Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tình trạng ngoại tệ hóa và cuộc chiến bảo vệ giá trị Việt Nam Đồng

Lao động xuất ngoại - Gian nan đổi tiền

Nhiều năm nay, Chính phủ có nhiều văn bản pháp quy cấm việc niêm yết giá hàng hóa, thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam bằng ngoại tệ. Nhưng thực tế, tình trạng đô la hóa vẫn đang len lỏi khắp ngõ ngách của cuộc sống.

Để có USD nộp cho các Cty XKLĐ, nhiều lao động phải mướt mồ hôi - tinkinhte.com
Để có USD nộp cho các Cty XKLĐ, nhiều lao động phải mướt mồ hôi - Ảnh: Phạm Yên

Lâu nay tình trạng đô la hóa diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ). Do đối tượng của những doanh nghiệp này chủ yếu là nông dân, nên khi phải nộp USD nó như sự thách đố với người lao động...

Năm 2009, cả nước có khoảng 60.000 người đi XKLĐ, với yêu cầu phải nộp tiền đặt cọc, phí bằng USD, sẽ có hàng chục ngàn LĐ phải ra chợ đen đổi từ VND sang đô la. Điều này lý giải một phần, vì sao các chợ đen bán USD tại những thành phố lớn luôn sôi động.

* Theo Thông tư của Bộ Công Thương quy định chi tiết về xử phạt hành chính các hành vi niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ là vi phạm về niêm yết giá.

Ngoài phạt tiền 20 – 30 triệu đồng, đơn vị vi phạm còn bị tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận kinh doanh, hoặc tước giấy phép kinh doanh vô thời hạn nếu vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy công khai trường hợp nào bị xử phạt vì niêm yết giá bằng USD.

Chị Vương Thị L. (xã Ngọc Động, Thông Nông, Cao Bằng) đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia, theo chương trình dành cho đối tượng nghèo. Khi nhận được thông báo nộp tiền của doanh nghiệp, chị cứ lúng túng mãi, vì trong thông báo, họ yêu cầu chị nộp các khoản phí bằng USD.

Lâu nay, ngay cả tiền Việt Nam chị cũng ít được cầm đủ loại, nói gì đến USD. Phải chạy đến nhà chủ tịch xã hỏi, chị mới biết USD tiền của Mỹ. Chị đành ôm hơn 20 triệu đồng xuống Hà Nội để đổi USD.

Kể về chuyện đi đổi tiền, L. vẫn chưa hết ái ngại: “Lần đầu tiên mang nhiều tiền, em vừa lo vừa sợ. Em đi hết phố này đến phố khác mà không dám mở miệng hỏi chỗ đổi tiền vì sợ kẻ xấu.

May có người mách cho phố gần chợ Hàng Da có đổi ngoại tệ nên mới có USD đóng cho Cty. Cũng may họ không đổi tiền giả cho mình, chứ nếu họ lừa đổi tiền giả cũng chịu vì có biết tiền USD là thế nào đâu” - Chị L. nói.

Anh Nguyễn Văn Phúc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa trở về từ Đài Loan. Để sang Đài Loan, anh Phúc phải nộp cho Cty 7.000 USD (gồm phí xuất cảnh và tiền đặt cọc). Giá USD tại thời điểm anh Phúc đóng cho Cty là 16.400 VND/USD nên anh phải mang hơn 120 triệu đồng xuống phố huyện đổi.

“Ở huyện nghèo này, việc đi đổi tiền không phải dễ, bởi cả thị trấn chỉ có một vài tiệm kinh doanh vàng bạc nhận đổi tiền Việt sang USD” - Anh Phúc nói.

Theo anh Phúc, nhiều lao động khác đi Đài Loan cùng đợt đều phải đổi sang USD khi nộp lệ phí và tiền đặt cọc cho Cty XKLĐ.

