Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xu hướng kinh doanh Quỹ đầu tư: Năm Dần cưỡi hổ lướt sóng

2009 được xem là năm thành công của TTCK Việt Nam khi VN Index đạt mức tăng trưởng 170%, mang đến cho NĐT những khoản lợi nhuận không thua kém thời kỳ hoàng kim 2006-2007. Tuy nhiên, đối với quỹ đầu tư, những kết quả thu được không tương xứng với tầm vóc và kỳ vọng. Năm nay hoạt động của khối NĐT chuyên nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường như thế nào là việc được nhiều người quan tâm.

Tìm hướng đi mới

Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Vietnam Asset Management (VAM), cho biết: “Những ngày này VAM liên tục gặp gỡ các NĐT lớn từ Nhật Bản, Singapore, New Zealand đến tìm hiểu, tham khảo tình hình kinh tế Việt Nam và xúc tiến thành lập các quỹ mới. Vì thế, năm nay hoạt động thành lập các quỹ đầu tư mới chắc chắn nhộn nhịp hơn năm ngoái. Hiện tại, nguồn tiền huy động chủ lực vẫn xuất phát từ châu Á, trong khi châu Âu và châu Mỹ còn dè dặt và chỉ có thể cải thiện vào giai đoạn nửa cuối năm”.

Theo ông Minh, việc thành lập quỹ trong năm 2009 có phần trầm lắng do năm 2008 NĐT thua lỗ nặng nề khiến họ phải thận trọng. Bên cạnh đó, nguồn vốn trong thời kỳ khó khăn không dồi dào, NĐT không thể vung tay rót vốn vào các quỹ mới và việc xác định thị trường đầu tư mục tiêu để giải ngân chính xác cũng không đơn giản. Thực tế hiện nay nước ta vẫn là một thị trường nhỏ, khả năng được NĐT các nước xem là tâm điểm như Trung Quốc hay Ấn Độ khó khả thi.

Năm nay, khả năng dẫn dắt của khối NĐT ngoại sẽ khó xảy ra. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dựa vào thâm niên tham gia TTCK Việt Nam để phân loại các quỹ đầu tư hiện nay, sẽ có 3 loại hình chính: Đầu tiên là những quỹ kỳ cựu bao gồm Dragon Capital (DC), VinaCapital (VC) hay Indochina Capital. Tiếp theo là những quỹ có mức vốn tầm trung, tuổi đời khá trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm trên thị trường như Saigon Asset Management (SAM), VAM, Blackhorse. Cuối cùng là những làn gió mới, bao gồm các quỹ ETF (Exchange Traded Fund) - quỹ có cách giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có tính đại diện cho thị trường hoặc từng ngành.

Đối với những quỹ đóng thuộc hàng kỳ cựu, do khó khăn trong gọi vốn đã dẫn đến việc bán ra cổ phiếu để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Nhưng do là những quỹ lớn, tỷ lệ nắm giữ nhiều nên chuyện “thoát hàng” không đơn giản. Mặc dù khá nhiều quỹ đã lên tiếng khẳng định sẽ không thoái vốn ở Việt Nam (thực tế việc này khó xảy ra) nhưng chắc chắn cơ cấu hoạt động của quỹ sẽ phải thay đổi.

Đối với những quỹ đầu tư hoạt động lâu năm, việc thoái vốn, thu tiền về và tìm cơ hội đầu tư mới hiệu quả hơn, từ đó thành lập những quỹ mới, sẽ là xu hướng trong năm nay. Bên cạnh đó, sau khi dậm chân tại chỗ trong năm ngoái, việc tìm ra một quỹ đóng có hoạt động hiệu quả đang rất khó khăn. Điều này được thể hiện thông qua việc thị giá của chứng chỉ quỹ trên thị trường niêm yết thường thấp hơn NAV (giá trị tài sản ròng). Như vậy, khả năng các quỹ đầu tư “già” muốn đóng quỹ để làm mới chính mình cũng khó xảy ra.

