Trong rất nhiều phiên gần đây, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh, tăng khá mạnh. Điều này khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Xu thế tăng liên tục của tỷ giá bình quân liên ngân hàng đối với đồng bạc xanh bắt đầu từ khoảng nửa tháng nay. Đặc biệt, không ít lần chỉ số này được áp mức tăng tới 10 đồng một USD. Hôm qua, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được đẩy lên mức cao nhất trong tháng 3 và đắt hơn cuối tháng 2 tới 30 đồng. Đến sáng nay, tỷ giá này vẫn chưa ngừng tăng và chỉ còn cách mức kỷ lục được thiết lập ngày 14/2 không xa (5 đồng một USD).
Tuy trước đó không lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, trong thời gian tới, tỷ giá sẽ được điều chỉnh linh hoạt, theo cả hai chiều lên, xuống, với biên độ được giãn ra rộng hơn trước. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục "mạnh tay" tăng tỷ giá trong những ngày qua vẫn khiến người dân không khỏi bất ngờ. Đây cũng là đợt tăng liên tục đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá mới cách đây hơn một tháng.
Lý giải cho thắc mắc này, đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng, nhu cầu ngoại tệ của cả người dân và doanh nghiệp đang ở mức cao được coi là nguyên nhân đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh. Đặc biệt, thời điểm này, nhu cầu mua USD của doanh nghiệp trong nước đang tăng vọt. Do rất nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng mạnh nên các doanh nghiệp đành phải thực hiện chính sách nhập nguyên liệu sớm để tích trữ, tránh "bão giá". Điều này đã khiến nhu cầu mua ngoại tệ của đối tượng này "đội" hơn hẳn so với trước.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao cũng tác động ít nhiều đến tỷ giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số tăng trưởng tín dụng đến ngày 10/3 là 3,68% so với cuối năm 2010. Sắp tới, chỉ những đối tượng có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ, số doanh nghiệp còn lại sẽ chuyển sang quan hệ mua bán. Những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nước ngoài, thay vì vay USD nay sẽ phải mua USD hoặc sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của mình để đầu tư. Sự chuyển đổi quan hệ gửi vay sang mua bán có thể đẩy cầu ngoại tệ lên trong thời gian đầu.
Ngày 30/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, số dư tiền gửi ngoại tệ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong hệ thống ngân hàng hiện là 1,61 tỷ USD. Trong đó có 376 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, hiện tượng ngoại tệ gửi vào tăng là đúng nhưng chủ yếu không phải là để bán, chính vì thế số USD bán lại cho ngân hàng không tăng nhiều.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang xin phép Chính phủ để bán số tiền gửi có kỳ hạn do các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gửi nhằm tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Đồng thời, đơn vị này cũng đề xuất rằng, nên cho phép doanh nghiệp và ngân hàng thỏa thuận tỷ giá, giao dịch mua bán kỳ hạn từ 3 đến một năm. Như vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ "mặn mà" hơn với việc bán ngoại tệ cho ngân hàng và hạn chế dần tâm lý mua USD để tích trữ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận việc thu phí ngoại tệ và cho rằng, biện pháp này đã áp dụng ở nhiều quốc gia và Việt Nam đang nghiên cứu. Nếu việc thu phí ngoại tệ là cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy định cụ thể trong thời gian tới. Ông Giàu khẳng định, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và ngân hàng đã thu hẹp đáng kể. "Khi cung cầu trên thị trường ngoại tệ cân bằng thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng thường xuyên trong xu hướng giảm nhẹ", ông Giàu nói.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com