Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa đất nước phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Trong những năm qua, đầu tư công chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ðầu tư của Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với tốc độ tương đối cao, nhờ đó, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả khả quan và mức sống của nhân dân được cải thiện.

Thực trạng đầu tư công

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội đã giảm khá nhanh, từ khoảng 59,17% năm 2000 xuống còn 28,5% năm 2008 (trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước 16,2%, tín dụng nhà nước 4,1% và DNNN 8,2%); tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng lên từ khoảng 22,85% lên 40% và tỷ trọng khu vực đầu tư nước ngoài tăng từ khoảng 17,98% lên 31,5% trong cùng thời kỳ. Nhưng, năm 2009, ước tính tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước lại tăng, chiếm khoảng 34,8% tổng đầu tư xã hội (trong đó đầu tư từ ngân sách 21,8%).

Về cơ cấu đầu tư, trong giai đoạn 2000-2008, 65% vốn đầu tư nhà nước đã tập trung vào 10 ngành, gồm: vận tải đường bộ, cung cấp nước, vận tải đường thủy, sản xuất điện và khí đốt, khai thác dầu khí, quản lý nhà nước, dịch vụ y tế và trợ cấp xã hội, dịch vụ viễn thông, văn hóa và  thể thao và thủy lợi. 17% vốn đầu tư nhà nước được đầu tư cho 10 ngành khác là: thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, sản xuất phân hóa học, khai thác than, sản xuất xi-măng, khoa học và công nghệ, kinh doanh bất động sản, vận tải đường sắt, khách sạn và du lịch. Ðầu tư nhà nước vào dịch vụ tài chính, tiền tệ và các ngành công nghiệp chế biến công nghệ cao là chưa đáng kể. Trong khi đó, đầu tư nhà nước vẫn còn đáng kể ở một số ngành mà tư nhân có thể đã sẵn sàng đầu tư như: thương mại (2%), khách sạn (1%), xây dựng dân dụng (5%), du lịch (1%), dệt (1%)...

Báo cáo "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến 2020" của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho thấy, xét về cơ cấu đầu tư theo mức giá trị gia tăng, thì khoảng 43% tổng đầu tư xã hội đã đầu tư vào 20 ngành có hệ số giá trị tăng thêm vốn đầu tư cao nhất (từ 1,28 trở lên); trong đó có hơn 43% vốn đầu tư của nhà nước, gần 36% vốn đầu tư ngoài nhà nước và 53,5% vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt nhất các ngành hiện đang có hiệu quả đầu tư cao của nền kinh tế nước ta. Hơn 30% tổng đầu tư xã hội đã đầu tư vào nhóm thứ hai, gồm 20 ngành có hệ số giá trị gia tăng đầu tư từ 0,54 đến l,24; trong đó, có hơn 26% vốn đầu tư nhà nước, 45,6% vốn đầu tư ngoài nhà nước và hơn 17% vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy đầu tư ngoài nhà nước đã khai thác tốt nhất nhóm ngành có hiệu quả  trung bình khá.

Thực tế cho thấy tỷ trọng đầu tư (cả đầu tư xã hội và đầu tư nhà nước) vào nông nghiệp, nông thôn đã giảm đi khoảng một nửa kể từ năm 2000; đầu tư vào công nghiệp chế biến nông phẩm trước hết để phục vụ tiêu dùng nội địa rất kém phát triển; các sản phẩm bán chạy trên thị trường nội địa phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài chi phối.

Về hiệu quả đầu tư công, người ta thường nói đến hai loại hiệu quả: hiệu quả kinh tế-xã hội và hiệu quả kinh tế (hay hiệu quả kinh doanh). Ðể tính toán, định lượng được  hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư công là một việc không dễ, vì nó liên quan, ảnh hưởng và tác động đến rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Chẳng hạn, Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là nước thành công nhất trong đầu tư xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, chúng ta lại có không ít dự án đầu tư công lãng phí, không hiệu quả như đầu tư xây dựng nhiều chợ, nhiều cảng biển để rồi gần như bỏ không. Còn riêng hiệu quả kinh tế, thì thực tiễn cũng như tính toán cho thấy đầu tư công là kém hiệu quả. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Việt Nam mới bước vào giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa và phát triển. Vì vậy, xu hướng tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng dựa vào số lượng vốn đầu tư và khai thác các ngành có lợi thế về tài nguyên và lao động có trình độ thấp, giá rẻ là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển hết sức nhanh chóng cả về quy mô và mức độ, làm thay đổi các điều kiện bên ngoài đối với mô hình phát triển theo định hướng xuất khẩu. Trong bối cảnh như vậy, mô hình tăng trưởng thiên về xuất khẩu đang "vấp phải" những bất lợi, gây ra những mất cân đối ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Từ đó có thể thấy, các nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư công là:

