Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế, điều đó đòi hỏi năng lực đầu tư vào hạ tầng và sản xuất. Thế nhưng, sự đầu tư thiên lệch đã khiến Việt Nam đối mặt với khủng hoảng thừa dự án.
Có 2 kiểu thừa. Một kiểu là cũng đầu tư vào sản xuất, nhưng lại đầu tư vượt quá khiến cung vượt quá cầu. Kiểu thừa thứ hai là đầu tư quá nhiều vào “ăn chơi”, trong khi VN chưa phải là... xã hội “ăn chơi”. Việc thừa dự án thép và sân golf là ví dụ.
Khủng hoảng thừa dự án thép
Thép là nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng - nhất là cho VN, một đất nước đang trong quá trình CNH - HĐH với tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Thế nhưng việc cấp phép cho quá nhiều dự án thép, cấp phép dự án ngoài quy hoạch đã khiến cho VN chưa phải là nước công nghiệp nhưng đã thừa thép và dự án thép. Đối với sản lượng thép, hiện nay con số thừa đã là khoảng 2,67 triệu tấn. Nhưng điều đáng nói hơn là từ nay đến cuối năm 2011, khủng hoảng thừa sẽ còn tiếp tục gia tăng khi một số dự án có công suất từ 250.000 - 500.000 tấn/năm đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, vấn đề đang được báo động đỏ là nguy cơ khủng khoảng lớn hơn về sự dư thừa các dự án thép. Mặc dù từ lâu, Hiệp hội Thép VN (VSA) đã liên tục cảnh báo về khả năng dư thừa công suất sản xuất thép, dư thừa dự án thép, song tại các địa phương hàng loạt các dự án thép vẫn được cấp phép. Điều đáng nói là các dự án thép này lại nằm ngoài quy hoạch chung cho sự phát triển mang tính hệ thống. Đến nay, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, trong khi đó, tổng tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức 6,32 triệu tấn/năm.
Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của TCty Thép VN quản lý). Trong đó, có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và điều đáng nói là trong số các dự án trên, chỉ có 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, các dự án này cũng chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương.
Trong khi đó, theo quy định thì những dự án trên 1.500 tỉ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn những dự án dưới 1.500 tỉ đồng phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương.
Quá nhiều sân golf
Có nét tương đồng như dự án thép, các dự án sân golf cũng đang nở rộ trên toàn quốc. Theo tính toán của các cơ quan quản lý thì hiện nay, VN đã có tới 27 sân golf ngoài danh mục quy hoạch và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Tuy nhiên, nếu chưa tính tới 27 sân golf “thừa” này thì con số 90 sân golf và dự án sân golf theo quy hoạch đã được phê duyệt thì cũng là con số quá nhiều.
Theo phân tích của các chuyên gia thì VN có hơn 60 tỉnh, thành phố có quy hoạch sân golf; tuy nhiên đa số các tỉnh thuộc diện nghèo hoặc cỡ trung bình và hoàn toàn chưa có nhu cầu về sân golf. Thế nhưng ở một số ít tỉnh, thành phố, việc mỗi địa phương có tới vài sân golf, thậm chí hơn chục sân golf thì quả là quá thừa thãi.
Theo phân tích này thì chỉ nhìn vào con số đã thấy khủng khoảng thừa. Thế nhưng vấn đề thiếu năng lực thực hiện những dự án sân golf này cũng khiến cho VN đối mặt với sự lãng phí. Theo Bộ KHĐT thì đến nay, thực chất cũng mới chỉ có 24 sân golf đưa vào khai thác. Đặc biệt trong 59 dự án đã có quyết định thu hồi đất, hiện có tới 46/59 dự án xây dựng chậm tiến độ, hồ sơ về đất chưa đúng với thực tế sử dụng, xây sân golf khi quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt...
Đáng lưu ý hơn là nhiều dự án “vẽ” lên, kết hợp với BĐS rồi chiếm diện tích đất quá lớn đã khiến cho một lượng tài nguyên đất không nhỏ mất cơ hội canh tác, sản xuất hay cho những dự án khả thi và đúng hướng. Ví dụ như dự án ở Tam Nông (Phú Thọ) 2.069ha nhưng diện tích xây dựng sân golf chỉ có 171ha; khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có diện tích 1.204ha, trong đó diện tích sân golf 222ha; khu du lịch - đô thị sinh thái hồ Quan Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội) có tổng diện tích 1.730ha, trong đó sân golf chỉ có 161ha...
Hệ lụy
Từ những phân tích trên cho thấy, đối với các dự án sân golf, việc chiếm đất quá nhiều nhưng không thực hiện được dự án cũng khiến lượng tài nguyên đất lớn không được canh tác, hay sử dụng có hiệu quả cho các mục đích khác. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều sân golf xây dựng lên rồi... không có người chơi, hoặc ít có người chơi... cũng khiến nguồn lực tài chính bị lãng phí hoặc không hiệu quả. Ngoài ra còn tác động lâu dài về mặt xã hội.
Tương tự với khủng hoảng thừa hiện nay, ngành thép đang phải đối mặt với hàng loạt rủi ro cả về giá cả, sự cạnh tranh và nhất là sự lãng phí đầu tư quá lớn. Việc sản xuất thép ra rồi tồn kho, ứ đọng sẽ gây những lãng phí và thiệt hại trước mắt cho chính các DN, nhưng sâu xa hơn thì khủng hoảng thừa này sẽ còn tác động lâu dài. Rõ ràng là việc thừa dự án đã gây ra sự lãng phí nguồn lực đầu tư. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân của sự nhập siêu thiết bị, máy móc.
Các chuyên gia cho rằng, trong khi VN rất cần vốn đầu tư cho hạ tầng, phát triển đồng bộ thì sự đầu tư lệch này đã khiến dòng vốn cho các lĩnh vực khác bị khan hiếm, hạn chế hoặc không phát huy hiệu quả đầu tư. Mặt khác, việc có quá nhiều dự án thép còn gây ra lãng phí tài nguyên đất xây dựng nhà máy, kho bãi. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc VN cần có những chính sách để chấn chỉnh kịp thời, ngăn chặn hữu hiệu kiểu khủng hoảng thừa và đầu tư thiên lệch này.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com