Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tương lai kinh tế Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì ?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự tin tưởng về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam để tiếp tục đưa con thuyền kinh doanh của họ về đích trong năm 2010.
 

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Yahoo Việt Nam - tinkinhte.com
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Yahoo Việt Nam

Internet sẽ bùng nổ tại Việt Nam!

Cùng với Indonesia, Philippines, Việt Nam nằm trong số 3 thị trường quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á, chiếm hơn 80% tổng số người sử dụng Internet trên toàn khu vực. Để khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, Yahoo! lần lượt mở văn phòng tại các thị trường này.

Trong số 3 thị trường nói trên, Việt Nam là sẵn sàng nhất về thủ tục pháp lý, giấy phép, cơ sở hạ tầng và con người. Đối với Yahoo!, Việt Nam là thị trường cực kỳ tiềm năng và quan trọng. Trong những năm đầu, ưu tiên hàng đầu của Yahoo! là phát triển số lượng người dùng, đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường, cũng như đưa các sản phẩm toàn cầu về thị trường Việt Nam.

Sau đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nội dung trong nước để phát triển các sản phẩm phù hợp với người dùng. Tôi tin rằng, Việt Nam có đủ điều kiện để Internet phát triển bùng nổ.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các thể chế liên quan đến chính sách, quy hoạch… về Internet, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và nâng cao tính minh bạch, giúp Internet Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VinaCapital

Ổn định tâm lý đầu tư là quan trọng nhất

Kinh tế Việt Nam trong năm 2010 chắc chắn sẽ lạc quan. Nền kinh tế thế giới tốt dần lên sẽ tác động tích cực đến Việt Nam.

Các chính sách vĩ mô trong nước sẽ dần ổn định và hoàn chỉnh. Vấn đề cốt lõi ở Việt Nam giai đoạn vừa qua và sắp tới là ổn định về mặt tâm lý cho các DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhà nước cần kiểm soát tốt hơn các chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu, có chính sách điều hành tỷ giá hối đoái linh động, nhưng toàn diện và thống nhất, nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và xuất khẩu, đảm bảo tính thanh khoản trong đầu tư tài chính.

Trong năm 2010, VinaCapital sẽ tập trung cho quỹ đầu tư bất động sản Vinaland 2 khoảng 350 triệu USD sau khi quỹ Vinaland 1 hoàn tất giải ngân.

Ngoài châu Âu, Vinaland 2 sẽ chủ yếu tập trung huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức ở các thị trường như Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông.

Dự kiến, đến cuối quý II/2010, Vinaland 2 sẽ hoàn tất việc huy động và sẽ ưu tiên đầu tư vào các phân khúc bán lẻ, căn hộ để bán và nhà cho thuê.

Ông Warrick A. Cleine, Giám đốc Điều hành, kiêm Trưởng Bộ phận tư vấn thuế. (Công ty TNHH KPMG Việt Nam)

Nguồn vốn FDI sẽ có sự điều chỉnh

Năm 2010, cạnh tranh trên thị trường vốn thế giới sẽ rất gay gắt và đây sẽ là một trở ngại lớn cho Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nguồn vốn FDI trong năm 2009 chủ yếu đổ vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng, nên tôi hy vọng rằng, sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn cho đầu tư vào các ngành công  nghiệp của Việt Nam. Lĩnh vực này sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong dài hạn, sẽ giúp tạo ra nhiều thu nhập từ thuế hơn cho Nhà nước, đồng thời cải thiện đáng kể tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Thách thức trong việc thu hút FDI của Việt Nam là Chính phủ cần đưa ra những điều kiện cần thiết để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, như chính sách thuế ổn định, môi trường pháp lý, chỉ số giá đất và chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng bên cạnh việc xây dựng nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

 


1. Ông Tham Tuck Choy,  Tổng giám đốc Công ty TNHH Parkson Việt Nam - tinkinhte.com
Ông Tham Tuck Choy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Parkson Việt Nam
Môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng cải thiện

Năm 2010, môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam sẽ tốt hơn năm 2009. Minh chứng là dấu hiệu gia tăng của hoạt động thương mại. Nhiều nhà đầu tư mới tham gia nghiên cứu và có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam.

Trong năm 2010, Parkson sẽ mở rộng 2-3 trung tâm tại những thành phố chính của Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, nơi có nhu cầu cao về các mặt hàng đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục cho những năm tiếp theo, Parkson dự định mở 2-3 trung tâm/năm và dự kiến sẽ có 18-20 trung tâm trên cả nước vào năm 2015.