 Thứ nhất, vì theo đuổi mô hình định hướng xuất khẩu, nên các ngành, sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, nhất là các sản phẩm dịch vụ, không được quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp định hướng xuất khẩu đã không thể quay về thị trường nội địa mà phải thu hẹp sản xuất và chấp nhận các điều kiện thương mại bất lợi hơn. Như vậy, mô hình này đã phần nào chia cắt thị trường trong nước với thị trường bên ngoài. Do đó, cần cân bằng hơn trong chính sách và định hướng phát triển; phân bố nguồn lực, chính sách và các đòn bẩy khuyến khích cần phải "trung lập" hơn giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

 Thứ hai, hiệu quả đầu tư công thấp là hệ quả của hàng loạt các yếu tố, như đầu tư thiếu quy hoạch, thiếu kế hoạch chi tiết; đầu tư các dự án không còn cần thiết; đầu tư phân tán, vốn được phân bổ vào quá nhiều dự án nên các dự án thường bị thiếu vốn và kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và chậm đưa công trình vào sử dụng; đầu tư dàn trải dẫn đến dư thừa công suất, tỷ suất sử dụng công trình không đạt như dự kiến, chi phí vận hành không giảm; đầu tư thiếu đồng bộ dẫn tới công trình cụ thể hoàn thành mà không đưa vào sử dụng được hoặc công trình đầu tư có liên quan thường bị dở dang, thậm chí không hoàn thành được.

Thứ ba, quản lý và giám sát đầu tư còn yếu kém làm thất thoát vốn đầu tư và chưa bảo đảm chất lượng và hiệu quả công trình như dự kiến; phân cấp quyết định và sử dụng vốn đầu tư chưa đi kèm với giám sát, kiểm soát chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Thứ tư, đầu tư của nhiều DNNN còn kém hiệu quả là do còn được bao cấp một số nhân tố sản xuất, nhất là đất đai và trong một chừng mực nhất định là tín dụng; giá đất và giá tài sản cố định trong nhiều trường hợp chưa tính đúng và tính đủ; và do đó, chưa tính đúng tính đủ chi phí kinh doanh; DNNN hiện vẫn dựa nhiều vào vốn tín dụng và tài nguyên thiên nhiên để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh. Hệ quả là đòn bẩy tài chính luôn cao và có thể còn gia tăng; không thể chủ động trong đầu tư phát triển; quản trị ở các DNNN còn yếu kém; quyền chủ sở hữu nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, kém hiệu lực và ít hiệu quả.

Ðể nâng cao hiệu quả đầu tư công, trước hết phải khắc phục các nguyên nhân dẫn tới yếu kém nêu trên. Ðồng thời cần nâng cao năng lực quản lý đầu tư, hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư nhà nước; bố trí, cơ cấu lại đầu tư nhà nước, tăng thêm đầu tư cho y tế, đào tạo nghề, phát triển hệ thống an sinh xã hội; tăng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Ban hành tiêu chí thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án đầu tư; cơ chế phân bố vốn đầu tư nhà nước theo hướng đầu tư tập trung, chất lượng và hiệu quả. Căn cứ theo các tiêu chí đã ban hành, thực hiện rà soát, đánh giá lại tất cả các dự án (đang thực hiện hoặc trong quy hoạch); phân loại dự án theo thứ tự ưu tiên thực hiện, loại bỏ các dự án không còn đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Ðổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN; hoàn thành chuyển đổi tất cả các DNNN sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần được quản trị và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp đến trước tháng 7-2010;  bãi bỏ các đặc quyền và độc quyền có thể tạo ra sức ì và mang lại lợi ích cục bộ cho DNNN; công khai hóa và minh bạch hóa thông tin theo các chuẩn mực tối thiếu ngang bằng như các công ty niêm yết;  thực thi có hiệu quả và hiệu lực quyền chủ sở hữu nhà nước; thiết lập thể chế thường xuyên giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN.

(Theo PGS,TS Nguyễn Ðình Tài - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư // Nhandan Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lo ngại với gia tăng nợ chính phủ
  • Cần “lạnh hóa” nguồn vốn “nóng” cho thị trường BĐS
  • GPMB các dự án trọng điểm: Không thể lùi tiến độ
  • Vay tiêu dùng: Tiềm năng có, sao khó phát triển?
  • Nợ công: vay, trả và hiệu quả sử dụng
  • Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Hệ lụy từ việc “trải thảm đỏ”
  • Vận dụng hợp lý lãi suất cơ bản
  • Tăng vốn theo lộ trình: Ngân hàng nhỏ tăng tốc tìm cổ đông chiến lược
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!