Doanh nghiệp và ngân hàng đang cần không chỉ một cơ chế lãi suất thỏa thuận hoàn toàn, tức là áp dụng cho mọi khoản vay không kể kỳ hạn dài, ngắn, để dòng vốn lưu thông, mà còn là một mặt bằng lãi suất tương đối thấp khoảng 12-13%/năm để phát triển sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2010. Việc đáp ứng cả hai nhu cầu chính đáng ấy đều nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngân hàng có thực thừa vốn? NHNN cho biết trước Tết các ngân hàng thừa 13.000 tỉ đồng vốn khả dụng và hiện con số đó tăng lên 30.000 tỉ đồng (nguồn: website NHNN, Thông cáo báo chí ngày 2-3-2010: Điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng hai tháng đầu năm và giải pháp thời gian tới). Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn, khi trả lời báo Lao động ngày 5-3-2010, nhận xét: “30.000 tỉ đồng đó là số tiền dư so với dự trữ bắt buộc cần thiết đòi hỏi. Con số này nói là thừa thì không phải. Đây chỉ là lượng tiền bình thường để đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng thương mại”. Trên thực tế các tổ chức tín dụng không thể thừa vốn khả dụng vì vốn huy động hai tháng đầu năm của cả hệ thống giảm 0,17% so với cuối năm 2009. Nếu trần lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục được duy trì, thì ngay cả khi lãi suất thỏa thuận ngắn hạn được áp dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, vốn ngân hàng vẫn không đến tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không thể đòi hỏi dòng vốn chảy thẳng khi cửa ra mở, cửa vào đóng. Từ 1% xuống 0,26% Sự méo mó của dòng chảy vốn đang tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng tín dụng và không thể không ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP quí 1-2010. Theo thông cáo báo chí nói trên, tăng trưởng tín dụng tháng 12-2009 so với tháng trước đó là 0,72%; tháng 1-2010 là 0,26%; tháng 2-2010 là 1,14%. Tổng phương tiện thanh toán hai tháng tăng 1,39%.Các tổ chức tín dụng không thể thừa vốn khả dụng vì vốn huy động hai tháng đầu năm của cả hệ thống giảm 0,17% so với cuối năm 2009.
Song, cũng trên website của NHNN trước đó, cơ quan này công bố tăng trưởng tín dụng tháng 12-2009 ước 0,87%, tháng 1-2010 ước 1%; tổng phương tiện thanh toán tháng 1-2010 ước tăng 1,5%; huy động vốn tháng 1 cũng ước tăng 0,3%. Như vậy, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tháng 2-2010 là âm! Và huy động vốn của tháng 2-2010 cũng âm khá nặng, nâng mức âm của hai tháng đầu năm lên 0,17%!
Độ vênh của mức tăng trưởng tín dụng tháng 1-2010 giữa hai kỳ báo cáo của NHNN khá lớn, từ 1% xuống 0,26% trong khi tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn vẫn dương. Liệu có một độ vênh tương tự đối với con số tăng trưởng tín dụng 1,14% của tháng 2-2010 khi mà cả huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán đều âm? Hơn nữa tháng 2 có mười ngày nghỉ Tết và thường trước Tết doanh nghiệp cố gắng tiêu thụ hàng hóa chứ không vay thêm tiền để sản xuất hoặc nhập khẩu. Bài toán ngân sách Ngân sách nhà nước cũng đang gặp khó vì bài toán lãi suất. Cho dù số thu từ thuế đã tăng lên, nhưng vẫn không đủ bù đắp thâm hụt ngân sách. Để bù đắp bội chi, ngân sách phải trông chờ vào phát hành trái phiếu chính phủ. Năm ngoái phát hành trái phiếu đã trầm lắng, năm nay có khả năng còn trầm lắng hơn. Đợt phát hành đầu tiên năm nay (ngày 15-1-2010), Bộ Tài chính bán được 75 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 11%/năm trong tổng số 1.500 tỉ đồng đưa ra nhờ sự bảo lãnh của Ngân hàng CitiBank Hà Nội. Đợt hai ngày 26-1-2010 chỉ bán được vẻn vẹn 2 tỉ đồng trên tổng số 1.500 tỉ đồng trái phiếu chào bán cho Công ty Chứng khoán Vietcombank. Đợt phát hành thứ ba đã thông báo từ ngày 2-3-2010 nhưng đến nay vẫn chưa có tổ chức nào đăng ký. Nguyên nhân trái phiếu khó bán là bởi Bộ Tài chính ấn định lãi suất thấp, khoảng 11%/năm so với lãi suất bỏ thầu 13-14%/năm. Bộ Tài chính không thể nâng lãi suất trái phiếu vượt quá trần lãi suất cho vay của ngân hàng vì dù muốn hay không lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn là một trong những chuẩn lãi suất của thị trường.Từ chỗ được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm để vay vốn với lãi suất chỉ có 6,5%/năm trong năm 2009, nay nhiều doanh nghiệp đang phải xoay xở chật vật với lãi suất 18%/năm, gấp gần ba lần, thử hỏi có bao nhiêu công ty đủ sức tăng hiệu quả kinh doanh 300% trong thời gian ngắn để có lợi nhuận trả lãi vay?
