![]() |
Một câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta đang dư thừa ngoại tệ, hay nói cách khác, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam đang dồi dào? Thực tế thì không hẳn như vậy, và đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi nhiều tháng qua, hiện tượng các doanh nghiệp đổ xô đi vay USD rồi lại hoán đổi số ngoại tệ đó sang VNĐ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.
Sự lo lắng càng gia tăng khi một vài tháng nữa, tức là thời kì đáo hạn của các doanh nghiệp phải trả nợ ngân hàng bằng USD đến gần, thì sự xáo trộn trên thị trường ngoại hối có thể lại tiếp tục diễn ra.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tức là luôn có được nguồn cung ngoại tệ thường xuyên, nhưng so với 1-2 năm trước, Thủy sản Hùng Vương đến bây giờ mới có thể tiếp cận được vốn vay ngoại tệ từ ngân hàng dễ dàng hơn. Dù đây được coi là một tín hiệu vui đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu như Thủy sản Hùng Vương, nhưng ông Chủ tịch công ty này vẫn không khỏi e ngại trước sự chênh lệch khá lớn giữa số dư vay nợ ngoại tệ so với VNĐ.
Ông Dương Hùng Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Hùng Vương: “Các nhà xuất khẩu được vay ngoại tệ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, điều này có nghĩa là được nhiều thuận lợi hơn, kích thích được xuất khẩu. Nhưng số liệu thống kê cho thấy, hết quí 1, số dư vay nợ bằng VNĐ chỉ có 3%, trong khi ngoại tệ là 14%…”
Lãi suất vay USD thấp tuy mang lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sự chênh lệch quá lớn giữa dư nợ cho vay bằng ngoại tệ so với VNĐ đã khiến không ít người cảm thấy có sự bất thường. Đơn giản là khoản lợi nhuận do chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD lên tới 10%/năm đã khiến nhiều doanh nghiệp không dễ gì bỏ qua. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ, khi đến thời kì đáo hạn vay, nhu cầu USD trả ngân hàng cùng lúc sẽ tăng mạnh, thì khả năng xảy ra bất ổn là điều hoàn toàn có thể.
Theo ông Võ Trí Thành, Viện nghiên cứu Quản ly kinh tế TƯ: “Có thể dẫn đến những sai lệch về cơ cấu dòng tiền trong cân đối tài sản của các doanh nghiệp. Mà đến thời kì đáo hạn thì đương nhiên áp lực ngoại hối sẽ tăng cao, trong khi đó các dòng vốn như FDI dù là được dự báo khả quan hơn, nhưng vẫn là yếu tố bất định, thêm nữa, thâm hụt thương mại, thâm hụt vãng lai vẫn ở mức cao, thì sẽ gây ra những áp lực cho thị trường ngoại hối. Cho nên chúng ta phải theo dõi rất chặt chẽ”.
Rủi ro của doanh nghiệp phải gánh chịu còn kéo theo hệ lụy cho cả các ngân hàng. Mức độ rủi ro lại càng gia tăng, thậm chí là rủi ro nhân đôi khi mà số vốn tự có và số vốn đi vay đều phải hứng chịu rủi ro. Và thời điểm được dự báo sẽ không còn bao xa.
Bà Nguyễn Đoàn Duy Ái, Phó TGĐ NHTMCP HDBank lo ngại: “Mức tỷ giá trong một vài tháng tới sẽ không còn thấp như hiện tại, mà có thể có xu hướng tăng. Vì chỉ đến cuối quí 3, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng đều gia tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn USD bù đắp rồi nhưng lo ngại nhất là những doanh nghiệp không có nguồn USD để trả nợ. Lúc đó, họ buộc phải mua USD từ NHTM, hoặc từ nguồn nào đó, và lúc đó nhu cầu USD sẽ tăng lên. Điều này sẽ ảnh hướng trực tiếp đến tỷ giá”.
Rõ ràng là những rủi ro đã được cảnh báo trước, nhưng hạn chế thế nào lại đang phụ thuộc vào hành động của chính các doanh nghiệp, người đi vay, và cả các cơ quan quản lý.
(Theo Chí Sơn // VTC News Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com