Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam 2010: Chính sách tiền tệ và 3 bài toán thời hậu khủng hoảng

Chính sách tiền tệ 2010: Cân bằng lạm phát và tăng trưởng
(Ngọc Châu thực hiện//theo vnexpress)

Mục tiêu vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát có thể khiến Việt Nam chấp nhận những thay đổi về chính sách tiền tệ, tài khóa năm 2010, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn nhận định.

 
Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.  Ảnh: Hoàng Hà


- Giới đầu tư và doanh nghiệp hiện rất quan tâm đến một báo cáo mới đây của HSBC, trong đó nhận định CPI của Việt Nam năm nay sẽ lên trên 10%, lãi suất cơ bản tăng lên 12%. Ông đánh giá như thế nào về dự báo của HSBC?

- Tôi cho rằng họ có lý do để đưa ra nhận định như vậy và đây cũng không phải là cơ quan duy nhất đưa ra dự báo khác với chỉ tiêu của Việt Nam. Có thể dự báo của họ căn cứ vào độ trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa trong năm 2009, khiến lạm phát năm nay có thể tăng lên. Mặt khác, họ cũng dựa vào kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam, bởi khi đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2010, thì chính sách tài khóa, tiền tệ không thể thắt chặt quá mức. Đây chính là mặt trái của chính sách.

Nhưng dù sao dự báo vẫn là dự báo. Vấn đề ở đây là cách xử lý của Chính phủ trước tình hình. Khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng này, Chính phủ cũng đã cân nhắc về chính sách tài khóa, cung tiền trong năm 2010 và nói chung các chính sách sẽ được sử dụng rất linh hoạt.

- Khái niệm "linh hoạt" nên được hiểu như thế nào trong tình hình năm nay?

- Linh hoạt có nghĩa là có thể thay đổi, nhưng việc thay đổi phải dựa vào các yếu tố khách quan, do yêu cầu của tình hình kinh tế, đồng thời đáp ứng mục tiêu của Chính phủ. Chính sách về dài hạn có thể không thay đổi, nhưng trong từng giai đoạn thì có thể thay đổi, ví dụ chính sách tiền tệ phải đáp ứng 2 yêu cầu trong năm nay là tăng trưởng kinh tế và kìm chế lạm phát.

- Theo ông, mức độ điều chỉnh liều lượng các chính sách trong năm nay như thế nào là hợp lý?

- Trong bối cảnh hiện nay, để kiềm chế lạm phát thì cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều cần thắt chặt ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, để phát triển được kinh tế thì mức độ thắt chặt với doanh nghiệp chỉ ở mức vừa phải. Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, thì cần sử dụng các chính sách tài khóa. Đó cũng là cách Chính phủ đang điều hành để giữ cân bằng.

Một chính sách khác không thể không nhắc đến là thương mại. Nếu chính sách thương mại và tiền tệ, tài khóa kết hợp tốt, thì sẽ hạn chế được sự mất cân đối trong cán cân thương mại.

- Thông thường, doanh nghiệp và giới đầu tư rất sợ những rủi ro chính sách. Theo ông, làm thế nào để họ không bị xáo trộn khi chính sách trong năm nay có thể liên tục được điều chỉnh?

- Tôi cho rằng cần tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách. Mặt khác, khi các cơ quan này nghiên cứu và hoạch định, cần tính toán mức độ ảnh hưởng của nó đó đến các chính sách khác. Thứ ba, là khi chuẩn bị ban hành chính sách mới, cần có thông tin trước, mang tính cảnh báo, như là dự lệnh để khi ban hành sẽ không đột ngột.

- Thực tế trên thị trường tài chính, có những tin đồn chỉ là tin đồn, trong khi những tin đồn khác trở thành tin chính thức. Làm thế nào để nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận biết dự lệnh từ cơ quan điều hành chính sách?

- Tin đồn là một thực thể của nền kinh tế thị trường, vì thế đầu tiên nhà đầu tư cần tỉnh táo để phân tích tính hợp lý của tin đồn. Thứ hai là cần có sự trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, trong đó các cơ quan cần có thông tin kịp thời. Thứ ba là nếu cơ quan nhà nước điều hành chính sách theo đúng tín hiệu thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thì cơ bản doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể phần nào tiên liệu các bước tiếp theo.

- Mới đây lãi suất liên ngân hàng qua đêm gia tăng, khiến Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này, ngay sau khi hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc?

- Tôi cho rằng cần xem xét hiện tượng này có mang tính bản chất hay không, như có phải do tính thanh khoản hay vốn của ngân hàng có vấn đề, để tiên liệu diễn biến của thị trường. Nếu đó là hiện tượng đột biến trong một thời gian nào đó, thì có thể yên tâm là tình hình sẽ ổn định trở lại. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách xử lý, và thời gian qua họ cũng có biện pháp, bởi hơn ai hết, họ là cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này.
 

