Ngày 9-3 tại TPHCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) sẽ họp với các ngân hàng thành viên khu vực phía Nam để lấy ý kiến về vấn đề lãi suất thỏa thuận trong huy động vốn và cho vay. Ngày 9-3 cũng là hạn chót NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hoàn tất báo cáo tình hình khuyến mại tiền gửi và thu phí cho vay VNĐ.
Vượt trần do khuyến mại
Hiện nay một số NHTM thỏa thuận lãi suất huy động với người dân bằng cách tặng thêm tiền cũng như áp dụng nhiều hình thức khuyến mại khác đã đẩy lãi suất vượt trần. Để xử lý các vấn đề liên quan, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra và gửi báo cáo khuyến mại tiền gửi VNĐ và thu phí đối với các khoản cho vay VNĐ trên địa bàn. Theo đó, các chi nhánh phải báo cáo cụ thể các hình thức và mức khuyến mại (hiện vật, tiền mặt…), giá trị các hình thức và mức khuyến mại quy đổi tính trên khoản tiền gửi theo tỷ lệ %/năm; lãi suất tiền gửi thực tế, bao gồm lãi suất tiền gửi do NHTM công bố cộng giá trị khuyến mại.
Ông Lê Kim Hòa, Giám đốc BIDV chi nhánh TPHCM, thừa nhận: “Ngoài lãi suất huy động được niêm yết ở mức 10,49%/năm, các NH đã áp dụng chính sách khuyến mại cộng thêm với tỷ lệ quá lớn, bằng 30-40% so với lãi suất niêm yết. Nếu NH nào không khuyến mại sẽ mất khách hàng tiền gửi. Cuộc đua này đang tạo ra cạnh tranh gay gắt giữa các NH, làm méo mó lãi suất huy động vốn. Nếu không có biện pháp chấm dứt tình trạng này, sự dịch chuyển các nguồn vốn trung - dài hạn sang ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Hướng dẫn khách hàng vay vốn ngân hàng. Ảnh: LÃ ANH |
Theo quy định của Bộ Công Thương, đối với một sản phẩm NH chỉ được khuyến mại có tính chất may rủi (quay số, bóc thăm trúng thưởng) với thời gian không quá 180 ngày/năm. Riêng các chương trình tặng quà, tặng tiền, tặng lãi suất… không giới hạn thời gian cũng như giá trị khuyến mại.
Theo một lãnh đạo của VietABank, do khâu quản lý lỏng lẻo nên nhiều NHTM kéo dài chương trình khuyến mại có tính may rủi. Vì thế, khi NHNN yêu cầu kiểm tra về vấn đề này, không ít NHTM tỏ ra lo lắng về hoạt động huy động vốn trong thời gian tới.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, cho biết VNBA sẽ kiến nghị NHNN nếu kiểm tra việc khuyến mại, chỉ để nắm bắt thị trường chứ không nên xử phạt, vì vấn đề khuyến mại đã có Luật Thương mại cho phép, trừ trường hợp áp dụng khuyến mại gây mất ổn định thị trường mới can thiệp.
Có nên dỡ trần lãi suất?
Tại cuộc họp ngày 9-3 tới đây, VNBA sẽ lắng nghe ý kiến của các NHTM về vấn đề có nên bỏ trần lãi suất huy động 10,5%/năm. VNBA sẽ tổng hợp ý kiến để kiến nghị NHNN và Chính phủ. Trước đó, ngày 5-3, VNBA đã tổ chức cuộc họp với các thành viên phía Bắc.
