Việc mua bán các loại tiền ảo sử dụng trong các trò chơi trực tuyến đang phát triển mạnh ở Trung Quốc đến nỗi các nhà chức trách lo ngại vấn đề này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế thật.
Trung Quốc là một trong những thị trường trò chơi trực tuyến lớn nhất thế giới. Ước tính, có hàng chục triệu thanh niên Trung Quốc tham gia trao đổi các loại hàng hóa và tiền ảo trên mạng bằng hàng hóa thật và tiền thật.
Các loại tiền ảo ở Trung Quốc đã trở nên mạnh đến nỗi có thể kéo thị trường dịch chuyển. Loại tiền ảo QQ do “đại gia” Internet có tên Tencent của Trung Quốc phát hành nhiều lúc còn tăng giá mạnh so với đồng Nhân dân tệ. Thực tế này khiến các quan chức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lo ngại.
Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc đã tham gia buôn tiền ảo và sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán trong đời sống, như dùng các loại tiền này để đổi lấy quần áo, mỹ phẩm và các loại hàng hóa khác. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, năm ngoái, một lượng tiền ảo trị giá khoảng 2 tỷ USD đã được trao đổi ở nước này. Một số chuyên gia thậm chí còn tin rằng, quy mô của nền kinh tế ngầm trong thế giới ảo ở Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.
Phần lớn những công ty Internet lớn của Trung Quốc như Sohu.com, Netease và Tencent đều cung cấp các trò chơi trực tuyến và cùng với đó, các loại tiền ảo cũng phát triển theo. Một số công ty trò chơi nhỏ hơn thậm chí thành lập những “công xưởng bóc lột” ảo, nơi các game thủ chơi các trò chơi trực tuyến để giành điểm tín dụng, để rồi công ty lại bán số điểm này cho các khách hàng ở Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí là Mỹ để hưởng lợi nhuận.
Trên nhiều mạng thương mại trực tuyến như eBay và Taobao, thậm chí còn xuất hiện các quảng cáo về hàng hóa ảo được rao bán, như tiền vàng ảo của trò chơi World of Warcraft hay kiếm ảo của trò Legend of Swordmen.
Giáo sư viễn thông Edward Castronova thuộc Đại học Indiana, Mỹ, cho biết, ông tin là tiền ảo có thể đe dọa các nền kinh tế trên thế giới, đồng thời hoan nghênh động thái kiểm soát của Bắc Kinh.
“Động thái này cho thấy ít nhất đã có một chính phủ lo ngại về sự ảnh hưởng của thế giới ảo đối với việc công tác kiểm soát các vấn đề trong xã hội. Khi tiền ảo ngày càng có sức mua lớn hơn, việc kiểm soát hiệu quả nguồn cung tiền cũng dịch chuyển từ ngân hàng trung ương sang các công ty game”, ông Castronova nhận định.
Ngày 1/7, Trung Quốc cho biết, những quy định mới của nước này sẽ hạn chế việc giao dịch và sử dụng tiền ảo, đồng thời cấm việc dùng tiền ảo để đổi lấy hàng hóa thật. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết sẽ tiến tới kiểm soát việc đánh bạc trên mạng và những tranh chấp liên quan tới tiền ảo. Trong thông cáo về những quy định mới nói trên, Chính phủ Trung Quốc nhận định, tiền ảo, ngoài tác dụng thúc đẩy sự phát triển của thị trường trò chơi trực tuyến, “cũng gây ra những vấn đề kinh tế và xã hội mới”.
Từ lâu, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục có những nỗ lực nhằm kiềm chế thị trường trò chơi trực tuyến bằng những quy định mới, nhưng thị trường này vẫn tiếp tục phát triển. Những quy định mới công bố ngày 1/7 là nỗ lực mạnh nhất từ trước tới nay của các nhà chức trách nước này trong việc kiểm soát các loại tiền ảo.
Ông Richard Ji, một nhà phân tích về thị trường Internet tại ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cho rằng, những quy định mới của Chính phủ Trung Quốc chỉ có tác động tài chính hạn chế đối với các công ty trò chơi của Trung Quốc, do việc giao dịch tiền ảo và hàng hóa ảo không diễn ra trên website của các công ty trò chơi lớn được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thay vào đó, tiền ảo và hàng ảo chủ yếu giao dịch trên các trang web khác.
(Theo KIỀU OANH // VnEconomy // New York Times)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com