Cty XKLĐ Thương mại và Du lịch (Sovilaco) thuộc Bộ LĐ-TB&XH (số 1 Phổ Quang, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho đăng các thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang web của mình, trong đó ghi rõ chi phí xuất cảnh và tiền đặt cọc mà lao động phải đóng đều bằng USD.

Cụ thể, trong thông báo số 53, ngày 1-2-2010, về việc tuyển vệ sỹ đi làm việc tại UAE ghi rõ: đặt cọc 550 USD; chi phí xuất cảnh 2.400 USD.

Trong thông báo tuyển lao động đi làm bảo vệ tại Macau cũng ghi: chi phí phải nộp 2.250 USD. Thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Đài Loan, Cty này cũng ghi rõ chi phí phải nộp khoảng 5.000 USD...

Cty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) trực thuộc Bộ GT-VT, trong các thông báo tuyển dụng lao động cũng ghi rõ các khoản phí lao động phải nộp bằng USD.

Chẳng hạn, thông báo Chương trình thực tập, làm việc và du lịch Mỹ ghi rõ phí chương trình 1.850 USD/ sinh viên.

Các Cty XKLĐ khác như: Cty Cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Hợp tác lao động (Oleco); Cty Cổ phần Simco Sông Đà (Simco SDA); Trung tâm XKLĐ TTLC- Vinamotor; Cty Inmasco... cũng đều làm tương tự.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH: Phải để lao động đóng phí bằng VNĐ

Ông Đoàn Đại Thành - Giám đốc Cty Sona cho rằng, tỷ giá USD hay biến động. Hơn nữa, việc thanh toán cho đối tác nước ngoài phải bằng ngoại tệ nên các Cty XKLĐ ra thông báo lao động phải đóng bằng USD cũng là dễ hiểu.

Nếu thu phí bằng tiền Việt, không may tỷ giá tăng, Cty sẽ không có tiền để bù cho đối tác. Vả lại, nếu không thu bằng USD thì doanh nghiệp cũng phải đi đổi tiền để nộp cho đối tác.

Đại diện Cty Inmasco cho rằng, doanh nghiệp thu USD nhưng không bắt buộc lao động phải nộp bằng USD. Họ có thể nộp tiền Việt nhưng phải tính theo tỷ giá ngân hàng niêm yết tại thời điểm nộp.

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì lý giải: Các Cty XKLĐ thông báo thu phí xuất cảnh bằng USD chỉ để so sánh các công việc người lao động phải làm ở nước ngoài chứ không hề bắt buộc người lao động phải đóng bằng USD.

Ông Hải khẳng định, Cty XKLĐ nào bắt buộc lao động đóng các khoản phí bằng USD là vi phạm pháp luật. “Phải cố gắng để lao động nộp phí bằng VND theo tỷ giá” -  Ông Hải nói.


Pháp luật 'tiếp tay' đô la hóa
 

Tìm hiểu pháp luật về quản lý ngoại hối, chúng tôi (PV báo Tiền Phong) phát hiện: Lâu nay, chính quy định của pháp luật về vấn đề này đã tiếp tay cho tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Khách hàng rút ngoại tệ tại ngân hàng. - tinkinhte.com
Khách hàng rút ngoại tệ tại ngân hàng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Gửi gì được rút nấy

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần tâm sự với phóng viên: “Gia đình tôi đã 10 năm nay, mỗi khi có nguồn tiền thu về từ kinh doanh hay bán bất động sản, tôi đều chọn cách chuyển sang USD để gửi, bởi việc găm giữ USD là giải pháp an toàn nhất so với vàng hoặc tiền đồng, nhất là trong thời điểm lạm phát tăng cao...” .

Còn chị Thanh, một cán bộ công chức công khai thừa nhận: “Từ lâu tôi chỉ giữ hai thứ là đô la Mỹ và vàng. Tôi lúc nào cũng có sẵn khoảng 5 số điện thoại, chỉ cần gọi điện là sẽ có người mang USD đến bán ngay”. Hỏi nếu lãi suất tiền gửi USD xuống thấp hơn so với gửi VND, chị sẽ gửi tiền gì? Chị khẳng định vẫn chọn giữ USD.

