![]() |
Hơn 20 năm qua, FDI chiếm tỷ trong bình quân hàng năm 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Ảnh: Đức Thanh |
Trước thực trạng đó, đã có một số người trong khi thừa nhận tác động tích cực của đầu tư nước ngoài, đã nhấn mạnh mặt tiêu cực của FDI đến mức cần cảnh giác hơn với phương thức đầu tư này trong những năm sắp tới.
Các hiện tượng tiêu cực trên đây phản ánh mặt trái của kinh tế thị trường, ở đó lợi nhuận vừa là mục tiêu, vừa là động lực của hoạt động kinh doanh. Các nhà kinh tế học cổ điển đã chỉ ra quan hệ giữa lòng tham của con người với việc theo đuổi lợi nhuận cao nhất, siêu ngạch của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp; họ tìm cách lách luật, trốn thuế, lậu thuế, dùng bất kỳ thủ đoạn gì miễn là kiếm được lợi nhuận nhiều hơn. Đó chính là khiếm khuyết, méo mó của thị trường. Đó cũng là sự cần thiết khách quan của Nhà nước, bởi thị trường theo cơ chế tự điều chỉnh bằng “bàn tay vô hình”, cần có sự bổ sung bằng cơ chế điều chỉnh thông qua luật pháp và hệ thống cơ quan chức năng của Nhà nước.
Vì sao tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như từng xảy ra trên sông Thị Vải kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện, trong khi nước ta đã có khá nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương (?).
Vì sao tình trạng sử dụng đất trồng cây lương thực làm sân golf lan ra nhiều địa phương trong cả nước đến mức báo động rồi các bộ mới vào cuộc, trong khi an ninh lương thực luôn là một vấn đề hệ trọng của quốc gia (?).
Vì sao những dự án hàng tỷ USD đầu tư vào các ngành kinh tế xương sống của đất nước như sắt thép, lọc hóa dầu lại không được thẩm định trên cơ sở lợi ích quốc gia thông qua những tiêu chí khoa học, mà chỉ được một vài cơ quan địa phương không đủ năng lực tiến hành (?)...
Vấn đề chủ yếu là từ góc độ quản lý nhà nước để bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu năng bộ máy nhà nước trong việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành luật pháp, kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng tiêu cực trong đầu tư, kinh doanh.
Quản lý nhà nước không phải lúc nào cũng trong trạng thái bình thường, mà thường xuyên gặp phải những tình huống bất thường, lúc đó mới bộc lộ thật sự năng lực của bộ máy nhà nước bằng phản ứng chính sách thích ứng để đối phó với trạng thái mới của tình hình. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp có quan hệ hàng ngày với hoạt động đầu tư và kinh doanh trở nên rất quan trọng, phải phát hiện kịp thời các hành vi tiêu cực, trên cơ sở luật pháp chung có phương án xử lý thích hợp, phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tương tự.
Cũng như đối với những hoạt động kinh tế khác, khi nhận xét về FDI cần dựa trên luật pháp, chủ trương của Nhà nước, các cam kết trong các hiệp định đầu tư đa phương và song phương, đồng thời có quan điểm lịch sử và cách tiếp cận tổng thể để tránh các thiên kiến thiếu cơ sở khoa học.
Thời gian đầu khi “mở cửa” để thu hút vốn đầu tư quốc tế, nước ta quan tâm nhiều hơn đến số vốn đầu tư, đồng thời chú ý đến chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, do vậy, có rất nhiều dự án nhỏ dưới 1 triệu USD đã được cấp phép; vào lúc này do dự án còn ít, nên việc sử dụng đất cũng khá dễ dàng; mặc dù có chính sách chuyển giao công nghệ, nhưng cũng mới dừng lại ở một số hợp đồng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế đất nước đã phát triển ở cấp độ cao hơn nhiều so với trước, thì việc đánh giá FDI cũng phải thay đổi cho phù hợp với trạng thái mới.
Chất lượng và hiệu quả trở thành thước đo quan trọng nhất, dựa trên tiêu chí này thì FDI chưa đạt được kết quả mong đợi, với khoảng 50 tỷ USD vốn thực hiện do nước ngoài đưa vào Việt Nam (đã trừ khoảng 20% vốn trong nước), hàng năm các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước chưa đến 1,5 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng thu ngân sách, trong khi chiếm 19% GDP.