3 bài toán cho kinh tế VN thời hậu khủng hoảng
( Theo Ngọc Châu // vnexpress)

Trong lúc bức tranh kinh tế thế giới hậu khủng hoảng đang dần hình thành, mục tiêu vừa đảm bảo tốc độ tăng GDP, vừa giải quyết được những hệ lụy của tăng trưởng nhanh đặt Việt Nam trước những bài toán khó.

Những vấn đề xung quanh kinh tế Việt Nam năm 2010 được các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra bàn thảo sáng nay tại hội thảo về cơ hội đầu tư - kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

 
GS. Nguyễn Mại, Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. Ảnh: Hoàng Hà


Trong bối cảnh chính những nhà kinh tế hàng đầu thế giới như Chủ tịch FED - Ben Bernanke hay GS. Paul Grugman cũng tỏ ra thận trọng về khả năng phục hồi, các chuyên gia trong nước cho rằng, quá trình hồi phục kinh tế tại Việt Nam chứa đựng bất trắc và rủi ro. Trong đó, kinh tế 2010 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào biến động trên thế giới và quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cũng như sự điều hành của Chính phủ.

Theo GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, một trong những vấn đề chính mà Việt Nam đối mặt trong năm 2010 sẽ là hệ lụy của giải pháp chống suy giảm kinh tế trong năm vừa qua. Trong đó, nguy cơ tái lạm phát là dễ thấy nhất, bởi Việt Nam đã phải liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa. Bên cạnh đó, khả năng giá cả nguyên vật liệu tăng khi kinh tế toàn cầu hồi phục, cũng như đầu tư kém hiệu quả ở trong nước là rất lớn. Thâm hụt ngân sách trong năm 2009 là 7% GDP và có khả năng không giảm trong năm 2010.

Tái lạm phát cũng là vấn đề được nhiều nhà kinh tế quan tâm từ nửa cuối năm 2009, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng liên tục leo thang, và chạm mốc 38% vào tháng 12. Với độ trễ của chính sách tiền tệ khoảng 5-6 tháng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, giữa năm 2010 có thể chứng kiến giá cả leo thang. Nếu điều này xảy ra, theo ông, thêm lần nữa quy luật giá cả bị phá vỡ, tạo ra áp lực lớn vào cuối năm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhận định, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2010 sẽ là 11%, vượt xa con số 7% được Quốc hội thông qua.

Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2009, đồng thời tăng ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát. Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới còn mong manh, mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn năm 2009 đòi hỏi nhiều nỗ lực. TS. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính, cho rằng, mục tiêu kép này sẽ đòi hỏi Việt Nam có những điều chỉnh liên tiếp cho phù hợp với tình hình.

Một bài toán khác đặt ra trong năm 2010, theo GS. Võ Đại Lược, là giải quyết vấn đề tỷ giá đôla. Việt Nam cố định tỷ giá và có điều chỉnh nhỏ, VND mỗi năm mất giá 1-2%. Lạm phát ở Việt Nam hàng năm cao hơn ở Mỹ 5-7%, trong khi chỉ điều chỉnh tỷ giá 1-2% khiến đồng Việt Nam rơi vào tình trạng cao giá. Mức cao này tích tụ trong nhiều năm, và theo ông, có tác hại tới xuất khẩu và mở cửa cho nhập khẩu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nhập siêu kéo dài.

Trong khi đó, theo GS. Nguyễn Mại, Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, việc điều chỉnh cách thức tăng trưởng cũng là yêu cầu trong năm 2010. Hậu khủng hoảng chính là thời điểm để Việt Nam nhìn lại lý thuyết phát triển và chính sách kinh tế của mình. Trong đó, đòi hỏi với Việt Nam, theo ông, là tăng trưởng theo chiều sâu nhờ vào công nghệ và nhân lực có trình độ cao, thay vì tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên sử dụng nhiều vốn và lao động như hiện nay. Người Việt Nam cũng cần vượt ra khỏi tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ tài chính và công nghệ nước ngoài.

Chung quan điểm, TS. Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, cho rằng, tác động của khủng hoảng cho thấy các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. "Hiện tượng suy thoái vừa qua mới chỉ là sự phản ánh trên bề mặt nền kinh tế của những mất cân bằng bên trong", ông nhận định.
 
 

 

( Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • N. Roubini lo lắng khu vực đồng tiền chung châu Âu tan rã
  • Kinh tế thế giới 2010 dưới góc nhìn tài chính đầu tư
  • ADB: Chưa đến lúc dừng kích cầu
  • Khó khăn lớn nhất là vốn?
  • Việt Nam 2010: Chứng khoán - Bất động sản - Ngoại hối - Vàng ?
  • Thách thức lớn cho ngân hàng năm nay
  • IMF nhận định kinh tế phục hồi mạnh hơn dự kiến
  • Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái kép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!