Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm lại những vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật quý 1/2011

Điều chỉnh tỷ giá và quản lý chặt thị trường USD “chợ đen”, thắt chặt tiền tệ là những nội dung đáng chú ý nhất trong quý 1/2011.

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 đã thể hiện rõ “quyết tâm chính trị” trong cuộc chiến chống bất ổn vĩ mô. NQ này thể hiện động thái quyết liệt và mạnh mẽ, loại bỏ hẳn mục tiêu tăng trưởng trong năm 2011 lên hàng đầu, và đưa ra 6 nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt.

Ngay sau NQ 11, có nhiều văn bản chính sách cụ thể hóa đã được ban hành. Trước đó, ngày 11/2/2011, động thái kích hoạt ban đầu của các giải pháp bình ổn vĩ mô là việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng.  



Diễn biến tỷ giá trên các thị trường trong quý 1 năm 2011. Nguồn: SBV, TVSC

 
Điều chỉnh tỷ giá lên 9,3%

Sau một thời gian dài kiềm giữ tỷ giá USD chính thức ở mức 18.932 đồng/USD, khiến chênh lệch thị trường chính thức và thị trường tự do bị đẩy lên tới 2000-3000 VND/1 USD, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3%, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch xuống ±1% từ ngày 11/2/2011.
Việc điều chỉnh tỷ giá đã không tạo cú sốc quá lớn đến thị trường ngoại hối, bởi động thái này đơn giản chỉ là chính thức hóa và phản ánh lại diễn biến tỷ giá đã bị kìm nén từ năm 2010, khi giá trị VND chịu quá nhiều sức ép giảm giá do thâm hụt thương mại dai dẳng, lạm phát trong nước ở mức cao, dự trữ ngoại hối mỏng và kỳ vọng mất giá tiền đồng cao hơn.

Với việc thu hẹp biên độ giao động còn +/-1% và thay đổi tỷ giá liên ngân hàng hàng ngày, việc điều hành tỷ giá của NHNN sẽ linh hoạt hơn, thay vì điều hành “giật cục” (giữ nguyên tỷ giá trong thời gian dài và điều chỉnh đột ngột) dễ dẫn đến tâm lý bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Nếu tỷ giá thay đổi hàng ngày bám sát thị trường, cộng thêm quy định về trạng thái ngoại hối được phép giữ lại của các NHTM, việc mua bán USD giữa NHNN và NHTM sẽ nhịp nhàng hơn và có thể giúp tỷ giá ít biến động mạnh.

Tăng đồng loạt các mức lãi suất chủ chốt

Với định hướng thắt chặt tiền tệ để ổn định vĩ mô, NHNN đã tăng các mức lãi suất chính sách.  Lãi suất tái chiết khấu tăng từ 6% lên 7% ngày 5/11/2010 và tiếp tục tăng lên 12% ngày 8/3/2011, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 8% lên 9% ngày 5/11/2011, tăng lên 11% ngày 17/2/2011 và tiếp tục 12% ngày 8/3/2011.

Ngoài ra, thị trường mở chỉ còn giao dịch kỳ hạn ngắn 7 ngày với lãi suất tăng từ 10% lên 10,5% ngày 6/1/2011, tăng lên 11% ngày 10/1/2011 và tiếp tục 12% ngày 22/2/2011.

Việc tăng đồng loạt các mức lãi suất chủ chốt từ tháng 3/2011 lên mức cân bằng nhau không những thể hiện tinh thần NQ 11, mà còn là diễn biến cần có và hợp lý để hạn chế:

i) tình trạng các NHTM lớn tận dụng nghiệp vụ tái chiết khấu với lãi suất thấp để kinh doanh “vốn” trên thị trường liên ngân hàng;

ii) tình trạng các dòng vốn giá rẻ chỉ loanh quanh giữa hai thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường mở. Như vậy, mặc dù bị thắt chặt nhưng các nguồn lực vốn sẽ có cơ hội được phân bổ hiệu quả hơn và sẽ trực tiếp đi vào khu vực doanh nghiệp.



