Không chỉ dừng lại ở việc tăng dự trữ bắt buộc thêm 1%, giữ tỷ giá đến cuối năm biến động tối đa 1%, tới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn siết chặt hơn điều kiện, đối tượng được vay ngoại tệ
Nắn dòng tín dụng
Tất cả động thái trên đang cho thấy NHNN quyết tâm kìm hãm lại đà tăng trưởng tín dụng quá nóng kể từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của cơ quan này, tính đến 20.6 nguồn USD cho vay ra tăng 22,21% so với tháng 12.2010, đến 20.7 dù biện pháp tăng dự trữ bắt buộc đã được áp dụng nhưng dư nợ vẫn tăng thêm 1,96%. Thế nhưng, điều trớ trêu ở chỗ tăng trưởng huy động ngoại tệ lại đi ngược chiều khi sút giảm mạnh sau khi đến 20.6, huy động ngoại tệ đã giảm tới 3,62% so với cuối tháng 5; tính đến 20.7 giảm tới 3,29%.
Dù NHNN chưa công bố con số mới nhất của tháng 8.2011, nhưng chắc chắn tình trạng trên đang tiếp tục diễn ra khi lãi suất cho vay VNĐ và USD vẫn còn chênh lệch quá lớn tạo sự hấp dẫn cho vay ngoại tệ. Mặt khác, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - cho biết chênh lệnh nguồn ngoại tệ cho vay và huy động toàn hệ thống NH tính đến tháng 7.2011 khoảng 100.000 tỉ đồng, cho tới thời điểm hiện tại đã tăng lên 150.000 tỉ đồng.
Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước nhận định việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% là muốn kìm lại đà tăng trưởng tín dụng quá nóng thời gian qua. Tăng tỷ lệ dự trữ khiến chi phí vốn của các NH sẽ tăng lên, lãi suất cho vay USD tăng. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đang cố gắng kéo lãi suất cho vay VNĐ xuống, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền để chuyển hướng tín dụng qua VNĐ.
Đồng quan điểm trên, bà Phạm Phương Lan - Trưởng ban Kinh doanh tiền tệ (thuộc ban kinh doanh vốn của BIDV) - phân tích không chỉ chi phí vốn tăng cao, khi NH tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thanh khoản của các NH cũng không còn được “xông xênh” như trước, chắc chắn lãi suất vay USD tăng cao. Một thông tin quan trọng khác theo bà Lan DN cần lưu tâm, tới đây NHNN đã thông báo sẽ sửa đổi lại Thông tư 07 (Quy định điều kiện, đối tượng vay ngoại tệ) theo hướng siết chặt lại, chỉ đối tượng nào có đủ nguồn đảm bảo trả nợ mới được vay ngoại tệ.
Cân đối lại bài toán kinh doanh
Nếu so với đầu năm, việc vay USD hiệu quả hơn vay VNĐ là điều không phải bàn cãi, thì nay với việc cam kết ổn định tỷ giá không quá 1%, đang khiến các DN phải tính toán lại. Ông Phước phân tích, kể từ sau cú điều chỉnh tỷ giá 11.2 thêm 9,3% tới nay, tỷ giá ổn định, người vay USD có lợi hơn nhiều so với vay VNĐ. Cụ thể, vay USD lãi suất 7,5%/năm, tỷ giá biến động từ đầu năm đến nay 9,3%, cộng lại khoảng 17%/năm, thấp hơn nhiều nếu so với lãi suất 20- 21% bình quân vay VNĐ. Nhưng giả sử tính từ tháng 8.2011 đến tháng 2.2012, nếu lãi suất VNĐ có thể hạ xuống 17-18%/năm theo cam kết của NHNN, trong 6 tháng đó lãi vay chỉ khoảng 8,5-9%, trong khi vay USD khoảng 3,5-4%/năm. Như vậy khoảng chênh lệch lãi suất được tạo ra là 5% và liệu tỷ giá hối đoái có tăng lên mức này hay không còn chưa ai khẳng định được, bởi NHNN chỉ cam kết không biến động quá 1% đến cuối năm tức 31.12.2011, chứ không cam kết cho năm 2012.
Thận trọng hơn, bà Lan cho rằng tín hiệu NHNN phát đi chắc chắn sẽ giúp DN hạch toán được bài toán kinh doanh chính xác, chủ động hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc rủi ro tỷ giá của các DN là bằng 0. Vì thực tế, theo bà Lan, nhà điều hành chỉ cam kết giữ đến cuối 2011, trong khoảng thời gian còn lại không phải tỷ giá chạy đúng như vậy, mà sẽ có biên độ dao động lớn tùy từng thời điểm.
Theo nhìn nhận của ông Phước, điều quan trọng làm sao NHNN từ nay đến cuối năm phải cân đối được bảng ngoại tệ trên hệ thống của NH thương mại và kiểm soát nhu cầu vay ngoại tệ, không để mất cân đối quá lớn tạo những cơn sốt. “Trong 2 năm nay VNĐ mất giá vài chục % so với USD. Như vậy việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh USD mất giá mạnh, là sự hỗ trợ đắc lực để VNĐ không bị mất giá quá nhiều. Tất nhiên, cam kết giữ 1% đó là tỷ giá bình quân liên NH của NHNN trong định hướng của chính sách tỷ giá hối đoái. Còn tỷ giá trên thị trường là một vấn đề khác” - ông Phước nói.
Anh Vũ
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Thanh Niên Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com