Đặt lợi nhuận trên hết

Để minh chứng cho những khó khăn gặp phải trong thời gian qua chỉ là tạm thời đối với NĐT và cũng để tìm đường sống cho chính mình, các quỹ không còn cách nào khác phải đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Đối với NĐT, “ngâm” đồng vốn vào một quỹ đóng có thời hạn hoạt động 7-10 năm trong tình hình kinh tế vẫn tồn tại nhiều bất ổn hiện nay là hết sức rủi ro. Thay vào đó, họ chọn lựa những quỹ đầu tư dạng mở, có thể nộp và rút tiền hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày.

Với cách này, các quỹ phải chứng minh hoạt động của mình thật sự hiệu quả để giữ nguồn vốn hiện có và thu hút thêm nhiều NĐT. Nhiều chuyên gia cho rằng hình thức quỹ đóng chưa thể “chết” ngay vì có những ưu điểm như tính ổn định, chiến lược dài hơi và được NĐT lớn ưa chuộng. Nhưng trong thời điểm khó khăn, NĐT thường thích “tiền tươi thóc thật” và muốn nguồn vốn của mình được an toàn. Vì thế, dù muốn hay không, quỹ mở cũng sẽ được các công ty quản lý quỹ nước ngoài đẩy mạnh thực hiện trong năm nay.

Nhận định về xu hướng giải ngân của các quỹ nước ngoài trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng tạo được lợi nhuận đột biến trong hoạt động kinh doanh năm 2010 rất khó khi các yếu tố hỗ trợ như nguyên vật liệu giá rẻ, các gói kích cầu đã kết thúc, thậm chí các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính cũng rất khó để có thể làm lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh. Chính vì vậy, những doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản với quỹ đất lớn, giá rẻ hoặc những doanh nghiệp sở hữu bất động sản sẽ được đưa vào tầm ngắm.

"Hiện nay trên sàn niêm yết lẫn OTC nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định nhưng thị giá cổ phiếu đôi khi biến động không tương xứng với tiềm năng và sự tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp, khiến cổ phiếu thiếu tính hấp dẫn trong ngắn hạn. Vì thế, các quỹ phải chọn đầu tư vào các doanh nghiệp có tính đột biến lợi nhuận trong kinh doanh và có tài sản ẩn". 

Ông Phan Anh Tuấn, Phó TGĐ CTCK Vincom

Còn nhớ, năm 2007 khá nhiều cổ phiếu với vốn điều lệ chỉ 100-200 tỷ đồng, thuộc tầm trung trên TTCK nhưng khi các quỹ đầu tư nước ngoài đề xuất mua vào cổ phiếu, họ nhận được yêu cầu phải nắm giữ tối thiểu 2-3 năm. Ngược lại, khá nhiều quỹ đầu tư “cậy” mình có vốn lớn, khi giải ngân cũng đưa ra những ràng buộc chặt chẽ về vấn đề quản trị, chiến lược kinh doanh của công ty. Nhưng xu hướng nắm giữ (holding) nói trên sẽ được thay thế hoặc được “mềm hóa”. Nhiều quỹ đầu tư sau khi lựa chọn doanh nghiệp ưng ý sẽ tiến hành giải ngân và nếu cổ phiếu lên giá mạnh hơn kỳ vọng, sẽ nhanh chóng thực thi việc hiện thực hóa lợi nhuận.

Ở một khía cạnh khác, dù doanh nghiệp có “khóa” các quỹ đầu tư bằng những thỏa thuận nắm giữ nhiều năm nhưng thực tế lại cho các quỹ này “mượn” cổ phiếu để bán ra. Trong ngắn hạn, rõ ràng việc các quỹ đầu tư chọn phương án lướt sóng sẽ tạo ra vòng quay tiền tốt hơn cho thị trường, dòng vốn lưu chuyển linh hoạt hơn.