Các mức lãi suất chủ chốt. Nguồn: SBV

 


Giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và thắt chặt "van tín dụng" khu vực phi sản xuất

Với định hướng thắt chặt tiền tệ từ NQ 11, tăng trưởng tín dụng năm 2011 đã được điều chỉnh từ 25% xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán được điều chỉnh từ 20% xuống khoảng 15-16%.

Đồng thời, dòng tín dụng sẽ được hướng vào khu vực sản xuất, van bơm tiền cho khu vực phi sản xuất như bất động sản và chứng khoán sẽ bị thắt chặt hơn. Theo đó, các TCTD phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực phi sản xuất so với năm 2010, cụ thể, tỷ trọng này chỉ được phép tối đa 22% tính đến ngày 30/6/2011 và 16% đến ngày 31/12/2011.

Đây là động thái cần thiết nếu muốn dòng tiền được đưa vào nền kinh tế “thực”, nhằm tăng cung hàng hóa và giảm lạm phát, tránh tình trạng bong bóng tài sản gây sức ép lớn đến lạm phát. Tuy nhiên, khu vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ khu vực chính thức.

Ngoài ra, bản thân khu vực ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Trong hệ thống, chỉ có 18 ngân hàng có dư nợ lĩnh vực phi sản xuất chiếm tỷ trọng từ 25% trở xuống trong khi 24 ngân hàng có tỷ trọng trên 25%, đặc biệt một số ngân hàng có tỷ trọng trên dưới 50% và lợi nhuận từ tín dụng chủ yếu từ lĩnh vực bất động sản.

Kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ngoại hối tự do

Trong nỗ lực chống đô la hóa và ổn định tỷ giá, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu đổi ngoại tệ tự do với sự phối hợp của công an và quản lý thị trường. Thị trường ngoại hối tự do ở các thành phố lớn đã ngừng giao dịch từ ngày 7/3.

Tuy nhiên, một lượng lớn ngoại tệ vẫn được các chủ tiệm vàng giữ lại chờ đợi thêm những hành động tiếp theo của các cơ quan chức năng, và tạm thời chỉ giao dịch ngầm đối với 1 số đầu mối quen, với chênh lệch với tỷ giá chính thức giảm xuống chỉ còn 190-250 VND.

Việc cấm giao dịch tự do trong thời điểm hiện tại là tương đối khó khăn. Bản thân chính sách tỷ giá không nhiều dư địa để tác động do dự trữ ngoại hối vẫn còn ở mức thấp, các NHTM vẫn gặp khó khăn về nguồn ngoại tệ trong việc đáp ứng các nhu cầu chính đáng người dân và doanh nghiệp, trong khi theo Pháp lệnh ngoại hối năm 2006, người dân vẫn có quyền nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ.

Vì vậy, thị trường tự do, bằng cách này hay cách khác vẫn có lý do tồn tại. Việc cấm hành chính mà thiếu những giải pháp khác đồng bộ và quyết liệt, thậm chí, còn có thể khiến thị trường này hoạt động “tinh vi” hơn, và do đó, càng khó kiểm soát và nắm bắt.

Trên thực tế đã nhiều lần (6/2008 và 11/2009) NHNN thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt thị trường chợ đen nhưng không hiệu quả và thị trường tự do quay trở lại hoạt động sau một thời gian ngắn.

* Tác giả bài viết hiện là Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Trí Việt - TVSC
Tô Trung Thành - NDHMoney

(NDHMoney)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Điểm sáng FDI quý I: Vốn thực hiện cao hơn đăng ký
  • Chống đôla hóa: Kiên quyết với chiến lược dài hơi
  • Lại lo “cháy “lãi suất
  • 33% doanh nghiệp không chịu được mức lãi suất hiện tại
  • Phải chấn chỉnh ngay "thị trường USD chính thức"
  • Kỹ nghệ “bơm” giá đất ngoại thành
  • Bán ngoại tệ cho người dân, cách nào?
  • Sẽ huy động nhiều nguồn vốn để phát triển đô thị TPHCM
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!