Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (SacomBank) dự kiến phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu vào khoảng cuối quý 2, đầu quý 3/2009 |
Trong thời gian gần đây, vai trò của trái phiếu trong huy động vốn của các DN đã bắt đầu tăng lên, nhưng thị trường trái phiếu DN vẫn chưa được chú ý. Thống kê giao dịch trái phiếu cho thấy, thị trường này vẫn rất trầm lắng, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu công cụ mang tính đồng bộ.
Trong suốt giai đoạn từ 1994 - 2006, tổng số tiền DN huy động được thông qua phát hành trái phiếu DN chỉ đạt 1.772 tỷ đồng, thì từ khi có Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu có hiệu lực, số DN huy động vốn thông qua kênh này đã tăng lên đáng kể, với mức vốn huy động sau một năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực đã lên tới 16.000 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, khi việc huy động vốn thông qua ngân hàng hoặc phát hành mới cổ phần (đối với các Cty cổ phần) gặp nhiều khó khăn, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu lại được tập trung chú ý nhiều hơn.
Tuy nhiên, dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu của DN tính đến hết năm 2008 vẫn chỉ đạt khoảng 5,84% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. Thời gian gần đây, khi lãi suất huy động VND bắt đầu tăng trở lại, mức huy động trái phiếu DN lại tăng lên, trong đó gần đây nhất là trường hợp Cty CP Sông Đà Thăng Long có Nghị quyết Đại hội cổ đông về việc phát hành khoảng 20.000 đến 30.000 trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tương đương mức huy động vốn khoảng 200 đến 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cty CP FPT (FPT) dự kiến sẽ phát hành khoảng 1.800 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền mua cổ phiếu; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã được Ngân hàng nhà nước cấp phép phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, dự kiến phát hành vào quý1/2010; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (SacomBank) dự kiến phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu vào khoảng cuối quý 2, đầu quý 3/2009. Trước đó, một loạt DN cũng thực hiện phát hành trái phiếu như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) huy động 1.362 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm; Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu DN theo hình thức riêng lẻ...
Có thể nói, việc huy động trái phiếu giúp DN chủ động hơn trong việc quản lý chi phí vốn (do giảm thiểu phụ thuộc lãi suất ngân hàng), bên cạnh việc không làm pha loãng hiệu quả kinh doanh (do không phải phát hành thêm cổ phiếu). Tuy nhiên, việc huy động vốn theo hình thức này vẫn gặp một số khó khăn do thị trường sơ cấp của trái phiếu chưa thực sự phát triển. Theo thống kê tại HoSE, tổng số trái phiếu doanh nghiệp niêm yết tại sàn này là hơn 14.000 tỷ đồng, vẫn rất khiêm tốn, và mức giao dịch đạt thấp, dao động chủ yếu trong khoảng 200 đến 300 tỷ đồng/tháng, cá biệt có 2 tháng là 5/2009 và tháng 10/2008, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, trái phiếu chuyển đổi của DN, nhất là các DN niêm yết vẫn chưa được chú ý niêm yết/giao dịch nhiều, dù rõ ràng trái phiếu này có thể biến động giá nhiều do ảnh hưởng của giá cổ phiếu niêm yết.
Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu sôi động trên thị trường thứ cấp trái phiếu DN chủ yếu nằm ở ba vấn đề: thông tin DN, thiếu một tổ chức định mức tín nhiệm DN và DN chưa chủ động niêm yết trái phiếu để tạo thuận lợi cho giao dịch. Thực tế cho thấy, trái phiếu chính phủ luôn được giao dịch với mức lợi suất thấp hơn so với các hình thức trái phiếu DN khác nhưng vẫn thu hút đáng kể sự chú ý của nhà đầu tư, là do yếu tố rủi ro thanh toán được giảm thấp, và trái phiếu luôn được niêm yết (trên HASE). Nếu mỗi DN khi phát hành trái phiếu có được sự bảo lãnh/ sự đánh giá tín nhiệm của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín thì chắc chắn, mức lãi suất huy động sẽ được điều chỉnh giảm đáng kể.
Ông Hoàng Huy Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV),Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu VN: Cơ hội đầu tư dài hạn cho DN Gần đây có nhiều cuộc phát hành trái phiếu không thành công có thể do nhiều nguyên nhân, do các nhà kinh doanh trái phiếu chưa kỳ vọng vào thị trường này, và trong giai đoạn vốn cũng khó khăn bởi ảnh hưởng của thời kỳ khủng hoảng. Chính vì vậy, việc tậphợp các DN để giúp DN đủ điều kiện, năng lực để tham gia, tính toán cân đối có một thị trường sơ cấp để dảm bảo cho các cuộc phát hành trái phiếu thành công, đảm bảo thanh khoản cho các thành viên trên thị trường là điều cần thiết. Chính phủ có Nghị định 52 quy định về việc DN phát hành trái phiếu, và phát hành trái phiếu DN sẽ có khoản tiền đầu tư trung hạn, thậm chí nếu thị trườngtốt có thể đầu tư dài hạn (trên 5 năm). Các Cty CP hoàn toàn có đủ điều kiện phát hành trái phiếu với điều kiện đáp ứng được điều kiện các nhà tư vấn bảo lãnh phát hành đưa ra, bảo đảm việc phát hành trái phiếu đầu tư đưa vào các dự án có hiệu quả. Ông Lê Đức Thọ - Trưởng phòng Đầu tư VietinBank : Cần có cơ chế bảo vệ NĐT trái phiếu Thị trường trái phiếu của VN vẫn mới ở giai đoạn đầu phát triển với các hạn chế như tỷ lệ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong tổng giá trị GDP của VN còn thấp so với các nước trong khu vực (tính tới cuối năm 2008, tổng lượng trái phiếu lưu hành của VN chỉ bằng 14,2% DGP, so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan: 52,4%, Philippines 34,2%, Singapore 66,8%). Hiện, hàng hoá chủ yếu chiếm tỷ trọng tuyệt đối trên thị trường trái phiếu là trái phiếu Chính phủ, đây chính là sự phát triển chưa đầy đủ của thị trường. Tất nhiên, các DN muốn phát hành trái phiếu thành công cần rất nhiều yếu tố, như hệ thống luật pháp hoàn chỉnh để bảo vệ các nhà đầu tư (NĐT) khi đầu tư vào trái phiếu DN hạn chế được rủi ro. Đối với trái phiếu DN, NĐT rất quan tâm đến khả năng thanh toán của các chủ tài khoản, tức là rủi ro tính trên cổ phần, thì cần có cơ chế, cách thức nào đó để các nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ hơn, và các DN phát hành có thể công bố một cách đầy đủ và minh bạch hơn các thông tin cho các NĐT. |
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com