Nhường ngôi dẫn dắt

Năm 2009, giao dịch của khối NĐTNN chỉ chiếm khoảng 20-25% so với thị trường và trong một chừng mực nào đó đã đánh mất vai trò dẫn dắt thị trường. Về khả năng phục hồi vị thế của NĐTNN, ông Nguyễn Xuân Minh phân tích: “Ngay cả TTCK mới nổi hàng đầu châu Á như lãnh thổ Đài Loan, giao dịch của NĐT nội cũng chiếm hơn 70%, nên việc họ dẫn dắt và tạo hưng phấn cho thị trường trong nước không có gì khó hiểu. Theo tôi, cơ cấu 80/20 (80 nội, 20 ngoại) nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất trong 5 năm nữa. Những năm tới, chắc chắn NĐTNN sẽ đẩy mạnh giải ngân tại TTCK Việt Nam, nhất là trong năm 2010 và 2011. Đây là điều tốt, nhưng số lượng NĐT nội cũng sẽ tăng lên tương ứng”.

"Trong nửa đầu năm nay, lo ngại của NĐTNN đối với TTCK Việt Nam vẫn là lạm phát và tỷ giá. Nói một cách đơn giản, khi NĐTNN đổi USD để mua chứng khoán, chỉ cần tỷ giá tăng 5% ngay lập tức họ bị lỗ 5%. Và chính điều này sẽ làm NĐTNN thận trọng hơn. Như vậy khả năng đồng vốn ngoại có thể trở lại TTCK nước ta một cách mạnh mẽ cần phải có thời gian kiểm chứng."

TS. Đinh Thế Hiển,  Chuyên gia tài chính

Xét về tổng thể, khả năng khối ngoại dẫn dắt thị trường trong năm nay khó xảy ra. Mặc dù vậy, tính dẫn dắt có thể sẽ xuất hiện theo hướng đơn lẻ tại một số thời điểm bởi phương thức NĐTNN mua vào thông qua P-Notes (chứng chỉ tham gia đầu tư) và các quỹ ETF. Đối với hình thức đầu tư qua P-Notes, NĐT có thể tham gia TTCK các nước ngay tại nước mình mà không chịu nhiều ràng buộc.

Theo đó, các tổ chức tài chính trung gian như HSBC, Citigroup tại Việt Nam sẽ đứng ra mua cổ phiếu và sau đó phát hành các P-Notes, chứng nhận quyền sở hữu cổ phiếu cho NĐT tại nước ngoài. NĐT nắm giữ P-Notes cũng xem như nắm giữ cổ phiếu và khi tiến hành bán ra P-Notes, các tổ chức tài chính trung gian tương ứng cũng bán cổ phiếu ra tại TTCK Việt Nam.

Thường NĐT nắm giữ P-Notes trong thời hạn 3-6 tháng nhưng hiện nay thời hạn này được tiết giảm tối đa và NĐTNN cũng có xu thế lướt sóng. Tương tự, các ETF sẽ tiến hành mua vào những cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay để giá trị của các ETF này cũng biến động theo VN Index. Như vậy, NĐT ở nước ngoài sẽ bỏ tiền mua vào ETF khi VN Index giảm và bán chốt lời khi VN Index tăng vì ETF cũng sẽ tăng giá tương ứng. Hiện nay, theo nhiều nguồn thông tin, các ETF đã có mặt hoặc ít nhất cũng đã tiến hành thăm dò một cách nghiêm túc TTCK Việt Nam. Thực tế thời gian qua, không ít blue chips trên thị trường đã có dấu hiệu tham gia của các ETF.  

(Theo Thái Ca - Phan Ngọc // SGGP Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Đầu tư chỉ số hay cá cược?
  • Kiểm toán độc lập: Băn khoăn cấp phép chứng chỉ hành nghề
  • Mở rộng đối tượng áp dụng lãi suất thỏa thuận: Trần lãi suất ở đâu?
  • Vay vàng: rủi lớn, may nhiều
  • Đầu tư công nghệ: Đất vàng!
  • Thỏa thuận góp vốn đầu tư bất động sản: Những chiêu “trói” khách hàng lộ liễu
  • Thỏa thuận lãi suất: Ngân hàng “cười”, DN “mếu”!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!