Trong hơn 20 năm, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra việc làm cho hơn 2 triệu người lao động, một con số quá ít so với nhu cầu việc làm cho 1,3 triệu người/năm của nước ta, vì thế cần phải nhanh chóng chuyển từ thế mạnh về dồi dào lao động với tiền lương thấp, sang lao động có tay nghề và trình độ kỹ thuật cao để lôi kéo các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư vào các dự án công nghệ, dịch vụ cao cấp.
Khi đất đai ngày càng khan hiếm, “tấc đất, tấc vàng”, thì việc sử dụng hợp lý và có hiệu quả đất đai trở thành một vấn đề lớn đối với FDI. Đáng tiếc là, việc một số địa phương đã “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” trên những diện tích hàng trăm, hàng ngàn ha nhưng không quan tâm đến tính hợp lý và các yêu cầu khác của đất nước, như an ninh lương thực. Các bộ cũng chưa có chỉ dẫn về tiêu chí cấp đất cho từng loại dự án, trong đó có mối tương quan giữa số vốn đầu tư trên 1 đơn vị diện tích đất, nên đã xảy ra hiện tượng khá tùy tiện trong cấp đất.
Chưa có cuộc điều tra toàn diện để đánh giá đúng công nghệ của các doanh nghiệp FDI, cho nên đâu đó vẫn nhận định chung chung chỉ là “công nghệ trung bình” như cách đây cả chục năm, không đánh giá theo ngành, sản phẩm dựa trên thực trạng tình hình. Trước đây, khi nói đến công nghệ, các cơ quan nhà nước chỉ quan tâm đến máy móc, thiết bị nhập khẩu phải 100% mới được sản xuất, nếu đã qua sử dụng phải bảo đảm các tiêu chuẩn của Việt Nam. Hiện nay, vấn đề công nghệ phải được đánh giá toàn diện hơn, nhất là gắn với định hướng của nền kinh tế các-bon thấp; các doanh nghiệp FDI trong từng ngành kinh tế đã tham gia vào việc tăng chất thải gây hiệu ứng nhà kính như thế nào trong vài thập niên vừa qua, chắc chắn họ là một tác nhân quan trọng; Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương đã có những quy định gì liên quan đến việc chuyển giao công nghệ gắn với FDI ít phát khí thải các-bon (?).
Cho dù cần đánh giá khách quan những khiếm khuyết trong hoạt động FDI, nhưng phải khẳng định rõ ràng rằng, FDI đã đóng vai trò quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược kinh tế - xã hội của nước ta; cả trong thời kỳ Việt Nam chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, FDI là điểm sáng nhất, năm 2009 và 2010, về cơ bản, vẫn duy trì được vốn thực hiện xấp xỉ năm cao nhất (năm 2008), trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2009 giảm rõ rệt so với năm 2008.
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội nước ta thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987 là luật đầu tiên theo cơ chế thị trường, cũng là dấu mốc quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện nước ta còn chịu sự cấm vận quốc tế, hoạt động ngoại thương vào lúc đó chủ yếu với các nước XHCN, còn sử dụng đơn vị rúp/đôla trong thống kê.
Ban đầu, các doanh nghiệp FDI là sự bổ sung cần thiết cho hoạt động đầu tư trong nước, tiến đến Đảng và Nhà nước đã coi là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế đất nước và năm 2005 đã ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (chung) để điều chỉnh đối với mọi loại hình doanh nghiệp và mọi hoạt động đầu tư. Đó là một bước tiến về nhận thức đối với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hơn 20 năm qua, FDI đã chiếm tỷ trong bình quân hàng năm 25% tổng vốn đầu tư xã hội, năm 2010 vốn FDI thực hiện khoảng 12 tỷ USD, trong đó khoảng 10 tỷ USD là vốn nước ngoài; tạo ra 45% giá trị sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều ngành mới như điện tử, tin học, lọc hóa dầu với công nghệ vào loại tiên tiến trong khu vực và thế giới, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu, thông qua FDI đã hình thành đội ngũ hàng vạn nhà quản lý, kỹ sư và công nhân có trình độ cao.
Quan trọng hơn cả chính là hoạt động FDI đã góp phần làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng và lối sống của người Việt Nam theo hướng tiếp cận với nền văn minh của nhân loại. Đó là mặt chủ đạo của FDI.
(Theo GS.TSKH Nguyễn Mại // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com