Bancassurance đã vào Việt Nam từ những năm 80 nhưng phải đến bây giờ thực sự có doanh nghiệp đứng ra chuyên kinh doanh loại hình này. Đây có thể là xu hướng đầu tư mới trên thị trường bảo hiểm.
Loại hình bảo hiểm nhân thọ kết hợp với sản phẩm ngân hàng (Bancassurance) đã du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng chỉ dừng lại ở việc hợp tác ngân hàng - bảo hiểm hoặc các công ty bảo hiểm nhân thọ xây dựng những sản phẩm phù hợp để nhờ ngân hàng là nhà phân phối sản phẩm mà chưa có công ty nào chuyên kinh doanh loại hình này.
Xu hướng mới
Mới đây, một liên doanh được ra mắt khá rầm rộ - SeABank chọn lựa bắt tay cùng Công ty bảo hiểm của Tập đoàn BNP Paribas Assurance (Cardif) và ngân hàng Vietcombank để lập nên Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI). Theo bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT SeABank, liên doanh này sẽ tập trung vào khai thác bancassurance. Đây là sự lựa chọn khá nhanh nhạy và được củng cố bằng tuyên bố sẽ trở thành “doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng tại Việt Nam” của lãnh đạo VCLI.
Bảo hiểm tín dụng là mảnh đất còn nhiều dư địa để khai thác |
Ở các nước phát triển, nguồn thu từ hoạt động bảo hiểm ngân hàng dự tính sẽ cho tỷ suất lợi nhuận tương đương với nghiệp vụ cho vay truyền thống, tạo nguồn thu lớn cho ngân hàng với rủi ro thấp hơn nhiều so với hoạt động tín dụng. Ở Việt Nam, ngành bảo hiểm đang trên đà phát triển và thị trường còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, để khai thác thị trường còn tiềm năng đó, các doanh nghiệp cần phải phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới và tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ, mà trong đó bảo hiểm tín dụng là mảnh đất còn nhiều dư địa để khai thác. Việc kêu gọi đối tác ngoại khi cần thiết cũng là bước đi được ông cục trưởng khuyến nghị với doanh nghiệp.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, việc kết hợp giữa ngân hàng - bảo hiểm tại Việt Nam sẽ là xu thế phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi việc thanh toán tiền mặt giảm dần và được thay thế bởi phương thức thanh toán qua hệ thống ngân hàng.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, từ góc độ ngân hàng, bên cạnh việc phối hợp với các công ty bảo hiểm thiết kế các sản phẩm ngân hàng - bảo hiểm, nhiều ngân hàng theo định hướng phát triển thành các tập đoàn tài chính cũng muốn phát triển thêm hoạt động bảo hiểm bên cạnh hoạt động truyền thống, vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng cường khả năng quản lý rủi ro và mang lại hiệu quả kinh doanh. Do đó, xu hướng đầu tư và hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm sẽ phát triển mạnh và mang lại hiệu quả lớn.
Khách hàng hưởng lợi gì?
Không phải cứ doanh nghiệp được lợi thì đồng nghĩa với việc khách hàng có lợi. Nhưng có thể chắc chắn rằng, khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, chỉ số hài lòng cao hơn thì doanh nghiệp càng có cơ hội thu lợi lớn hơn. Điều VCLI hướng đến cũng là dùng các lợi thế của từng đối tác trong liên doanh để tạo nên vị thế của người tiên phong. Vậy thì các khách hàng sẽ có thể được cung ứng những gì?
VCLI sẽ là công ty tiên phong phân phối sản phẩm bancassurance, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và ngân hàng thông qua một kênh phân phối chung cho cùng một cơ sở khách hàng. SeABank và Vietcombank có ưu thế về mạng lưới nghiệp vụ. Đối tác ngoại - Cardif là công ty Bảo hiểm của BNP Paribas Assurance có kinh nghiệm về bancassurance tích lũy được trong 35 năm hoạt động của mình tại 41 quốc gia trên thế giới… VCLI sẽ kết hợp cùng SeABank và Vietcombank đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm thông qua mạng lưới chi nhánh của 2 ngân hàng trên toàn quốc, cũng như các kênh phân phối khác: ngân hàng, tổ chức tài chính, tiếp thị trực tiếp, bán hàng qua điện thoại và mạng trực tuyến…
Các sản phẩm bảo hiểm ngân hàng hiện khá mới mẻ, nhưng theo tin từ liên doanh này, các đối tác đang xúc tiến thiết kế và đưa ra thị trường các sản phẩm liên kết với nhiều giá trị gia tăng đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng như bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm tiết kiệm, bảo hiểm tài khoản... Tuy nhiên, cũng còn lo ngại, liệu đội ngũ các nhân viên ngân hàng có đủ năng lực để kiêm nhiệm thêm một lĩnh vực mới là bảo hiểm - lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên môn và trình độ quản lý cao? Sẽ cần phải có một sự “nâng cấp” cần thiết nếu như các ngân hàng muốn mình nhập cuộc tốt hơn.
Nói như, tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Phùng Đắc Lộc, cái gì mới mẻ cũng cần thời gian để hoàn thiện hơn, nhưng phần thưởng sẽ dành cho người biết vượt lên. Và ông Lộc tự tin vào sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm khi khai phá những lĩnh vực mới mẻ của ngành.
(Theo Linhlam/dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com