân hàng phải tìm mọi cách giảm tỷ lệ dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất. Do đó, theo lãnh đạo các ngân hàng, khả năng lãi suất giảm trong thời gian tới gần như là chắc chắn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank thừa nhận, bản thân các ngân hàng thương mại cũng không muốn “neo” lãi suất đầu vào ở mức cao, nếu vốn cho vay khó tăng. “Để kiểm soát được tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của NHNN trong năm nay, DongA Bank cũng phải lên kế hoạch phát triển tín dụng và hạn chế hỗ trợ vốn vay với khách hàng mới, nhằm tập trung hỗ trợ tốt cho khách hàng hiện hữu. Vì thế, trong 5 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank chỉ ở mức 8%”, bà Vân cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù lạm phát có chiều hướng giảm, nhưng lãi suất vẫn tiếp tục căng thẳng, do tiền không quay lại ngân hàng.
Theo số liệu do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu công bố, tính đến ngày 23/5, huy động vốn VND giảm 2,75% so với cuối năm 2010. Vốn huy động VND của các tổ chức kinh tế giảm 156.700 tỷ đồng, do các doanh nghiệp (DN) rút tiền ra để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, tính chất tiền gửi của DN là số dư tiền bán hàng được để lại tài khoản để thực hiện liên tục hoạt động bán hàng - mua hàng. Việc số tiền này giảm đáng kể cho thấy rằng, dòng tiền của DN đang trục trặc, bởi tính thanh khoản của DN được tính bằng vốn lưu động trừ đi hàng tồn kho, chia cho nợ ngắn hạn. Tiền gửi của DN giảm có nghĩa là thanh khoản của DN yếu đi.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có nhiều lý do khiến tiền không chảy vào ngân hàng.
Thứ nhất, do vốn khan hiếm, lãi suất cao, một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng. Một số DN có khả năng, nhưng không trả nợ ngân hàng do sợ không vay lại được hoặc phải vay với lãi cao hơn. Do đó, tiền không quay trở lại ngân hàng như dự tính.
Thứ hai, giá cả tăng cao khiến thu nhập của người dân và DN giảm, tiền tiết kiệm ít đi, trong khi tiền cung ứng bị thắt chặt.
Thứ ba, do khó tiếp cận vốn ngân hàng, tín dụng đen bùng nổ, khiến một lượng tiền tiết kiệm trong dân cư đi vào thị trường chợ đen.
Chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2011 là tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 16%, nhưng trong 5 tháng đầu năm, M2 chỉ tăng 1,59%.
Lẽ ra, khi tiền gửi DN giảm, thì NHNN phải bơm tiền cho các ngân hàng thương mại để tốc độ tăng trưởng M2 phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Nhưng NHNN bơm tiền không đủ, khiến các ngân hàng thương mại khan hiếm vốn. Trong bối cảnh huy động tiết kiệm giảm, NHNN không đủ tiền cho thị trường, thì việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động là đương nhiên.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất trái phiếu đấu giá thành công ở mức 12,7% cho thấy, các ngân hàng thương mại dư tiền, nhưng không dám cho vay do bị khống chế tín dụng “phi sản xuất”, trong khi cũng không dám hạ lãi suất do sợ mất khách hàng gửi tiền. Vì vậy, NHNN cần có động thái chính sách nhằm duy trì thanh khoản của các ngân hàng thương mại, đồng thời hạ lãi suất tái cấp vốn để phát đi dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất cho thị trường trong những tháng tới.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com