Trưởng một phòng giao dịch tại Hà Nội của Ngân hàng BIDV cho hay:  Tại phòng giao dịch này, hiện có khá đông khách hàng chọn gửi USD thay vì VND.

“Ngay cả cuối năm 2007, khi lãi suất tiền đồng được đẩy lên tới ngưỡng 19%/năm, trong khi lãi suất huy động USD chỉ vài phần trăm, họ vẫn chọn gửi USD. Tâm lý này những tháng qua không thay đổi. Đa số đều chọn chuyển từ VND sang USD hoặc vàng. Lý do chủ yếu vẫn bởi người dân e ngại biến động của tỷ giá”- Vị này cho biết.

Lâu nay, khá nhiều người đã chọn cách mua USD để gửi ngân hàng. Bởi thực tế, theo họ, đó là cách lựa chọn an toàn và thông minh. Gửi USD không chỉ vì so sánh thiệt hơn về lãi suất, mà vì độ an toàn cao, bởi khi gửi loại tiền gì được ngân hàng cho rút bằng tiền đó.

Theo một số chuyên gia, ở đây các ngân hàng vô hình trung đã tiếp tay cho tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Hỏi giám đốc một ngân hàng, ông cho biết: Việc các ngân hàng cho phép khách hàng gửi tiền gì được rút tiền đó không có gì sai, bởi chính tại khoản 2, điều 24 Pháp lệnh ngoại hối qui định rõ: “Người cư trú là công dân VN được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt”.

“Chính quy định trên là một trong những nguyên nhân làm giá tăng tình trạng đô la hóa nền kinh tế tại Việt Nam, đồng thời phần nào khuyến khích người dân cất giữ USD”- Vị chuyên gia trên bình luận.

Ông phân tích, nếu buộc người gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, khi rút phải quy đổi để nhận VND thì sẽ không xảy ra chuyện người dân chạy đôn đáo đi mua ngoại tệ ở chợ đen để gửi tiết kiệm, cũng không xảy ra chuyện khan hiếm ngoại tệ ở các ngân hàng như cuối năm 2009.

Sửa pháp lệnh ngoại hối

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhớ lại: Ngày xưa, thời lâu lắm rồi, có quy định gửi ngoại tệ buộc phải rút ra bằng tiền đồng.

“Khi đó tồn tại song song cả tỷ giá kết toán nội bộ và tỷ giá quy đổi thanh toán và tỷ giá cho khách hàng bao giờ cũng cao hơn nhằm khuyến khích. Đúng là việc quay trở lại quy định cho phép gửi và rút bằng ngoại tệ cũng tạo ảnh hưởng tới thực tế đôla hóa”. Nhưng có một cái khó, theo bà Hà, nếu không, chúng ta sẽ không khuyến khích được kiều hối?

Cũng chính quy định trên dẫn tới nhà nhà mua, găm giữ đô la, ngay cả các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cũng săn đô la, hoặc nếu có họ cũng không muốn bán cho ngân hàng.

Trong điều kiện tỷ giá USD/VND tăng lên, hiện tượng di chuyển từ tiền gửi VND sang tài sản ngoại tệ sẽ xảy ra và gây cản trở cho hoạt động của các NHTM và hệ thống doanh nghiệp bởi tình trạng mất cân đối bảng cân đối tài sản của hệ thống NHTM.- TS Tô Kim Ngọc - Học viện Ngân hàng

Nói về nguyên nhân giữ USD khi có nguồn thu ngoại tệ, ông Dương Chí Kiên, giám đốc một Cty xuất khẩu mỹ nghệ lý giải: Cty chúng tôi ngoài xuất khẩu mỹ nghệ còn song song cả nhập khẩu thiết bị y tế. Thay vì trông vào ngân hàng, chúng tôi phải tự cân đối nên phải giữ USD đề phòng.

