Thị trường tài chính quốc tế đón nhận khá nhiều tin xấu từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng euro lấy lại đà đi lên trong khi giá vàng và dầu thô có dấu hiệu thụt lùi.
Bộ Tài chính Mỹ vừa cho biết thâm hụt ngân sách nước này trong tháng 2 đạt 220,9 tỷ USD, cao hơn kỷ lục cũ được thiết lập hồi đầu năm 2009 tới 14%. Như vậy, mức bội chi trong 5 tháng đầu trong tài khóa 2010 của Mỹ đã lên tới 651,6 tỷ USD, tăng 10,5% so với 2009.
Theo dự toán của chính quyền Mỹ, thâm hụt ngân sách trong năm 2010 của nước này cũng sẽ ở mức ngất ngưởng với 1.560 tỷ USD, cao hơn so với mức 1.400 tỷ USD năm ngoái. Ngân sách Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt ở mức trên 1.000 tỷ USD trong năm 2011 (năm thứ 3 liên tiếp).
Bộ Thương mại Mỹ cho biết lượng tồn kho hàng hóa trong tháng 1/2010 của các hãng bán buôn trong nước giảm xuống còn 0,2% (số liệu của tháng 12/2009 là 1%). Doanh số bán hàng cũng được cải thiện, tăng 1,3%.
Trong ngày 10/3 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua với đa số phiếu quyết định tiếp tục các biện pháp hỗ trợ thị trường lao động và dịch vụ y tế. Quyết định này vẫn được thông qua với số phiếu 62-36, bất chấp việc các nghị sĩ phản đối cho rằng việc kéo dài các biện pháp kích thích sẽ làm gia tăng thêm khoản nợ quốc gia, hiện ở mức 12.000 tỷ USD của Mỹ.
Số liệu mới nhất do Chính phủ Trung Quốc công bố sáng 11/3 cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này đã đạt mức cao nhất nhất trong vòng 16 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm cuối tháng 2/2010 đã cao hơn 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 0,2% so với dự báo của các chuyên gia. Trong khi đó, sản lượng công - nông nghiệp Trung Quốc đã tăng 20,7% trong 2 tháng đầu năm. Những tin tức này, theo dự báo, có thể khiến Chính phủ Trung Quốc sớm chấm dứt các biện pháp kích thích kinh tế hơn dự kiến.
Tại Nhật Bản, văn phòng Nội các vừa cho biết GDP quý I của nước này sẽ chỉ ở mức 3,8%, thay vì 4,6% như dự tính trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do các tập đoàn công nghiệp lớn, đặc biệt là Toyota, đang gặp rất nhiều khó khăn tại các thị trường xuất khẩu.
Chính phủ Australia vừa cho biết tình hình lao động của nước này đã được cải thiện khá nhiều trong tháng 2. Lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng đạt 56.500, tăng 400 so với tháng 1/2010. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 5,3% xuống 5,2%.
Trên thị trường hối đoái, đồng euro lấy lại đà tăng giá so với đôla Mỹ và yen Nhật sau khi nhận được hàng loạt thông tin hỗ trợ, đặc biết là việc Bồ Đào Nha phát hành thành công trái phiếu Chính phủ. Cuối phiên giao dịch ngày thứ tư tại New York, một euro đã đổi được 1,3653 USD, tăng so với mức 1,3601 USD trước đó. Đôla Mỹ cũng tăng giá khá mạnh so với đồng yen, đạt mức quy đổi 90,56 yen đổi một USD. Chỉ số ICE Dollar tăng từ 80,451 lên 80,580 điểm.
Đà tăng của đôla Mỹ đẩy giá vàng đi xuống khi một số thị trường chuộng dự trữ vàng như Trung Quốc tỏ ra kém hào hứng với kim loại quý này hơn trước. Tại New York, giá vàng giao trong tháng 3 giảm 14,2 USD, đạt 1.107,8 USD một ounce. Vàng giao kỳ hạn tháng 4 cũng giảm ở mức tương tự, còn 1.108,1 USD một ounce.
Dầu thô giảm giá xuống mức dưới 82 USD một thùng sau khi tăng mạnh trong ngày hôm qua với thông tin về nguồn dự trữ dầu của Chính phủ Mỹ có dấu hiệu giảm trong tháng 2. Giá dầu thô ngọt, nhẹ, giao tháng 4 hiện ở mức 81,74 USD một thùng, giảm 35 cent so với ngày 10/3.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com