Mức vay tín chấp đối với khu vực sản xuất nông nghiệp – nông thôn được tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước đây, song với những vướng mắc bắt nguồn từ thủ tục vay, vốn về tay người dân vẫn còn nhiều gian nan.
Rộng cửa tín dụng
Với Nghị định 41 mới đây thay thế cho Quyết định 67 của Chính phủ được ban hành cách đây hơn 10 năm, khu vực sản xuất nông nghiệp – nông thôn bao gồm nông dân, hộ sản xuất, hộ kinh doanh cho đến các hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay vốn từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Điểm đáng lưu ý nhất, mức vay tín chấp theo chính sách tín dụng mới tăng tới 5 lần so với trước đây, từ 10 triệu đồng lên tới 50 triệu đồng. Trong trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng, tổ chức tín dụng (TCTD) có thể kéo dài thời gian khoanh nợ cho người vay tới 2 năm.
Hạn mức tín dụng được mở rộng, theo nhiều ý kiến, sẽ đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất và kinh doanh của người dân với biên độ rộng hơn, diện tiếp cận vốn cũng được mở rộng hơn. Song các băn khoăn nhiều nhất lại xuất phát từ tính khả thi của việc mở rộng hạn mức cho vay cũng như khả năng đáp ứng vốn của các ngân hàng.
Thực tế nhu cầu vốn tín dụng cho khu vực sản xuất nông nghiệp – nông thôn ngày càng tăng và tăng mạnh trong một vài năm gần đây. Một con số thống kê được NHNN đưa ra cho thấy, dư nợ cho vay nông nghiệp – nông thôn từ mức 34.000 tỉ đồng năm 1998 tăng lên gần 316.000 tỉ đồng thời gian gần đây, tương đương tới 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Chưa hết, theo như đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT – ông Cao Đức Phát, tăng trưởng của ngành nông nghiệp có liên hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng tín dụng. So sánh cho thấy, nông nghiệp cần có 6% tăng trưởng tín dụng để được mức tăng trưởng 1%. Như vậy, đảm bảo tăng trưởng 4% hàng năm cho sản xuất nông nghiệp, tăng trưởng tín dụng phải đạt mức 24%/năm.
Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, hiện nguồn vốn cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa. Song hạn chế về vốn sẽ xuất hiện nếu muốn tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh và xây dựng nông thôn mới. Chiếm tới 70% tỉ trọng dư nợ vay nông nghiệp – nông thôn nhưng TGĐ Agribank – ông Phạm Thanh Tân cũng thừa nhận, nguồn vốn của ngân hàng vẫn còn hạn chế nếu so với nhu cầu vốn ngày càng tăng mạnh của khu vực sản xuất này. Chưa nói đến trình độ của cán bộ ngân hàng địa phương vẫn còn hạn chế.
Vướng ở thủ tục
Người dân có tiếp cận được vốn hay không khi hạn mức được nới rộng ra và ngân hàng sẽ lấy ở đâu cho đủ vốn hiện là những băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo các địa phương cũng như lãnh đạo Hội Nông dân VN. Thủ tục vay vốn còn nhiều điểm vướng lại là một khó khăn khác.
Chủ tịch Hội Nông dân VN – ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, cho người dân vay tín chấp nhưng phải nộp giấy chứng nhận sử dụng đất thì cũng khác gì thế chấp. Giấy tờ về đất cũng có nhiều loại song phổ biến ở nông thôn là loại đất sản xuất thời hạn đến năm 2013. Hết hạn đất trên giấy tờ đồng nghĩa với việc người dân không thể tiếp cận được vốn. Chưa kể tại khu vực nông thôn, tỉ lệ cấp giấy chứng nhận thổ cư hay đất ở so với giấy phép cho đất sản xuất còn hạn chế.
Với nhóm các HTX và chủ trang trại, dù được vay tối đa 500 triệu đồng, song tiêu chí như thế nào để xác định chủ trang trại đủ điều kiện vay cũng như cấp nào chứng nhận các điều kiện này theo như một số ý kiến vẫn chưa được hướng dẫn. “Các HTX lấy chứng nhận đất nào để có thể vay được 500 triệu đồng cũng là một câu hỏi” – ông Nguyễn Quốc Cường nói.
Do vậy để DN và người dân sớm tiếp cận được vốn vay, các tiêu chí về giấy tờ sử dụng đất đủ điều kiện nộp cho ngân hàng cũng như trang trại hay HTX nào đủ điều kiện vay vốn cần được xác định cụ thể. Các giải đáp sẽ tùy thuộc vào các cơ quan liên quan lúc này như Bộ TNMT, Bộ NNPTNT cũng như vai trò của NHNN.
( Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com