Có nên sửa Pháp lệnh ngoại hối, theo hướng quy định gửi ngoại tệ phải rút bằng nội tệ? Theo bà Trâm, cán bộ lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối từng bôn ba cả NH quốc doanh lẫn cổ phần phân tích: Đây là điều cơ quan quản lý và các nhà làm luật nên nghiên cứu, bởi nó có thể sẽ giảm dần được tỷ lệ đô la hóa. 

Mâu thuẫn?

Một mặt Pháp lệnh ngoại hối (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13-12-2005 và có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2006) cho phép người gửi ngoại tệ được rút bằng ngoại tệ, mặt khác cũng chính pháp lệnh “Nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam; hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tại Việt Nam”.

Lãnh đạo một chi nhánh Viettinbank phân tích: “Thực ra việc người dân gửi USD vào ngân hàng và ngân hàng cho người dân rút ra bằng USD cũng là một giao dịch, thanh toán. Bởi thế, trong trường hợp này, những quy định trên trong Pháp lệnh ngoại hối là mâu thuẫn, đá nhau.

Cũng theo cán bộ trên, việc cho phép người dân gửi gì rút nấy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hỗn loạn, khó kiểm soát thị trường ngoại tệ.

Trong cơn lốc chạy đua mở các chi nhánh, phòng giao dịch, đa số hợp đồng thuê mặt bằng của các ngân hàng với tổ chức hoặc người dân đều được tính bằng giá USD, thậm chí thay vì chuyển khoản sang VND theo tỷ giá, nhiều ngân hàng dễ chấp thuận yêu cầu khi gia chủ đòi trả bằng ngoại tệ.  

Đô la hóa ngày càng tăng

Mức độ USD hóa của nền kinh tế được tính bằng tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FDC/M2). Tỉ lệ FDC/M2 của VN lúc lên cao, lúc hạ thấp, đến năm 2004 là gần 24% (trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia...chỉ khoảng 7-10%). Trong khi đó theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) thì tỉ lệ này trên 30% là bị USD hóa trầm trọng.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước năm 2010 sẽ giảm tỷ lệ này xuống còn 15%. Tuy nhiên, những năm qua, lượng tiền gửi tuyệt đối bằng USD tại các ngân hàng đã không ngừng tăng lên hệ thống ngân hàng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.



Chống đô la hóa, bảo vệ giá trị VND
 

Luật cấm nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn ngang nhiên tích trữ hoặc buôn bán đô la. Chống đô la hóa, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế đã đề xuất cần áp dụng biện pháp hành chính triệt để. Bên cạnh, có thể hình thành Quỹ dự trữ Quốc gia nguồn thu ngoại tệ. 

Mua bán đô la vẫn  diễn ra ở tiệm vàng - tinkinhte.com
Mua bán đô la vẫn diễn ra ở tiệm vàng  - Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa ông, trong khi ở đa số các nước, hành vi tiêu ngoại tệ bị xem là phạm luật, còn ở Việt Nam dù pháp luật cấm nhưng thực tế từ thanh toán khám chữa bệnh, đi lao động nước ngoài,  du lịch, mua bán nhiều loại hàng hóa đều bằng USD?

Một hệ thống tài chính tiền tệ độc lập là không bị ngoại tệ hóa. Ở đó, gần như chỉ có một tỷ giá tương ứng với một đồng tiền trong cùng thời điểm. Điều này tương ứng với việc toàn bộ ngoại tệ đi vào nước đó phải được đổi ra tiền nội tệ.

 TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế

Tại các nước như Thái Lan, Singapore, Indonesia, dù ngoại tệ có vào bằng nhiều nguồn nhưng họ vẫn buộc dân tuân thủ việc chi tiêu bằng đồng nội tệ, pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, do ý thức chưa tốt nên tình trạng sử dụng đôla vẫn khá phổ biến.

