Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường biến động sau giải pháp chống đô la hóa

 Tuần qua là một tuần đầy biến động đối với thị trường ngoại tệ do những ảnh hưởng từ việc NHNN đã ban hành một loạt chính sách mới.

Cụ thể, lần đầu tiên, trần lãi suất huy động USD đã được NHNN áp dụng ở mức 3%/năm; đồng thời NHNN cũng đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2%.
 
Qua động thái này, NHNN đã đưa một thông điệp rõ ràng đến thị trường về quyết tâm chống đô la hóa một cách triệt để với lộ trình rõ ràng dựa trên sự kết hợp đồng bộ giữa nhiều biện pháp. Còn đối với mỗi người dân, doanh nghiệp, một câu hỏi được nhiều người quan tâm vào lúc này là nên hành xử như thế nào đối với những khoản tiền nhàn rỗi cả bằng tiền đồng lẫn ngoại tệ của mình.
 
Ngay sau khi quyết định áp dụng trần lãi suất huy động USD 3%/năm có hiệu lực, biểu lãi suất của các ngân hàng đã được thay đổi.  Như vậy lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD đã giảm khoảng gần 1 nửa so với trước đó.
 
So với mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng đang ở mức trần14%/năm, thậm chí còn lên đến 16-17%/năm, mức lãi suất tiết kiệm USD chỉ bằng 1/5 đến 1/6. Sự chênh lệch lớn về lợi ích kinh tế này là điều khiến mỗi người dân có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng phải suy tính.
 
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: “Nếu áp dụng các biện pháp này từ giờ đến cuối năm, người dân đã bắt đầu cảm thấy rằng lựa chọn tiền gửi bằng tiền đồng và vay bằng tiền đồng là tất yếu kinh tế, chứ không phải do ai ép buộc cả vì lợi ích của họ được đảm bảo hơn khi vay và gửi tiền đồng”.
 
Thử làm một phép tính: cùng một món tiền gửi có giá trị tương đương nhau. 10.000 USD và 210 triệu đồng. Với lãi suất tối đa là 3%/năm, sau 1 tháng, 10.000 USD chỉ sinh lợi khoảng 25USD (tương đương 525.000 đồng). Còn với lãi suất thấp nhất là 14%/năm, sau 1 tháng, 210 triệu đồng sẽ cho mức sinh lợi lên tới 2,5 triệu đồng. Như vậy, gửi VNĐ sẽ lợi gấp 5 lần so với gửi USD.
 
Như vậy, con số trên buộc những người đang nắm giữ USD phải suy tính và cân nhắc. Tuy nhiên, con số lãi chỉ có ý nghĩa nếu như mức tỷ giá hiện hành được giữ nguyên và ổn định. Thứ 2, đó là sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam được giữ vững. Có như vậy thì những người đang nắm giữ USD mới yên tâm dịch chuyển số USD mà họ đang nắm giữ sang VND.
 
Các phân tích trên cho thấy, dù có lợi từ việc gửi tiết kiệm tiền đồng, tuy nhiên người gửi tiền dường như vẫn đang phản ứng khá dè dặt. Trong vài ngày qua, động thái rút USD rồi chuyển sang VND tại 1 số ngân hàng đã xuất hiện nhưng chưa nhiều.
 
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Vốn và Kinh doanh vốn, Ngân hàng Đầu tư phát triển cho biết: “Dù chưa nhiều nhưng đã có một số động thái của những người nắm giữ USD chuyển sang VND tại ngân hàng chúng tôi”.
 
Tuy nhiên, một tác động tích cực nhận thấy rõ rệt nhất trên thị trường ngoại hối là các ngân hàng đã bắt đầu mua được USD từ người dân, đây vốn là điều rất hiếm thấy trước kia. Đơn cử tại Vietcombank, ngân hàng đứng đầu thị trường về kinh doanh ngoại tệ. Từ sau khi áp dụng trần lãi suất huy động USD, một số phòng giao dịch cho biết, có ngày họ đã mua được cả triệu USD từ người dân và doanh nghiệp.
 
Song, điều đáng nói nhất là vào những ngày cuối tuần này, tỷ giá USD trên thị trường tự do đã xuống thấp hơn tỷ giá trong các ngân hàng từ 25 đến 35 đồng/USD. Một điều chưa từng xảy ra trong 2 năm trở lại đây.
 
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm: “Khi áp dụng các biện pháp này, phần lớn các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư lớn cảm thấy đầu cơ ngoại tệ không có lợi nữa và găm giữ ngoại tệ không có lợi nữa, đặc biệt các ngân hàng thương mại”.
 
Không chỉ tác động đến thị trường ngoại hối, loạt giải pháp vừa qua cũng là mũi tên nhằm vào cái đích thứ hai là thị trường nội tệ. Có thể ví cơ chế tác động này như một cái đồng hồ cát. Nếu giao dịch USD bị hạn chế và không còn có lợi thì ắt ngoại tệ này sẽ được đổi ra tiền đồng.
 
TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt nói: “Tiết kiệm VND đang thực sự hấp dẫn. Sẽ đến lúc những người cầm USD chuyển hóa thành tiền đồng. Khi một lượng lớn USD được chuyển thành tiền đồng thì thanh khoản tiền đồng sẽ được cải thiện, không còn khó khăn”.
 
Một số ngân hàng cho biết, vài ngày gần đầy thanh khoản tiền đồng đang có dấu hiệu cải thiện chút ít. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất cho vay VND vẫn được nhận định là khá xa.
 
TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV nhận định: “Áp lực lạm phát còn lớn. Việc giảm lãi suất VND phụ thuộc lạm phát và một loạt chính sách như tỷ giá, cân đối mặt bằng lãi suất USD. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất hiện nay không nhiều”
 
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục đưa thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu chống đô la hóa mà Chính phủ đã đặt ra.

Một thông tin nữa mà người dân và doanh nghiệp cần quan tâm là việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do vào lúc này không chỉ rất khó khăn mà còn đầy rủi ro. Trong thời gian tới, sự khó khăn và rủi ro này sẽ còn cao hơn gấp nhiều lần, bởi ngoài việc bị bắt giữ, phạt tiền, khả năng bị tịch thu tiền, ngoại tệ có thể sẽ sớm trở thành hiện thực qua việc các cơ quan chức năng đang xem xét sửa đổi lại các văn bản pháp lý có liên quan.

(vtv)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Sẽ “xoá sổ” tình trạng đô la hoá?
  • Tái cấu trúc để tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường trái phiếu
  • Bối rối chọn kênh đầu tư
  • Tiếp tục hạ nhiệt thị trường ngoại hối
  • Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu?
  • Thả nổi lãi suất, tại sao không?
  • Quản lý ngoại hối của Việt Nam qua con mắt chuyên gia
  • Quản lý USD: “Thắt” bên nọ, sẽ “phồng” bên kia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!