Cuối năm ngoái, ngân sách đã phải tạm ứng hàng chục ngàn tỉ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, của bảo hiểm (chủ yếu của tập đoàn Bảo Việt) và một số tập đoàn quốc doanh khác để chi tiêu. Để có tiền cho ngân sách, các đơn vị trên phải rút tiền gửi từ các ngân hàng về. Nhằm bù đắp thanh khoản, các ngân hàng này tăng cường huy động vốn trong dân và lãi suất tiền gửi được đẩy lên.
“Năm nay nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ còn lớn hơn, lên tới cả trăm ngàn tỉ đồng, vừa để bù đắp bội chi, vừa để trả các khoản tạm ứng năm ngoái” - ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nói với TBKTSG - “Một trong những phương thức khả thi nhất hiện nay là NHNN tạm ứng ngắn hạn cho ngân sách khi ngân sách tạm thời thiếu hụt. Ngân sách sẽ hoàn trả trong năm tài chính. Điều này Luật Ngân sách cho phép”. Theo kiến nghị của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn ba hoặc sáu tháng với lãi suất chừng 8%/năm cho NHNN. NHNN mua trái phiếu đó bằng chính tiền gửi, bằng vốn dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng ở NHNN. Bằng cách đó, ngân sách sẽ có tiền trả các khoản tạm ứng cho kho bạc, doanh nghiệp và đến lượt mình, kho bạc cũng như doanh nghiệp lại gửi tiền đó vào ngân hàng. Nguồn vốn huy động của ngân hàng nhờ đó sẽ tăng lên. Nên nhớ, theo NHNN, vốn huy động của hệ thống ngân hàng hai tháng đầu năm giảm chủ yếu vì tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 5,94%. Một khi các khoản tạm ứng được ngân sách hoàn trả, “lỗ trống” 5,94% giảm kia sẽ được lấp đầy! Tạo mặt bằng lãi suất hợp lý Tiền gửi của Kho bạc và các tập đoàn nhà nước ở ngân hàng thường dưới hình thức không kỳ hạn, lãi suất thấp và nhờ đó kéo giá thành huy động vốn ở các ngân hàng quốc doanh xuống. Khi vốn huy động tăng lên, ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiết kiệm, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay và từ đây hình thành mặt bằng lãi suất mới. Lãi suất ngân hàng hạ cũng đồng nghĩa với việc mở rộng khả năng phát hành thành công trái phiếu chính phủ. Và quan trọng hơn cả là dòng vốn sẽ thông suốt! Đối tượng được hưởng lợi từ việc uốn nắn cho thẳng dòng chảy vốn chính là doanh nghiệp. Từ chỗ được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm để vay vốn với lãi suất chỉ có 6,5%/năm trong năm 2009, nay nhiều doanh nghiệp đang phải xoay xở chật vật với lãi suất 18%/năm, gấp gần ba lần, thử hỏi có bao nhiêu công ty đủ sức tăng hiệu quả kinh doanh 300% trong thời gian ngắn để có lợi nhuận trả lãi vay? “Cú sốc” lãi suất cao như thế rất không đáng có và càng không thể kéo dài, do đó tháo gỡ bài toán lãi suất bây giờ đang trở nên cần kíp hơn bao giờ hết.
(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com