Một nền kinh tế bị đô la hóa, hệ quả là sẽ lấn át đồng nội tệ. Nếu nền tiền tệ không độc lập sẽ dẫn đến kinh tế dễ bị tổn thương, rồi gây nên lạm phát.

Phải chăng một nguyên nhân quan trọng dẫn tới đô la hóa nền kinh tế là do tâm lý tiêu dùng, tích trữ USD của dân, doanh nghiệp, bởi  người ta e ngại tiền đồng mất giá?

Có một thực tế ở Việt Nam là nhiều năm qua, dù ý thức về việc chống đô la hóa rất được Chính phủ và NHNN coi trọng, nhưng vẫn có nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát.

Ví như ngoài thị trường hiện có bao nhiêu USD, nguồn ra - vào thế nào? Rồi nguồn tiền USD không gửi tại các NHTM mà hiện cất giữ trong dân bởi có phải ai cũng đem đến ngân hàng để cất đâu.

Tình trạng đô la hóa gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại thị trường ngoại tệ. Bên cạnh đó, đô la hóa làm giảm nhu cầu phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường ngoại hối... doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, về cơ bản và lâu dài, Việt Nam sẽ chỉ tiêu tiền đồng như các nước khác, chứ không có chuyện USD vào, ra, USD chợ đen. Trước mắt chưa thể xóa đi hai tỷ giá nhưng việc cần làm là kéo nó sát lại cho hợp lý. 

Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý việc quản lý giá trị của đồng tiền, giá trị sức mua, bảo quản tích trữ, khả năng chuyển đổi của nó.

Để chống đôla hóa hiệu quả, theo ông cần tăng thêm những biện pháp gì?

Hai biện pháp thường được áp dụng để chống lại tình trạng đô la  hóa nền kinh tế là: Quản lý chặt tỷ giá và hình thành Quỹ dự trữ ngoại tệ Quốc gia để Ngân hàng trung ương có thể liên tục “bơm” tăng - giảm ngoại tệ.

Cụ thể ở đây, phải quản lý hành chính tuyệt đối chính sách ngoại hối, chính sách tỷ giá. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được phép lưu thông duy nhất VND.

Đặc biệt, nên tiến tới phát triển thị trường chỉ có một tỷ giá, không nên và không cho phép tồn tại cái gọi là thị trường không có tổ chức (chợ đen- PV).

Ngoài ra, phải quản lý hành chính về tín dụng. Không nên huy động ngoại tệ gửi mà chỉ nên huy động dưới hình thức trái phiếu. Đặc biệt, tiến tới không có tín dụng vay ngoại tệ. Có thể sử dụng dịch vụ kho quỹ tại các NHTM cho người dân có tiền cất giữ USD như cất giữ kim cương, vàng bạc...

Chính phủ nên giao cho NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật như giao: Bộ Công an cấm và xử lý mạnh tay hành vi mua- bán ngoại tệ chui.

Theo kinh nghiệm từ các nước, với cơ quan có nguồn thu từ ngoại tệ lớn như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB &XH cần đưa về một mối quản lý là Ngân hàng Trung ương, từ đó hình thành Quỹ dự trữ Quốc gia nguồn thu ngoại tệ.

Đồng thời, cần quy định rõ: Doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ về phải bán lại cho Ngân hàng Thương mại.

Cảm ơn ông.



 


 

( Tác giả: Phong Cầm // Theo Tienphong Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Rốt ráo tất toán tài khoản vàng
  • Sàn vàng khó tìm hướng mới
  • Ngành chế tác Vàng trang sức VN : Yếu sức cạnh tranh
  • Trung Quốc trở thành thị trường đầu tư bất động sản lớn nhất thế giới
  • Khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp: Nguyên nhân là bệnh thành tích
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Độ vênh tín dụng và bài toán ngân sách
  • Bỏ trần lãi suất huy động, thị trường tiền tệ có thể rối loạn'
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!