Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị là một trong những lĩnh lực được TP ưu tiên thu hút FDI |
Mới đây, TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.
Từ đầu năm 1988 đến 31/12/2008, TP HCM đã cấp giấy phép đầu tư còn hiệu lực 3.128 dự án vốn FDI với tổng vốn 25,604 tỷ USD. Tuy nhiên, TP HCM mới giải ngân được 10,144 tỷ USD, chiếm khoảng 29,6% tổng vốn FDI đăng ký.
Bài học về lao động
Theo ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM, các DN FDI thường nghĩ nhiều hơn về lợi nhuận nên trung bình có khoảng 10% lao động trong các DN này bị thay đổi, mất việc, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong tái giải quyết việc làm. Các DN vốn FDI cũng thu hút rất mạnh lao động trình độ cao từ các nơi khác, nhất là từ các DNNN, cũng đã gây xáo trộn lực lượng lao động. Nhiều DN nước ngoài còn vi phạm Luật Lao động như không ký HĐLĐ, kéo dài thời gian thử việc, né tránh các nghĩa vụ BHXH, ký hợp đồng có lợi cho chủ sử dụng lao động nhiều hơn với người lao động... Hiện có 28% người lao động trong các DN nước ngoài làm việc quá 8 giờ/ngày và hơn 40 giờ/tuần, chiếm cao nhất là DN Hàn Quốc (46,99%), Đài Loan (39,60%), Singapore (26.39%)...
Bài học về cơ chế chính sách
Báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP HCM đã phân tích: Việc hấp thụ FDI tại TP HCM còn hạn chế do cơ sở hạ tầng của TP yếu và thiếu, chưa đồng bộ. Dù thời gian cấp giấy phép đầu tư (GPĐT) theo quy định tại Nghị định 108/2006 - NĐ- CP là 30 và 45 ngày làm việc, nhưng thực tế luôn dài hơn. Việc quy định các ngành nghề đầu tư chưa rõ ràng, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Cụ thể, QĐ 10/2007/QĐ - TTg của Chính phủ và QĐ 337/QĐ - BKH của Bộ KHĐT về ngành kinh tế VN không trùng khớp với phân ngành theo Biểu cam kết với WTO về dịch vụ. Vì vậy việc hướng dẫn và thẩm tra cấp GPĐT đều phải sử dụng hệ thống phân ngành chi tiết của Liên Hợp Quốc mà VN tham gia ký kết cam kết WTO, nhưng hệ thống phân ngành chi tiết này chưa được cơ quan nào của nhà nước dịch chính thức, gây mâu thuẫn về cách hiểu và áp dụng. Nhiều quy định luật pháp về ĐTNN còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau như các quy định giữa các Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.. Các chính sách liên quan thuê đất, bồi thường GPMB chưa cụ thể, chưa khuyến khích các dự án phúc lợi xã hội. TP HCM chưa có đề án quy hoạch đô thị tổng thể, làm cho rất nhiều dự án lớn gặp khó khăn khi tìm địa điểm, xét duyệt quy họach...
Những giải pháp
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị TP HCM cần chú ý những vấn đề sau: Một là, đánh giá nghiêm túc hiệu quả thu hút FDI. Hai là, đánh giá khả năng, mức độ DN VN tiếp thu công nghệ cao và năng lực quản lý chuyên nghiệp của các DN đa quốc gia. Ba là, rà soát, thực hiện tốt hơn nữa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư. Bốn là, tìm cách khắc phục những tồn tại không đáng có để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn FDI. Năm là, nhanh chóng nâng cấp kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Trong thời gian tới sẽ khắc phục điểm yếu trong cải cách hành chính, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, cấp phép... Trước mắt, cục sẽ cùng thành phố phối hợp chọn điểm khoảng 50 dự án đầu tư để tìm hiểu vì sao giải ngân chậm để cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com