Về nhân lực, chúng tôi đã triển khai đào tạo nguồn nhân lực cho những vị trí chủ chốt từ nhiều năm nay thông qua những khóa đào tạo từ những chuyên gia chuyên nghiệp. Parkson sẽ tiếp thêm vốn đầu tư về Việt Nam từ công ty chủ quản ở Malaysia bên cạnh các khoản vay từ các ngân hàng để tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc tìm được một mặt bằng bán lẻ đủ tiêu chuẩn ở các thành phố lởn của Việt Nam hiện rất khó. Có thể do nhiều yếu tố mà những dự án vẫn chưa được triển khai nhanh, do đó chúng tôi mong muốn Nhà nước triển khai nhanh khâu giấy phép.

Ông Brett Ashton, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Savills Việt Nam

Minh bạch ngày càng cao!

Một tín hiệu khá vui cho Việt Nam là các nhà đầu tư trong nước đã thực sự dẫn dắt thị trường, ít nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ổn định hơn và sẽ không phải trải qua những thời kỳ quá bùng nổ như thời gian trước.

Việt Nam cần đo lường sự phát triển một cách hiệu quả và bền vững trên cơ sở đảm bảo tính minh bạch cao trong toàn hệ thống. Nhà nước cũng cần tránh và hạn chế tối đa sự lặp lại chu trình quá nóng và quá lạnh của thị trường.

Nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là một thành công quan trọng bước đầu trong kế hoạch phát triển dài hơi của Việt Nam.

 Nên đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng

Ông Sami Kteily, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada ở Việt Nam (CanCham)

Với những thuận lợi về phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2009, chúng tôi hy vọng là sẽ có nhiều nhà đầu tư Canada vào Việt Nam thời gian tới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp hai nước trong hợp tác đầu tư.

Việt Nam đang đạt đến mức độ phát triển quan trọng, mà nó cần phải tiến xa hơn việc chỉ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên thô. Việt Nam cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với mức độ phát triển kinh tế và dân số xã hội để có thể tận dụng được nhu cầu gia tăng của công nghệ và các dịch vụ - sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi sự đầu tư dài hạn cho giáo dục, bao gồm cả đào tạo nghề trong các lĩnh vực giao thông - vận tải, năng lượng và viễn thông...

CanCham sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Canada và các văn phòng đại diện của Canada, cũng như cộng đồng doanh nghiệp các nước ở Việt Nam, nhằm mang đến một môi trường thuận lợi cho hợp tác và đầu tư.

Ông Rick Howard, Giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam

CanCham cũng sẽ mở rộng hoạt động ra phía Bắc trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ có nhiều hoạt động gặp gỡ giao lưu nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp phía Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội trong năm nay.

 Việt Nam là cứ điểm quan trọng của Intel toàn cầu

Tháng 7/2010, Intel Product Việt Nam sẽ xuất xưởng lô hàng đầu tiên từ Nhà máy Intel tại Việt Nam. Dự kiến, năm 2010, Nhà máy sẽ sản xuất được 6 triệu sản phẩm. Con số này sẽ tăng lên 24 triệu sản phẩm vào năm 2011.

Để khuyến khích đầu tư, Việt Nam cần khắc phục một số hạn chế. Thứ nhất, giữ ổn định giá VND.

Thứ hai, cải thiện hệ thống hạ tầng cầu cảng, đường và điện. Thứ ba, hiện đại hóa hệ thống giáo dục để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành công nghiệp.

Thứ tư, Chính phủ cần có chính sách kích thích phát triển kinh tế thông qua công tác nghiên cứu và phát triển có mục đích.

Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam đã đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt các cam kết.
 
tinkinhte.com1. Ông Jung Seop Hyun, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Korea Life Vietnam: Đặt mục tiêu kinh doanh cao trong năm 2010

Năm 2010 được đánh giá là năm thuận lợi cho ngành bảo hiểm nhân thọ. Korea Life đặt mục tiêu kinh doanh rất cao cho năm 2010.

Là một trong 4 công ty bảo hiểm nhân thọ mới tung ra sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ thông ra thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động tại Việt Nam, với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

2. Ông Khalid Muhmood, Chủ tịch Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam: Cơ hội đầu tư vào giáo dục và đào tạo ở Việt Nam là rất lớn

Tôi cho rằng, đầu tư của khu vực tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài, rất cần cho việc phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, cần có sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng. Một điều khẳng định rằng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam là rất lớn. Rất nhiều quỹ đầu tư đang ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tuy nhiên họ chưa đánh giá hết những thách thức để vận hành một cơ sở giáo dục - đào tạo tại Việt Nam. 

