Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ. Tuy nhiên, dự án giải ngân chậm, lúng túng trong xác định cơ chế tài chính… đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ ODA, bao gồm: 28 nhà tài trợ song phương, 23 nhà tài trợ đa phương.
Từ 1993-2008, tổng giá trị ODA cam kết đạt 47,543 tỷ USD. Tổng vốn ODA ký kết đạt 35,217 tỷ USD. Tổng vốn ODA giải ngân đạt trên 22 tỷ USD.
Chậm giải ngân
Các nguồn vốn ODA dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu là các chương trình đầu tư về thể chế, chính sách, phần mềm, thiết bị…dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi.
Trên thực tế, hầu như các dự án ODA đều chậm chễ, không bảo đảm kế hoạch, ảnh hưởng đến mục tiêu dự án, tạo sự nghi ngại cho nhà tài trợ.
Chậm giải ngân còn phá vỡ kế hoạch đối ứng, gây thiệt hại vô lý, thậm chí làm mất luôn nguồn vốn. Chậm cũng khiến một số dự án khác “đi tong” hàng triệu USD do chênh lệch tỷ giá hoặc phần lãi phải trả tăng…
Các dự án không thực hiện đúng tiến độ buộc phải xin gia hạn hiệu lực dự án, thậm chí điều chỉnh Hiệp định vay vốn, gây lãng phí, ảnh hưởng lòng tin của nhà tài trợ.
Dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam, do ngân hàng Thế giới tài trợ là một ví dụ. Sau gần ba năm triển khai, đến nay dự án này mới giải ngân được khoảng 4 triệu USD do ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại, bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, các dự án chưa thực hiện tốt quy trình, thủ tục. Việc điều phối giữa công nghệ thông tin - truyền thông với cải cách hành chính công chưa phù hợp.
Lúng túng xác định cơ chế vốn
Vốn ODA cùng các nguồn vốn khác sẽ góp phần giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách chính phủ điện tử Việt Nam có thêm kinh nghiệm, hiểu biết trong việc xây dựng chính phủ điện tử khả thi, bền vững.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 1993 – 2009, tổng số vốn cam kết là 52,8 tỷ USD, đáp ứng 17% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Số vốn vay cho các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin ước khoảng 0,6 tỷ USD.
Hiện, các dự án từ nguồn vốn ODA: Cải cách tài chính công, hiện đại hóa các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, đất đai…đã góp phần xây dựng, cải thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức hệ thống bộ máy, đào tạo nguồn lực… tiếp tục được triển khai.
Các dự án này được áp dụng cơ chế tạm ứng vốn ngân sách nhà nước có hoàn trả nguồn vốn vay cho Ngân hàng Thế giới, thời gian tạm ứng trong 10 năm (gồm 5 năm ân hạn), không thu lãi hoặc phí.
Nhà nước sẽ cấp phát ngân sách đối với hợp phần của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)…
Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý dự án, tài chính, huy động vốn đầu tư cho các dự án chính phủ điện tử vẫn tiếp tục tồn tại.
Theo quy định, đối với những đối tượng chi thuộc nhiệm vụ của ngân sách nhà nước sẽ được cấp phát.
Những đối tượng chi không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, những dự án có khả năng thu hồi vốn. Nếu đối tượng trong diện hỗn hợp có thể vừa cấp phát vừa cho vay lại.
Bà Nguyễn Lan Hương Trưởng phòng, Vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định cơ chế tài chính, điều kiện cho vay lại trong trường hợp dự án thuộc đối tượng vay lại, hướng dẫn về định mức chi tiêu.
Bà Hương cho rằng, do năng lực quản lý tài chính của Ban quản lý dự án ODA hạn chế, trong giai đoạn chuẩn bị lại không chú trọng nội dung, các dự án đã rất lúng túng trong xác định cơ chế tài chính cụ thể cho từng dự án, hợp phần.
Chú trọng nội dung tài chính
Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, các dự án công nghệ thông tin vốn không lớn, chủ yếu trang bị máy móc.
Tình hình chung, các dự án công nghệ thông tin giải ngân không chậm. Năm 2008, các dự án gần như đã giải ngân hết. “Phần chậm giải ngân chủ yếu là dự án ODA, do thủ tục phức tạp”, ông Lai khẳng định.
Định hướng cho việc xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, “Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo, đơn giản hoá các thủ tục. Nếu thủ tục giải ngân ODA Việt Nam và nước ngoài khớp, chúng tôi sẽ làm nhanh hơn”, ông Lai nói.
Để thúc đẩy giải ngân các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn ODA, Bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, trong giai đoạn chuẩn bị, thiết kế dự án phải chú trọng nội dung tài chính của dự án.
Các bộ chuyên ngành cần phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, tài chính cần thiết, phù hợp, đồng thời tăng cường năng lực quản lý tài chính cho Ban quản lý dự án ODA.
Rủi ro của các dự án ODA vượt qua khuôn khổ công nghệ thông tin. “Các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, tài chính phù hợp”, bà Hương kiến nghị