Theo bà Dương Thu Hương, tại cuộc họp này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết NHTM đều cho rằng cần sớm bỏ trần lãi suất huy động. Vì khi không thể công khai lãi suất huy động, sẽ dẫn đến tình trạng “dấm dúi” và nhiều người dân không gửi tiền vì chê lãi suất thấp. Việc này dẫn đến NH không có vốn để cho vay, trường hợp cho vay được phải thu phí mới đủ sở hụi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng nếu bỏ trần lãi suất các NHTM sẽ bùng lên cuộc chạy đua lãi suất như từng diễn ra trong năm 2008. Dù rằng trần 10,5%/năm hiện nay chỉ là hình thức, chẳng NH nào áp dụng đúng mức này, nhưng đây cũng là cái “neo” để các NH xoay quanh đó mà huy động. Và như vậy, ít nhiều cũng có tác dụng ổn định thị trường tiền tệ.
Theo một lãnh đạo NH, phấn đấu mãi mới cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận, nhưng giờ buông trần lãi suất huy động, thị trường dễ xảy ra lộn xộn. Khi đó để ổn định thị trường, NHNN không cho vay lãi suất thỏa thuận nữa, bắt quay về thực hiện theo đúng Luật Dân sự, “vòng kim cô” lại thắt chặt. Mặt khác, do các NH mới được áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản cho vay tiêu dùng và cho vay trung-dài hạn, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn - vốn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng - vẫn bị ràng buộc bởi trần lãi suất, nên nếu thỏa thuận lãi suất huy động, vô tình sẽ đẩy thiệt thòi về phía NH.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: “Có ý kiến lo ngại việc chuyển sang tự do hóa lãi suất là hơi sớm và hơi vội vàng. Thật ra, chúng ta đã tự do hóa lãi suất một thời gian rất dài, nhất là với lãi suất tiền gửi suốt từ năm 1998 đến năm 2008 (10 năm), lãi suất cho vay từ năm 2002 đến năm 2008 (6 năm). Trong quá trình này các NHTM có cơ hội cạnh tranh nhau để giảm lãi suất cho vay và kéo lãi suất huy động giảm xuống. Tự do hóa lãi suất là vấn đề cốt lõi nhất của toàn bộ chính sách tiền tệ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến nền tảng tài chính của các NHTM, mà ảnh hưởng đến ngay chính sách tiền tệ của NHNN. Đừng nghĩ rằng quản lý hành chính làm cho NHNN trở nên dễ dàng, mà chính quản lý hành chính làm cho các công cụ khác của các NHNN như nghiệp vụ thị trường, tái cấp vốn… bị hạn chế, không phát huy được tác dụng điều tiết thị trường”.
(Theo Mai Thảo // SGGP Online)
Eximbank gia nhập Liên minh thẻ Globepass Ngày 8-3, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố gia nhập Liên minh Globepass thông qua sự hỗ trợ của Công ty thẻ Sumitomo Mitsui Card Co., Ltd (SMCC). GlobePass là một liên minh toàn cầu của các ngân hàng phát hành và thanh toán thẻ, với trên 100 triệu chủ thẻ tại 12 ngân hàng thành viên của 11 quốc gia và lãnh thổ. Eximbank là ngân hàng duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên của liên minh GlobePass, được thực hiện các chương trình ưu đãi giảm giá giữa các đơn vị chấp nhận thẻ tại Việt Nam. Một trong những tiện ích mà “GlobePass” cung cấp đầu tiên cho chủ thẻ là chương trình “Giảm giá bán hàng cho nhau”. Theo đó chủ thẻ của thành viên GlobePass (có coupon - phiếu giảm giá in logo GlobePass) được hưởng các đặc quyền, như được chiết khấu, giảm giá mua hàng, nhận quà tặng… ở những đơn vị chấp nhận thẻ thành viên. Khi chủ thẻ có kế hoạch đi du lịch, mua sắm, chữa bệnh… tại 11 quốc gia và lãnh thổ trong Liên minh Globepass, có thể đăng nhập vào website của Eximbank và thực hiện theo các chỉ dẫn để lựa chọn, in ấn và mang theo các coupon để được hưởng các ưu đãi đặc biệt của các đơn vị chấp nhận thẻ tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ dự định viếng thăm. M.Thảo |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com