Đối với Apollo, thách thức lớn nhất của chúng tôi trong năm 2010 là làm sao tiếp tục tăng trưởng và nâng cao chất lượng hoạt động. Trên thực tế, nếu chỉ chú trọng tăng trưởng nhanh, thì sẽ dễ quên mất chất lượng, nhưng mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục tăng trưởng và không bỏ quên chất lượng. Dự kiến, tháng 5/2010, Trường đại học Anh Quốc của chúng tôi sẽ khai trương khóa đầu tiên tại Hà Nội. Chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục để mở thêm chi nhánh tại TP.HCM.

Trọng tâm hoạt động của Apollo là hướng tới nỗ lực cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục của Việt Nam. Để cải thiện tốt chất lượng hệ thống giáo dục, phải cải thiện được chất lượng đội ngũ giáo viên và hướng nghiệp nghề giáo trở thành một lựa chọn nghề hấp dẫn cho các lớp trẻ. Với nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, để thực hiện được điều này là không dễ dàng. 

3. Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam: Thắt chặt kiểm soát lạm phát

Có ba điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009.

Thứ nhất, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm nổi bật khả năng phục hồi, cũng như cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác. Điều này chứng minh rằng, tạo ra giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu là vô cùng cần thiết.

Thứ hai, tính năng động và linh hoạt của Chính phủ Việt Nam thông qua việc ban hành gói kích cầu tài chính, các chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt đã góp phần giải thiểu những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam.

Thứ ba, sự tăng trưởng mạnh về quy mô của thị trường trong nước góp phần đáng kể trong kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2009. Một vài chính sách của Chính phủ Việt Nam có thể tạo nên những ảnh hưởng ngắn hạn, tuy nhiên những chính sách đó đã đem lại kết quả rất tích cực là Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia châu Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2009.

Nền kinh tế toàn cầu năm 2010 tiếp tục là một thách thức lớn cho chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng các doanh nghiệp. Dự báo, tăng trưởng của khu vực châu Á năm 2010 sẽ đạt khoảng 7% (so với 4,5% trong năm 2009).

Trong bối cảnh này, lạm phát không phải là vấn đề lớn đối với các nước ở phía Tây, nhưng ở các nền kinh tế đang nổi như Việt Nam, khi nhu cầu trong nước tăng mạnh và giá các mặt hàng cũng tăng, thì ngân hàng trung ương cần phải tiếp tục thắt chặt kiểm soát lạm phát.

4. Ông Tash Stamatelos, Giám đốc Amdocs Việt Nam: Amdocs cam kết sẽ có mặt dài hạn tại thị trường Việt Nam

Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là nhà cung cấp dịch vụ 3G mới và cả các nhà cung cấp dịch vụ 2G. Amdocs hỗ trợ cả hai đối tượng khách hàng này về 3 khía cạnh.

Đó là: mở rộng nhanh chóng hơn, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong nội bộ.

Trong năm 2010, ngoài Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN), chúng tôi mong muốn sẽ có thêm những khách hàng mới và hiện Amdocs đang trong quá trình thương thảo với khách hàng chiến lược. Amdocs cam kết sẽ có mặt dài hạn tại thị trường Việt Nam.

5. Ông Eddie Ahman, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam: Nhiều cơ hội đầu tư mới vào thị trường viễn thông Việt Nam

Năm 2010, xu thế cổ phần hóa và việc Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện được thực thi sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới vào thị trường viễn thông Việt Nam. Năm 2010 cũng là năm ngành viễn thông Việt Nam tiếp tục phát triển với số lượng thuê bao di động tự kiến lên tới 100 triệu.

Một điều dễ nhận thấy là các nhà khai thác mạng Việt Nam đã không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, vẫn phát triển và mở rộng và xu hướng chung là xu hướng tăng trưởng thuê bao vẫn sẽ tiếp tục.

Cùng với việc triển khai và mở rộng 3G, các nhà khai thác mang sẽ chú trọng tối ưu hóa chất lượng mạng và các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà khai thác trong năm tới.

Họ sẽ mang lại cho người sử dụng nhiều lựa chọn hơn với giá cước thấp. Mobile Internet sẽ là ứng dụng phổ biến và được nhiều người ưa thích. Và xu hướng là người dùng sẽ quan tâm tới truyền dữ liệu hơn là thoại, vì vậy thách thức của các nhà cung cấp Việt Nam là làm sao để đảm bảo năng lực truyền dẫn. Sự xuất hiện của nhà khai thác mạng di động ảo đầu tiên cũng là một nhân tố mới.

Ericsson cam kết sẽ tiếp tục là đối tác chính của các nhà khai thác mạng Việt Nam trong năm tới cũng như trong tương lai. Chúng tôi tiếp tục duy trì vị trí số 1 về cung cấp thiết bị tại thị trường Việt Nam với việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà khai thác mạng trong quá trình họ mở rộng và tối ưu hóa hệ thống mạng.

6. Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Vietnam: Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng

Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng đối với các nhà đầu tư Malysia và chúng tôi nhận định rằng, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong quá trình cải cách nền kinh tế và mở cửa nền kinh tế với toàn cầu.

Năm 2010 sẽ dấu mốc quan trong đối với Gamuda, bởi Dự án Công viên Yên Sở của chúng tôi với vốn đầu tư ước tính 2 tỷ USD sẽ hoàn thành đúng vào thời điểm kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Mặc dù gặp khó khăn trong quá trình giải toả và đền bù, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền Hà Nội, Dự án đang được triển khai rất tích cực.

Bên cạnh nhà máy xử lý nước thải và khu vực công viên cây xanh trong Công viên Yên Sở, trong khuôn khổ Dự án, chúng tôi cũng xây dựng một khu đô thị hiện đại, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân ở khu vực phía Nam Hà Nội.

Trong năm 2010, ngoài Dự án Công viên Yên Sở, Gamuda đang nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản khác tại Việt Nam.


tinkinhte.com7. Ông Robert Guest, Tổng giám đốc Công ty Nickel Bản Phúc: Nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Triển vọng tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam trong năm 2010 chưa rõ nét. Vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay là những thay đổi trong các khoản thuế áp dụng trong khai thác khoáng sản, cũng như đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là Luật Khoáng sản mới. Các nhà đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng rất kỳ vọng vào những quy định pháp lý này, bởi nếu được thực thi một cách nghiêm túc, Việt Nam thực sự sẽ có cơ hội để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

8. Ông Shinya Abe, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam: Tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Năm 2010, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với năm 2009. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Việt Nam, mục tiêu của chúng tôi là mở rộng sản xuất và tăng doanh số bán hàng.

Chúng tôi cam kết sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình phát triển xã hội của Việt Nam không chỉ thông qua các hoạt động xã hội, mà còn bằng các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất.

Chúng tôi luôn ý thức và tích cực trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị  ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Tôi cũng đồng tình với dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD trong năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

9. Ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Canon Việt Nam: Tập trung hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2010, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những biến chuyển tốt.

Để có thể thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, tập trung vào các điểm như: cải thiện cơ sở hạ tầng (nâng cấp hệ thống cung cấp điện ổn định, phát triển hệ thống cảng biển, đường bộ, sân bay); phát triển công nghiệp phụ trợ bằng cách hỗ trợ tài chính và xây dựng hệ thống giáo dục - đào tạo, trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng, kiến thức về công nghiệp phụ trợ.

Nếu có lộ trình, cũng như thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam không những có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tạo được một nền công nghiệp phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào năm 2020.

10. Ông Indronil Sengupta, Giám đốc các dự án tại khu vực Đông Nam Á của Tata Steel: Nên khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo

Việt Nam là một địa điểm đầu tư chiến lược của Tata Steel. Dự án của chúng tôi tại Việt Nam (Nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng vốn đầu tư ước tính 5 tỷ USD,  triển khai chậm hơn so với kế hoạch là do vướng vấn đề giao đất.

Tuy nhiên, tiến độ chậm không phải là một vấn đề ngoại lệ đối với các đại dự án. Với những dự án như vậy, chúng tôi phải có những bước chuẩn bị rất kỹ để làm sao dự án có thể hoạt động bền vững trong vòng ít nhất 50 năm.

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực và chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế vĩ mô để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Không như các quốc gia khác ở khu vực châu Á, Việt Nam đã đứng vững trong cuộc khủng hoảng được coi là tồi tệ nhất lịch sử.

Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục hành động mạnh mẽ để tăng cường nền tảng phát triển kinh tế.

Thứ nhất, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo, với sự đóng góp của cả nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và như vậy sẽ giảm bớt thâm hụt thương mại. Thứ hai, cần mở rộng thị trường xuất khẩu ra các khu vực trên toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào các khu vực ở phía Tây.

(Tinkinhte.com//Theo Bảo Giang - Mỹ Kiều - Mỹ Kiều // Báo đầu tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thâm hụt ngân sách Mỹ đạt kỷ lục
  • Thị trường vàng biến động không rõ xu hướng, chờ đợi diễn biến trên thị trường tiền tệ
  • Nhận định thông tin kinh tế Mỹ tối nay
  • Khủng hoảng tài chính Hy Lạp đã qua, châu Âu an toàn?
  • Chặn đứng “tín dụng đen” trong nông nghiệp
  • Trần lãi suất huy động - Bỏ thương, vương tội
  • Xu hướng kinh doanh Quỹ đầu tư: Năm Dần cưỡi hổ lướt sóng
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!